Phong trào chơi tên lửa nước bắt đầu lan tỏa sâu rộng đến các bạn trẻ ở TP HCM. Khó ai có thể diễn tả được niềm vui khi nhìn thấy tên lửa mang theo tình cảm, ước mơ của mình bay vút trên trời cao.

Sự trở lại của tên lửa nước

Từ những vật dụng rất đời thường như chai nhựa, giấy, băng keo… cộng thêm chút say mê, các bạn trẻ có thể tham gia vào trò chơi “tên lửa nước”.

Tại khuôn viên Nhà thiếu nhi TP HCM, dưới sự chứng kiến của hàng trăn bạn nhỏ, sau tiếng hô “1.2.3… giật” của người cảnh giới, tên lửa nước bay phụt lên khỏi giàn phóng, nước bắn tung tóe xuống mặt đất. Tên lửa bay cao chừng 30 m thì rơi xuống đất trong tiếng hò reo vang dội của mọi người.

Dường như chưa thỏa mãn, khán giả yêu cầu các anh chị trong câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC) biểu diễn lại lần nữa. Và cứ như thế, càng bắn lại càng hăng say, ai cũng hào hứng muốn thử giật chốt tên lửa một lần. Cảm giác hồi hộp xen lẫn niềm vui sướng mỗi khi thấy tên lửa rời giàn phóng.

Tên lửa nước: Trò chơi vui để học - khcn tl3 / Thiên văn học Đà Nẵng
Khó ai diễn tả được niềm vui khi nhìn thấy tên lửa của mình bay vút trên trời cao.

Tên lửa bay càng xa niềm vui của người bắn như theo đó nhân lên gấp bội. Anh Nguyễn Tuấn Anh, thành viên của HAAC, cho biết mô hình trò chơi tên lửa nước xuất hiện ở Việt Nam cũng đã khá lâu. Bắt đầu từ các chương trình của Nhật Bản tài trợ cho Viêt Nam về thiên văn.

Lúc đầu, trò chơi chỉ dừng lại ở một số trường học như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai. Gần đây, phong trào chơi tên lửa nước đã phát triển trở lại một cách rầm rộ. Không riêng gì khu vực TP HCM mà ngay cả ở các tỉnh như Khánh Hòa, Bình Thuận, Vĩnh Long… học sinh cũng rủ nhau chơi bắn tên lửa nước.

Tuân thủ nguyên tắc an toàn

Bạn Triệu Đoàn Xuân Hoa, thành viên HAAC, cho biết, trò chơi tên lửa nước đòi hỏi tính đồng đội rất cao, mỗi đội chơi phải có ít nhất ba người. Để bắn thành công đòi hỏi phải có sự kết hợp ăn ý giữa người bơm, người giật chốt (van an toàn), người canh hướng bắn. Nếu sơ ý có thể thất bại ngay.

 

Tên lửa nước: Trò chơi vui để học - khcn tl2 / Thiên văn học Đà Nẵng
Người chơi tên lửa nước cần tuân thủ một số quy tắc an toàn nhất định.

 

Theo anh Nguyễn Tuấn Anh, sắp tới, tại TP HCM sẽ diễn ra cuộc thi bắn tên lửa nước dành cho những bạn yêu thích trò chơi này. Vì vậy, nhóm của anh đang gấp rút hoàn thành bản quy định để đảm bảo an toàn cho người chơi cũng như những người xung quanh.

Trước tiên các nhóm phải chọn được vị trí chơi thích hợp đảm bảo các yếu tố về sự thông thoáng cho tên lửa bay, tránh rơi trúng người xung quanh. Người chơi không được sử dụng những vật liệu cứng như sắt, nhôm… để làm tên lửa. Thay vào đó tên lửa chỉ được sử dụng vỏ chai nước ngọt bằng nhựa có dung tích không quá 1,5 lít, đầu và cánh tên lửa làm bằng giấy bìa cứng để không gây nguy hiểm. Đặc biệt, áp suất bơm không quá lớn và không dùng các thiết bị nén khí hay cho các loại thuốc pháo, thuốc nổ vào tên lửa.

Tên lửa nước đang trở nên quen thuộc với nhiều bạn trẻ bởi những lợi ích nó mang lại. Đây cũng là tiền đề để các bạn trẻ quen với việc nghiên cứu khoa học khi còn học phổ thông. Từ đó, khi bước vào giảng đường đại học, các bạn không còn bỡ ngỡ với việc nghiên cứu khoa học, một lỗ hổng của nhiều sinh viên Việt Nam hiện nay.

Trò chơi tên lửa nước hoàn toàn dựa trên những kiến thức cơ bản của vật lý và có nguyên lý bay giống hệt tên lửa thật. Bao gồm thân tên lửa, cánh, đầu tên lửa, giàn phóng (bệ phóng), van bơm, khóa tên lửa (chốt an toàn).

Chỉ khác ở chỗ tên lửa nước được làm từ những vật liệu an toàn cho người chơi như thân tên lửa là chai nhựa, cánh làm bằng giấy bìa cứng, giàn phóng làm từ các ống nhựa lắp ghép lại hoặc có thể từ các ống nước bằng sắt.

Ngoài ra, nhiên liệu của tên lửa nước là nước (được đổ vào tên lửa để tạo lực đẩy). Đôi khi người chơi còn pha chút màu vào nước để khi bay lên nước phun ra trông đẹp mắt hơn. Đặc biệt, tên lửa nước chỉ có thể bay cao tối đa khoảng 100m, còn trung bình là 30 m đến 40 m.

 

Theo Đất Việt
Content Protection by DMCA.com