Trịnh Xuân Thuận - người tri kỷ với ánh sáng - Trinh X Thuan 1 / Thiên văn học Đà NẵngNhư Thanh Niên ngày 5.11.2009 đưa tin, giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã nhận giải thưởng Kalinga về phổ biến khoa học năm 2009 của UNESCO. Năm nay 61 tuổi, ông hiện giảng dạy tại Đại học Virginia (Mỹ), sống độc thân và từng nói: “ánh sáng là người bạn tri kỷ của tôi”.

Như Thanh Niên ngày 5.11.2009 đưa tin, giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã nhận giải thưởng Kalinga về phổ biến khoa học năm 2009 của UNESCO. Năm nay 61 tuổi, ông hiện giảng dạy tại Đại học Virginia (Mỹ), sống độc thân và từng nói: “ánh sáng là người bạn tri kỷ của tôi”.

Trịnh Xuân Thuận - người tri kỷ với ánh sáng - Trinh X Thuan 1 / Thiên văn học Đà Nẵng

Giải mã bí mật ánh sáng

Ông gắn bó với ánh sáng từ lúc bước chân đến Caltech (Mỹ) – thánh địa của các nhà thiên văn học – là nơi đặt kính thiên văn lớn nhất thế giới lúc bấy giờ (1967), với đường kính 5m trên đỉnh Palomar, cho phép phóng tầm mắt tìm hiểu quá khứ của bầu trời sao trong vòng hàng tỉ năm qua. Ở đó, ông choáng ngợp trước “cái vô hạn” của vũ trụ “có thể quan sát được” với khoảng 100 tỉ thiên hà. Mỗi thiên hà lại chứa trong lòng nó khoảng 100 tỉ ngôi sao và số hành tinh “đang sống” đạt tới 100 nghìn tỉ tỉ! Trong những “tỉ tỉ” đó chẳng lẽ không có sinh vật trí tuệ nào (như con người trên quả đất) hay sao? Khoa học hiện đại chưa có lời giải đáp dứt khoát điều ấy và cũng chưa có phương cách thoát khỏi “lẽ vô thường” đang chi phối và bao trùm vũ trụ. Chính ánh sáng, theo giáo sư Trịnh Xuân Thuận, đã xác nhận “lẽ vô thường” đó. Ông giải thích, đại ý:

Hãy nhìn lên không trung bao la, trên ấy không có thứ gì đứng yên cả. Tất cả chuyển động và phát sáng. Những ngôi sao, những thiên hà, những cụm thiên hà, luôn quay cuộn quanh mình và tạo sức hút lẫn nhau theo “lực hấp dẫn”. Ông nói Trái đất cũng tham gia vào “điệu múa vũ trụ” bất tận ấy với vận tốc khoảng 30 km/giây. Vì thế chúng ta, những con người, cùng mọi sinh vật, và núi sông cây cỏ, trên thực tế không bao giờ được “đứng yên”, mà lúc nào cũng đang lao đi, theo chuyến du hành của Trái đất quanh Mặt trời. Rồi chính Mặt trời (kéo theo Trái đất) cũng “lang thang” và phóng quanh trung tâm của dải Ngân hà với vận tốc 230 km/giây. Rồi toàn bộ Ngân hà (kéo theo Mặt trời, Trái đất và các hành tinh trong Thái dương hệ) cũng lao đi với vận tốc 90 km mỗi giây. Rồi “cụm thiên hà địa phương” (kéo theo Ngân hà) cũng “rơi” về phía đám Vierge với vận tốc 600 km/giây. Và đám Vierge lại phóng đi theo sức hút của một đám thiên hà khổng lồ khác… Cứ như thế, như thế, tất cả lao vun vút về đâu? Tất cả đều chuyển động theo chiều sinh – diệt tiếp tiếp trùng trùng không dừng lại: “Trong vũ trụ, tất cả đều vô thường, đều thay đổi và chuyển hóa liên tục. Chúng ta không nhìn thấy sự náo động mãnh liệt này bởi vì các thiên thể ở quá xa và cuộc sống của chúng ta quá ngắn ngủi. Một lần nữa, lại chính ánh sáng đã tiết lộ cho chúng ta sự vô thường này của vũ trụ”.

Ông cho biết, ánh sáng mang bản mật mã vũ trụ đến với chúng ta. Bởi ánh sáng “chỉ có thể nhìn thấy được nếu nó tương tác với các vật, chứ ánh sáng tự thân là ánh sáng không nhìn thấy được. Để ánh sáng nhìn thấy được, thì đường đi của nó phải bị một vật nào đó chặn lại, vật ấy có thể là cánh hoa hồng, là các chất màu trên bảng màu của người họa sĩ, là gương của kính thiên văn hoặc là võng mạc của mắt chúng ta”. Các nhà khoa học thu được quang phổ của ánh sáng do một ngôi sao hay một thiên hà phát ra và tùy theo cấu trúc nguyên tử của vật chất mà ánh sáng tiếp xúc, ánh sáng sẽ bị hấp thụ một lượng năng lượng rất chính xác, qua đó giúp tiến hành các phân tích để tìm hiểu thành phần hóa học của vũ trụ. Ánh sáng không chỉ thiết yếu đối với các nhà thiên văn học mà: “tất cả chúng ta đều là con đẻ của ánh sáng”. Và “tôi muốn khám phá không chỉ các chiều kích khoa học và công nghệ của ánh sáng, mà cả cái chiều kích thẩm mỹ, nghệ thuật và tâm linh của ánh sáng nữa. Tôi muốn nghiên cứu không chỉ vật lý về ánh sáng, mà cả siêu hình học về ánh sáng. Ý đồ của tôi là tìm hiểu xem bằng cách nào, ánh sáng đã giúp chúng ta trở thành người”.

Ông đã trình bày chi tiết về những điều nêu trên qua một tác phẩm bằng tiếng Pháp, với tựa: Les voies de la lumière (Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ dịch sang tiếng Việt: Những con đường của ánh sáng – vật lý và siêu hình học của ánh sáng và bóng tối, NXB Trẻ, 2008), được in lần đầu bởi NXB Fayard năm 2007. Cũng năm ấy, Viện Hàn lâm Pháp quyết định trao giải thưởng lớn Moron cho tác phẩm đó của ông. Người ta đánh giá giải thưởng Moron của Pháp tương đương với giải thưởng Pulitzer hay giải thưởng sách quốc gia của Mỹ và giới thiệu: “Trong tác phẩm dày 750 trang này, Trịnh Xuân Thuận đã thảo luận về ánh sáng và liên quan tới nó là bóng tối, trên nhiều phương diện, bao gồm tầm quan trọng của nó đối với sự sống, đối với khoa học, sự diễn giải ánh sáng của bộ não, nghệ thuật của các họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng, việc sử dụng ánh sáng trong kiến trúc và các khía cạnh tâm linh của ánh sáng. Cuốn sách này cũng là bản sử thi về cuộc hành trình của con người đi vào vương quốc ánh sáng và giải mã những bí mật của nó”.

Kết nối khoa học và tâm linh

Về “hành trình” riêng, giáo sư Trịnh Xuân Thuận rời Việt Nam năm 16 tuổi, sống và làm việc ở nước ngoài 45 năm qua. Là tiến sĩ ngành vật lý thiên văn, tốt nghiệp Đại học Princeton (Mỹ), ông trở thành một trong những nhà khoa học hàng đầu của thế giới về lĩnh vực nghiên cứu sự hình thành của các thiên hà. Tuy là nhà thiên văn học, song tác phẩm của ông chứa đựng những tư duy triết học, đậm chất văn học, được người đọc trên thế giới đón nhận, đã dịch sang 20 thứ tiếng, xuất bản và phát hành rộng rãi tại Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Thụy Điển, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Cuối năm 2004, bằng kính viễn vọng không gian Hubble của Cơ quan Nghiên cứu vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), ông cùng tiến sĩ người Ukraine là Yuri Izotov, chụp ảnh và khám phá tuổi của thiên hà trẻ nhất (mang tên I Zwicky 18) xuất hiện cách đây 500 triệu năm. So với thiên hà chúng ta đang sống (mang tên Ngân hà) thì I Zwicky 18 chỉ là một “đứa bé” sinh sau đẻ muộn đến hơn 10 tỉ năm và đang nằm ở vị trí mép rìa của vũ trụ, cách quả đất chúng ta khoảng 45 triệu năm ánh sáng. So với bán kính vũ trụ (đo bằng 14 tỉ năm ánh sáng), khoảng cách nêu trên là rất nhỏ, cho phép người trên quả đất tiến hành những nghiên cứu về sự ra đời của các ngôi sao vào thời vũ trụ mới khai sinh. Phát hiện trên của ông và tiến sĩ Yuri Izotov đã gây chấn động và tranh cãi trong giới khoa học trên thế giới.

Ông đặc biệt nhắc đến cuộc gặp gỡ vào năm 1997 giữa ông với một thiền sư Tây Tạng là Matthieu Ricard. Matthieu là tiến sĩ sinh học người Pháp – đã từ bỏ tất cả để sống đời sống tu sĩ trong một thảo am hoang vắng trên dãy Hymalaya, đã nói với Trịnh Xuân Thuận rằng: điều cốt yếu không chỉ là kiến thức thu thập từ bên ngoài, mà cần nhận thức về những gì tiềm ẩn “bên trong” mỗi người, để tự tìm lấy câu trả lời: Tại sao chúng ta sinh ra và ai cũng phải chết? Tại sao đau khổ? Tại sao yêu và tại sao ghét? Con người chưa bao giờ tách rời khỏi tổng thể và con người không thể nhân danh sự sống của mình để tiêu diệt bất cứ mạng sống của sinh vật nào quanh mình, vì tất cả có chung một nguồn cội thiêng liêng.

Trịnh Xuân Thuận - người tri kỷ với ánh sáng - 390246230 Bia sach / Thiên văn học Đà Nẵng
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận (phải) và thiền sư Matthieu Ricard – Ảnh: Tư liệu

Trịnh Xuân Thuận, dưới góc độ khoa học, soi sáng điều Matthieu nêu trên qua những chứng cứ: “Tất cả chúng ta đều được sinh ra từ các sản phẩm Big Bang. Các nguyên tử hydro và hê-li chiếm 98% tổng khối lượng của vật chất thông thường trong vũ trụ đã được sinh ra trong 3 phút đầu tiên (sau vụ nổ Big Bang). Các nguyên tử hydro của nước trong các đại dương hay trong các cơ thể sống đều xuất phát từ món soup nguyên thủy này”. Món soup đó là hiện thân ban đầu của người Mẹ – sự – sống, không phải bằng xương thịt và máu đỏ như bây giờ, mà là một chất loãng bềnh bồng, nóng và ươn ướt như sữa, đã phôi thai “những người con” gồm loài người chúng ta, cùng mọi loài vật khác như chim trời, cá nước, voi, ngựa, bướm ong, núi sông, đất đai và mây khói. Nhưng dần dần “những người con” đã lỡ quên đi nguồn gốc Mẹ ban đầu nên quay ra “ăn thịt” lẫn nhau. Từ điều ấy, theo ông: “Khoa học có thể hoạt động không cần tới tâm linh. Tâm linh có thể tồn tại không cần tới khoa học. Nhưng con người, để trở nên hoàn thiện, thì cần phải có cả hai”.

Ông về Việt Nam trong phái đoàn của Tổng thống Pháp

Mittérand năm 2003 và một lần khác vào năm 2004, thăm quê nhà và tham gia giảng dạy, thuyết trình trước sinh viên các trường đại học ở Hà Nội và TP.HCM. Tác phẩm mới nhất của ông là Từ điển dành cho những người say mê bầu trời và các vì sao

(Dictionnaire amoureux du ciel et des étoiles) đang được dịch sang tiếng Việt, cạnh các thuật ngữ khoa học là những nội dung phân tích các hiện tượng lạ trong vũ trụ, cũng như đặt những hiện tượng đó trong phạm trù triết học và nhân sinh để xem xét, giới thiệu với độc giả toàn cầu.

“Là những hạt bụi của các vì sao, chúng ta có cùng một lịch sử vũ trụ với các bầy sư tử ở những vùng đồng cỏ bao la miền nhiệt đới, cũng như các bông hoa đồng nội. Được kết nối qua không gian và thời gian, tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau. Đơn giản như việc hít thở thôi cũng gắn kết chúng ta với toàn bộ loài người: hàng tỉ phân tử ô-xy mà ngày này hoặc ngày kia chúng ta đã hít vào cùng với không khí đã từng nằm trong buồng phổi của ai đó trong số năm mươi tỉ người đã từng sống trên Trái đất. Quan điểm này về vũ trụ và hành tinh chúng ta nhấn mạnh không chỉ sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta, mà còn nhấn mạnh sự mỏng manh của hành tinh chúng ta và sự cô độc của chúng ta giữa các vì sao…”.

Trịnh Xuân Thuận (Trích Cái vô hạn trong lòng bàn tay – Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ dịch)

Theo Thanhnien.com.vn

Content Protection by DMCA.com