JOHN COUCH ADAMS

John Couch Adams sinh năm 1819 tại Cornwall, Anh quốc. Adams rất giỏi toán và nhanh chóng bị thiên văn học thu hút. Năm 1841, Adams lần đầu tiên đọc được các tính toán của Bouvard về quỹ đạo của Thiên Vương tinh. Các phép tính đó gây ấn tượng mạnh đối với ông, và ông quyết định khám phá xem cái gì đang ảnh hưởng đến quỹ đạo của Thiên Vương tinh.

Hải Vương tinh (Phần 2) - 1 lppkvn / Thiên văn học Đà Nẵng

Ngày 3 tháng 7 năm 1841, ông đã viết một đoạn ghi chú như sau, “Hình thành một thiết kế… nghiên cứu, càng sớm càng tốt… các bất thường trong chuyển động của Thiên Vương tinh… để tìm hiểu xem có thể quy chúng là do sự tác động của một hành tinh chưa phát hiện ra nằm ngoài nó hay không”. Từ đó về sau, Adams dành hết thời gian rỗi của mình nghiên cứu các phép tính chứng minh cho lí thuyết của ông. Tháng 9 năm 1845, ông đã có bằng chứng toán học của riêng mình cho một hành tinh mới.

Thật không may, Adams ngần ngại nên đã không công bố các kết quả của ông trước công chúng. Thay vào đó, ông đã gửi các bài viết của mình đến cho nhà thiên văn học hàng đầu của nước Anh, ngài George Biddell Airy. Nhưng Airy hoàn toàn bỏ qua các kết quả của Adams. Nguyên do tại sao ông ta làm như vậy vẫn còn là một bí ẩn đối với các nhà sử học. Có khả năng vì Airy quá bận với công việc nghiên cứu của mình, hoặc có lẽ ông không nhìn thấy tầm quan trọng của các phép tính của Adams. Vì Airy không quan tâm đến các kết quả của Adams, cho nên chẳng ai khác ở nước Anh thời kì ấy có bất kì nỗ lực thật sự nào nhằm tìm kiếm xem có một hành tinh thứ tám hay không.

URBAIN J. J. LE VERRIER

Urbain Jean Joseph Le Verrier chào đời tại tỉnh Normandy, nước Pháp, vào năm 1811. Le Verrier là một sinh viên nghiêm túc và thông minh, và bị cuốn hút bởi mọi ngành khoa học. Năm 1837, ông đang là một nhà thiên văn học. Vì mối nhân duyên với toán học, ông đã hăm hở lao vào tìm lời giải cho những phương trình phức tạp nhất.

Le Verrier tìm thấy các sai sót trong nhiều phép tính liên quan đến hành tinh và đã sáng tạo ra các phương pháp tính toán quỹ đạo hiệu quả hơn. Ngày 10 tháng 9 năm 1839, ông đã gửi một bài báo đến Viện Hàn lâm khoa học với tựa đề  “Sur les variation seculaires des orbites planetaires” (“Về các biến thiên bình thường của quỹ đạo hành tinh). Le Verrier tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các phép tính của ông, nhưng ông còn bị hấp dẫn bởi sự chuyển động của các sao chổi và bắt đầu nghiên cứu chúng cùng quỹ đạo của chúng. Năm 1845, ở tuổi 44, Le Verrier đã khẳng định được vị thế của mình là một nhà phân tích kì tài của các bài toán thiên văn học.

Ngay khi để ý thấy chuyển động kì lạ của quỹ đạo Thiên Vương tinh, Le Verrier đã bắt tay vào nghiên cứu đi tìm hành tinh thứ tám. Ông không hề nhìn thấy công trình của John Adams và ông không biết Adams cũng đang tìm kiếm một hành tinh thứ tám. Le Verrier không có cách nào biết được rằng các phép tính của ông hầu như giống hệt các phép tính của Adams. Nhưng không giống như Adams, Le Verrier không ngại ngùng trước công chúng. Le Verrier chắc chắn rằng mọi người biết đến các phép tính của ông. Vào ngày 1 tháng 6 năm 1846, ông đã cho công bố bài phân tích hoàn chỉnh của mình, “Recherches sur les mouvements d’Uranus,” hay “Nghiên cứu về chuyển động của Thiên Vương tinh”, tại cuộc họp báo của Viện Hàn lâm Khoa học.

Hải Vương tinh (Phần 2) - 2 behfpv / Thiên văn học Đà Nẵng

Phần tiếp theo: Cuộc tranh luận về hành tinh thứ tám

Hải Vương tinh – Josepha Sherman – Trần Nghiêm dịch

Thư viện Vật lý

Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 – Phần 4 – Phần 5 – Phần 6 – Phần 7 – Phần 8 – Phần 9 – Phần 10 – Phần 11 – Phần 12

Content Protection by DMCA.com