Tình trạng chính thức của Sao Diêm Vương với tư cách một hành tinh đã là một chủ đề tranh cãi ít nhất từ năm 1992, khi Vật thể Vành đai Kuiper đầu tiên, (15760) 1992 QB1, được phát hiện. Kể từ đó, các khám phá mới càng làm cuộc tranh cãi thêm căng thẳng.

Tưởng nhớ tư cách một hành tinh

Sao Diêm Vương được thể hiện như một hành tinh trên Đĩa Pioneer, một bản khắc được đặt trên các con tàu vũ trụ Pioneer 10Pioneer 11, phóng đi hồi đầu thập niên 1970. Tấm đĩa này được dự định cung cấp thông tin về nguồn gốc tàu vũ trụ cho bất kỳ một nền văn minh nào ngoài trái đất có thể gặp chúng trong tương lai, gồm cả một giản đồ về Hệ Mặt Trời, với chín hành tinh. Tương tự, một hình ảnh analogue chứa bên trong thiết bị Voyager Golden Record được đặt trong tàu vũ trụ Voyager 1Voyager 2 (cũng được phóng hồi thập niên 1970) có bao gồm dữ liệu về Sao Diêm Vương và cũng thể hiện nó như hành tinh thứ chín. Nhân vật Pluto trong các bộ phim hoạt hình của Disney, xuất hiện năm 1930, cũng được đặt tên đó để kỷ niệm hành tinh này. Năm 1941, Glenn T. Seaborg đã đặt tên cho nguyên tố mới được tạo ra là plutonium để vinh danh Sao Diêm Vương, và cũng để giữ truyền thống đặt tên các nguyên tố theo các hành tinh mới được tìm ra (uranium theo Sao Thiên Vương (Uranus), neptunium theo Sao Hải Vương (Nepturne), dù truyền thống này cũng được sử dụng đối với một số vật thể không phải hành tinh: cerium được đặt theo tên Ceres và palladium theo tên Pallas).

Sao Diêm Vương - Phần cuối: Tranh cãi tình trạng hành tinh - 325px EightTNOs / Thiên văn học Đà Nẵng

Sao Diêm Vương so sánh với Eris, (136472) 2005 FY9, (136108) 2003 EL61, Sedna, Orcus, Quaoar, và Varuna so với Trái Đất (vẽ theo quan niệm; không có những bức ảnh chi tiết thật sự).

Những khám phá mới dẫn tới tranh cãi

Sự khám phá Vành đai Kuiper và mối quan hệ của Sao Diêm Vương với vành đai này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Sao Diêm Vương có nên được coi là một vật thể riêng biệt khỏi vành đai hay không. Năm 2002, vật thể 50000 Quaoar thuộc vành đai được phát hiện, với đường kính khoảng 1,280 kilômét, bằng một nửa Sao Diêm Vương. Năm 2004, những người khám phá 90377 Sedna đã đặt một giới hạn trên là 1,800 kilômét đường kính, gần bằng đường kính Sao Diêm Vương 2,320 kilômét. Giống như Ceres cuối cùng bị mất tư cách hành tinh sau sự khám phá các tiểu hành tinh khác, vì thế, vấn đề được đặt ra, Sao Diêm Vương phải được xếp hạng lại như một trong những vật thể thuộc vành đai Kuiper.

Ngày 29 tháng 7 năm 2005, sự khám phá một vật thể ngoài Sao Hải Vương được thông báo. Được đặt tên Eris, hiện nó được biết hơi lớn hơn Sao Diêm Vương. Đây là vật thể lớn nhất được phát hiện trong Hệ Mặt Trời từ khi phát hiện Triton năm 1846. Những người phát hiện ra nó và báo chí ban đầu gọi nó là “hành tinh thứ mười”, dù không có sự đồng thuật chính thức ở thời điểm đó về việc có nên gọi nó là một hành tinh hay không. Những người khác trong giới thiên văn học coi sự khám phá là lý lẽ mạnh mẽ nhất đòi hỏi xếp hạng lại Sao Diêm Vương như một tiểu hành tinh.

Những đặc tính gây tranh cãi khác của Sao Diêm Vương là vệ tinh lớn, Charon, và khí quyển của nó. Những đặc tính này có lẽ không phải duy nhất của Sao Diêm Vương: nhiều vật thể ngoài Sao Hải Vương khác cũng có vệ tinh, và quang phổ của Eris cho thấy bề mặt nó có thành phần tương tự Sao Diêm Vương. Nó cũng có một vệ tinh, Dysnomia, được phát hiện tháng 9 năm 2005.

Giám đốc các viện bảo tàng và cung thiên văn thỉnh thoảng gây ra tranh cãi khi bỏ Sao Diêm Vương khỏi các mô hình hành tinh của Hệ Mặt Trời. Một số lần hành động đó là có chủ ý; Cung thiên văn Hayden mở cửa trở lại sau khi được sửa chữa năm 2000 với một mô hình chỉ gồm tám hành tinh. Cuộc tranh cãi đã được đưa lên trang đầu các báo ở thời điểm đó.

Đại hội Hiệp hội Thiên văn Quốc tế

Từ 16 đến 24 tháng 8 năm 2006, 3.000 nhà thiên văn học và nhà khoa học thuộc Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) đã gặp nhau tại Praha, Cộng hòa Séc để thảo luận về định nghĩa hành tinh. Tổ chức này có kế hoạch chính thức đưa ra định nghĩa hành tinh, và từ đó để xác định Sao Diêm Vương là hành tinh, hành tinh lùn (dwarf planet) hay là một thiên thể vành đai Kuiper (KBO). Ban đầu, tổ chức này có ý định phân loại Sao Diêm Vương cùng với 2003 UB313 và các thiên thể hình cầu thuộc loại thiên thể ngoài Sao Hải Vương mà có thể sẽ được phát hiện ra, là các hành tinh, mặc dù chúng rất “gần gũi” với Sao Diêm Vương. Ceres và vệ tinh tự nhiên Charon của sao Diêm Vương, cũng được xem như là các hành tinh lùn.

Tuy nhiên, đến ngày 24 tháng 8 năm 2006, dự định ban đầu đã có thay đổi. Theo nghị quyết 5A được thông qua, 3 tiêu chí để một thiên thể được coi là hành tinh trong Hệ Mặt Trời như sau:

  1. Thiên thể phải có quỹ đạo quanh Mặt Trời và bản thân nó không phải là một ngôi sao.
  2. Thiên thể phải có khối lượng đủ lớn để lực hấp dẫn của chính nó tạo cho nó dạng cân bằng thuỷ tĩnh (gần như hình cầu).
  3. Thiên thể phải có khối lượng vượt trội so với các thiên thể khác quanh vùng quỹ đạo của mình.

Sao Diêm Vương không đáp ứng được tiêu chí thứ ba, vì quỹ đạo rất dẹt của nó cắt quỹ đạo Sao Hải Vương, là hành tinh lớn hơn nó nhiều.

Theo nghị quyết 6A, sao Diêm Vương được phân loại là hành tinh lùn (cùng loại với nó là Ceres và 2003 UB313). Ngày 7 tháng 9 năm 2006, sao Diêm Vương đã được ấn định số tiểu hành tinh 134340, do Trung tâm Minor Planet, cơ quan chính thức chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu về các tiểu hành tinh và sao chổi trong hệ mặt trời, đưa ra. Nó được công nhận là hình mẫu cho một loại thiên thể mới gồm các thiên thể phía ngoài sao Hải Vương.

Hết.
Theo Wikipedia

Content Protection by DMCA.com