Một hành tinh đầy bụi đỏ và một mặt trăng băng giá của sao Mộc đang là những niềm hy vọng lớn nhất của các nhà khoa học để có thể tìm ra được sự sống ngoài Trái đất, ít ra là trong hệ Mặt trời.

Cả sao Hỏa và vệ tinh Europa đều có chứa một lượng nước ở dạng lỏng và có thể có sự sống. Sao Hỏa có một lịch sử cho thấy rằng nước đã từng tồn tại ở các sông hồ trên đó và hiện tại, hành tinh đó vẫn có thể giữ được nước ở dạng lỏng ở sâu phía dưới. Europa ở xa Mặt trời hơn nhiều nhưng có thể có những đại dương nằm sâu phía dưới và có khả năng tồn tại sự sống ở dưới lớp băng bề mặt do tác dụng lực thủy triều của sao Mộc làm vệ tinh này nóng lên từ bên trong.

Sao Hỏa đang cần những nghiên cứu sâu hơn

Chắc chắn là nước đã từng có mặt trên các thung lũng, lòng hồ của sao Hỏa, nhưng giờ đây, bề mặt hành tinh Đỏ này giống một nơi hoang mạc kho cằn. Những sinh vật nếu đã từng sống trên đó hẳn đã bị diệt vong hoặc đã phải chui xuống các lớp đất bên dưới để tồn tại.

Jack Farmer thuộc ĐHTH Arizona nói:” Quan điểm của tôi là môi trường sinh quyển của sao Hỏa có vẻ như chỉ có thể tìm được ở những lớp đất sâu dưới bề mặt, nơi mà có thể tồn tại nước. Giờ đây,nước ở dạng lỏng không thể tồn tại bền trên bề mặt sao Hỏa”

Một ít nước dạng băng hoặc tuyết cũng có thể biến thành dạng lỏng trên bề mặt như tầu Phượng hoàng của NASA đã phát hiện ra, nhưng số đó cũng không thể tồn tại đủ lâu dưới điều kiện đông lạnh hoặc bay hơi cao để có thể duy trì sự sống.
Một vài vi sinh vật nếu có thể tồn tại trên bề mặt thì cũng không thể sống sót được dưới tác động củqa những bức xạ vũ trụ do sao Hỏa không có bầu khí quyển dầy bảo vệ như Trái đất của chúng ta. Nhưng các nhà sinh học thiên văn vẫn cảm thấy phấn khích về khả năng tồn tại sự sống trong quá khứ trên bề mặt, khi mà có những khoáng chất chỉ có thể được hình thành trong nước có thể đã lưu lại một số bằng chứng.

Những chuyến bay tiếp theo lên sao Hỏa có thể thậm chí chạm được vào những túi nước nằm ẩn sâu phía dưới và tìm kiếm sự sống ở đó nếu chúng ta có các thiết bị phù hợp.

Một đại dương trên Europa: thực tế hay viễn tưởng?

Vệ tinh sao Mộc Europa là mục tiêu tiếp theo khó khăn hơn nhiều của các nhà sinh học thiên văn vì khoảng cách quá lớn tới chúng ta. Mặt trăng Europa đang vẫy gọi các nhà nghiên cứu với những yếu tố bộc lộ khả năng tồn tại những đại dương nước mặn nằm phía dưới lớp bề mặt của thế giới xa xăm này.

Theo Farmer thì Europa là một mục tiêu rất hấp dẫn đối với các nhà sinh học thiên văn, nhất là trên quan điểm sự sống có thể hình thành ở dưới sâu các đại dương, tuy nhiên vấn đề thách thức ở đây là chúng ta không biết chắc liệu có tồn tại những đại dương ngầm trên đó hay không.

Một số các nghiên cứu thì cho rằng Europa có thể có những đại dương sâu gấp 3 lần các đại đương trên Trái đất, trong khi đó các mô hình khác lại gợi ý rằng chẳng có một đại dương nào trên đó hết và có lẽ vệ tinh này chỉ có những túi bùn nhão gồm băng và muối. Tranh cãi này chủ yếu phụ thuộc vào lượng nhiệt sinh ra do quá trình co bóp thuỷ triều dưới tác dụng lực hấp dẫn của sao Mộc.

SỰ SỐNG NGOÀI TRÁI ĐẤT CÓ THỂ TỒN TẠI Ở ĐÂU, SAO HỎA HAY MẶT TRĂNG EUROPA? - 061215 europa 02 / Thiên văn học Đà Nẵng
Europa appears to have an ocean hidden under its frozen surface crust. It could be 10 times deeper than any ocean on Earth and might contain twice as much water as Earth”s oceans and rivers combined. Credit: NASA

Mặc dầu vậy thì Farmer vẫn cho rằng sự sống vẫn có thể tồn tại ở những túi bùn nhão nằm kẹp giữa những khối băng đó.Những khối bùn nhão đó vẫn đôi khi phun trào lên bề mặt ở dạng “núi lửa lạnh” và trong dòng ”dung nham” đó có thể có những hợp chất liên quan tới sự tồn tại của sự sống, mặc dầu bản thân sự sống nếu có, sẽ bị diệt vong ngay tức khắc dưới điều kiện khắc nghiệt trên bề mặt của Europa.

Một nghiên cứu gần đây cho rằng Europa có thể chứa hàm lượng Ô xy nhiều hơn hàng trăm lần so với lượng tính toán trước đó, và như vậy, có vẻ có những tín hiệu lạc quan về sự tồn tại của sự sống dưới những túi bùn nhão bên dưới.

Phải gửi tới những Robot

Mặc dầu còn có những thế giới khác cũng hứa hẹn tìm ra sự sống như vệ tinh Enceladus của sao Thổ, nhưng có lẽ cuộc chạy đua này chủ yếu phụ thuộc vào việc cuối cùng loài người sẽ gửi những người máy tới đâu.

Đã có những dự án hoặc kế hoạch về việc gửi người máy tới cả sao Hỏa và mặt trăng Europa. Phòng thí nghiệm nghiên cứu sao Hỏa ủa NASA (MSL) dự định mang một xe tự hành với kích thước của một xe hơi 7 chỗ lên sao hỏa và sẽ được phóng vào năm 2011, trên đó có cả một phòng thí nghiệm hóa hữu cơ để có thể thực hiện các thí nghiệm ban đầu về sự tồn tạicủa sự sống.

Châu Âu cũng không chịu kém. Họ đang cân nhắc xe tự hành có tên ExoMars và thậm chí thiết bị này có thể khoan sâu vào lớp đất đá bề mặt. Một thành công về phát hiện dấu vết sự sống trên đó có thể dẫn tới một sứ mệnh tiếp theo là mang được mẫu đất đá từ sao Hỏa về Trái đất. Farmer cho rằng việc này sẽ khả thi trong vòng 10 năm tới.

Europa có thể sẽ phải chờ lâu hơn trong công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất. Nếu phải đưa ra lý do thì đơn giản là những thông tìn về vệ tinh này chứa nhiều ẩn số hơn so với sao Hỏa và nữa là các cuộc du hành tới đó xa hơn nhiều.
Một sứ mệnh kết hợp giữa NASA và ESA có thể sẽ gửi một tầu thăm dò đi vòng quanh Europa để khám phá kỹ hơn vệ tinh này, và nhất là tìm hiểu xem liệu có thực sự tồn tại các đại dương dưới bề mặt hay không. Nhưng sớm nhất thì thời điểm con tầu ”liên doanh” này được phóng cũng phải chờ tới năm 2020. Ngoài ra, các nhà khoa học vẫn chưa có được công nghệ “hạ cánh” một xe tự hành mà có thể hoạt động trên bề mặt khắc nghiệt của bề mặt vệ tinh lạnh lẽo này.

“Bạn phải hạ cánh thiết bị trên bề mặt của một nơi không có bầu khí quyển thực sự, lạnh thâm độ, mật độ bức xạ cao, và phải tồn tại và khoan trên đó nữa. Chúng tôi chưa làm được việc đó” Farmer kết luận.

Thohry (Theo Space.com)

Content Protection by DMCA.com