Bầu trời sao mùa hè nổi bật với chòm sao Ursa Major (Đại Hùng), sao Polaris (Bắc Cực), chòm sao Scorpius (Bọ Cạp), dải Ngân Hà và “Tam giác mùa hè”.
Mùa hè, bạn hãy nhìn về hướng Bắc, bạn sẽ thấy 7 ngôi sao tương đối sáng, xếp thành hình cái gàu múc nước, hay là dấu chấm hỏi ngược, đó chính là nhóm sao Big Dipper (Bắc Đẩu). Nhóm sao này thuộc chòm sao Ursa Major (Đại Hùng). Từ nhóm sao này, các bạn hãy dùng bản đồ sao để xác định chòm sao Ursa Major (Đại Hùng) nhé. Nhóm sao Bắc Đẩu là chìa khóa để các bạn nhận biết các ngôi sao nổi bật trên bầu trời. Khoảng 21h vào buổi tối giữa tháng 6, bạn sẽ thấy nhóm sao này ở hướng Tây Bắc, cao khoảng từ 25 độ đến 50 độ trên bầu trời.
Chòm sao Ursa Major (Đại Hùng)
Trước hết là sao Polaris (Bắc Cực). Bạn hãy vẽ một đường thẳng từ sao Merak đến sao Dubhe rồi kéo dài đoạn thẳng nối hai sao này khoảng 5 lần, bạn sẽ gặp sao Polaris (Bắc Cực) như hình vẽ dưới đây. Sao Polaris (Bắc Cực) rất gần thiên cực bắc nên trong một năm, ngôi sao này dường như không thay đổi vị trí của nó trên thiên cầu, và đêm nào bạn cũng có thể thấy được nó. Sao Polaris là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Ursa Minor (Tiểu Hùng). Các bạn dựa vào bản đồ sao để xác định chòm sao Ursa Minor rồi tiếp đến là chòm sao Draco (Thiên Long) nhé!
Dùng nhóm sao Bắc Đẩu để xác định sao Bắc Cực
Sau đó là hai ngôi sao sáng Arcturus và Spica. Theo đường cong của 5 ngôi sao trong nhóm sao Bắc Đẩu, bạn sẽ gặp sao Arcturus của chòm sao Boötes (Mục Phu) rồi sau đó sẽ là sao Spica của chòm sao Virgo (Xử Nữ). Sao Arcturus là ngôi sao sáng thứ 4 trên bầu trời đêm, trong khi đó sao Spica thì đứng thứ 15. Khoảng 21h vào buổi tối giữa tháng 6, bạn sẽ thấy sao Arcturus nằm gần thiên đỉnh còn sao Spica ở hướng Tây – Nam, cao khoảng 55 độ trên bầu trời.
Dùng Bắc Đẩu để xác định sao Arcturus, Spica
Tiếp đến, bạn hãy dùng hai ngôi sao Megrez và Phad để xác định sao Regulus – ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Leo (Sư Tử). Khoảng 21h vào buổi tối giữa tháng 6, bạn sẽ thấy sao Regulus ở hướng Tây, cao khoảng 20 độ trên bầu trời.
Dùng Bắc Đẩu để xác định sao Regulus
Sau khi đã tìm ra sao Regulus thì bạn hãy xác định chòm sao Leo (Sư Tử) đi nhé. Cái đuôi của con sư tử này chính là sao Denebola, ngôi sao sáng thứ hai trong chòm sao Leo. Nó cùng với sao Arcturus và sao Spica tạo thành một tam giác đều, và người ta gọi nó là “tam giác mùa xuân”. Tuy nhiên, có nhiều tài liệu thì nói rằng, “tam giác mùa xuân” gồm sao Arcturus, sao Spica và sao Regulus.
“Tam giác mùa xuân”
Khi “tam giác mùa xuân” dần tiến về hướng Tây thì “tam giác mùa hè” dần xuất hiện ở hướng đông. Bạn hãy nhìn về hướng Đông và quan sát nhóm sao này. Bạn hãy nhìn về dải Ngân Hà vắt ngang trên bầu trời, ba ngôi sao sáng tạm thành “tam giác mùa hè”: sao Vega (Chức Nữ) sáng nhất trong chòm sao Lyra (Thiên Cầm), sao Altair (Ngưu Lang) sáng nhất trong chòm sao Aquila (Đại Bàng) và sao Deneb (Thiên Tân) sáng nhất trong chòm sao Cygnus (Thiên Nga). Sao Vega (Chức Nữ) là ngôi sao sáng thứ năm trên bầu trời đêm, trong khi đó, sao Altair (Ngưu Lang) thì đứng thứ 11 và sao Deneb (Thiên Tân) thì đứng thứ 19. Sao Altair và sao Vega nằm ở hai bên dải Ngân Hà như câu chuyện ngăn cách tình yêu Ngưu Lang – Chức Nữ. Trong tháng 6, khoảng lúc 21h thì “tam giác mùa hè” nằm gần đường chân trời, vì vậy nên nếu muốn quan sát nó dễ dàng hơn thì bạn hãy thức đến nửa đêm hoặc đợi đến giữa tháng 7 nhé!
“Tam giác mùa hè”
Sau đó, hãy dùng thử kiểm tra sao Polaris (Bắc Cực) bằng cách kẻ đường thẳng đi qua sao Gienah và sao Deneb của chòm sao Cygnus (Thiên Nga) nhé!
Kẻ đường thẳng đi qua sao Gienah và sao Deneb, đường thẳng này sẽ đi qua sao Polaris (sao Bắc Cực).
Sau đó, bạn hãy nhìn chòm sao Scorpius (Bọ Cạp) ở hướng Đông Nam. Chòm sao này nổi bật với đường cong như bản đồ Việt Nam quen thuộc. Tâm của con bọ cạp này là ngôi sao Antares, cũng là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao này. Antares có màu đỏ đặc trưng, nó là ngôi sao sáng thứ 16 trên bầu trời đêm và cách chúng ta khoảng 600 năm ánh sáng. Theo Thần thoại Hy Lạp, thợ săn Orion là thợ săn tài giỏi, nhưng rất ngạo mạn, tự cho mình là người thợ săn tài giỏi nhất, nên đã bị nữ thần Hera – vợ của thần Zeus sai con bọ cạp xuống và giết chết chàng thợ săn này. Con bọ cạp giết chết chàng và cũng bị chàng dùng chân giẫm chết. Thần Zeus thương tiếc Orion nên cho chàng lên bầu trời, và con bọ cạp kia cũng được đưa lên trời, chính là chòm sao Scorpius. Mỗi lần chòm sao Scorpius mọc lên thì chòm sao Orion lại lặn xuống như trốn tránh kẻ thù của mình. Khoảng 21h vào buổi tối giữa tháng 6, bạn sẽ thấy chòm sao Bọ Cạp ở hướng Đông – Nam, cao khoảng từ 20 độ đến 52 độ trên bầu trời.
Chòm sao Scorpius (Bọ Cạp)
Phía bên dưới chòm sao Scorpius (Bọ Cạp) là chòm sao Sagittarius (Cung Thủ). Chòm sao này mang hình dạng của một nhân mã, đầu người, mình ngựa. Chòm sao này có những ngôi sao sáng tạo thành nhóm sao The Teapot (Ấm Trà). Tuy nhiên, nếu bạn để ý kĩ thì chòm sao này còn có những ngôi sao tạo thành hình cái gáo múc nước đấy nhé! Vì vậy, nếu bạn nhìn thấy hình một cái gào múc nước ở hướng Nam thì bạn đừng nhầm nó với nhóm sao Big Dipper (Bắc Đẩu) nhé! Khoảng 21h vào buổi tối giữa tháng 6, chòm sao Cung Thủ nằm gần đường chân trời, vì vậy nên cũng như “tam giác mùa hè”, nếu muốn quan sát nó dễ dàng hơn thì bạn hãy thức đến nửa đêm hoặc đợi đến giữa tháng 7 nhé!
Scorpius (Bọ Cạp) và Sagittarius (Cung Thủ)
Ngay trên đầu chòm sao Scorpius chính là chòm sao Libra (Thiên Bình). Chòm Libra mang hình dáng của một chiếc cân, nó là chòm sao Hoàng đạo nằm giữa chòm sao Scorpius và Virgo (Xử Nữ). Bạn hãy dựa vào chòm sao Scorpius để xác định nó nhé.
Xác định chòm Libra bằng chòm sao Scorpius.
Bên cạnh chòm sao Scorpius (Bọ Cạp) là chòm sao Ophiuchus (Xà Phu). Đây chính là chòm sao Hoàng đạo thứ 13, do đường Hoàng đạo đi qua chòm sao này. Chòm sao này chia đôi chòm sao Serpens (Con Rắn) thành hai phần riêng biệt. Serpens là chòm sao duy nhất trên bầu trời bị chia thành 2 phần tách rời.
Scorpius (Bọ Cạp), Ophiuchus (Xà Phu) và Serpens (Con Rắn).
Các chòm sao Hoàng đạo.
Sau khi đã xác định được chòm sao Scorpius (Bọ Cạp), Ophiuchus (Xà Phu) và Sagittarius (Cung Thủ) rồi, các bạn hãy xác định đường Hoàng đạo nhé! Đường Hoàng đạo đi qua các chòm sao này đấy.
Bạn hãy nhìn về hướng Nam nhé, trong số rất nhiều ngôi sao chi chít, bạn hãy để ý những ngôi sao sáng nhất. Chòm sao Crux (Nam Thập Tự) có hình dấu cộng, có hai ngôi sao sáng nhất là Acrux và Mimosa. Acrux là ngôi sao sáng thứ 14 trên bầu trời đêm còn Mimosa thì xếp hạng thứ 20. Bạn có thể quan sát chòm sao này vào khoảng giữa tháng 6 sau khi Mặt Trời lặn cho đến khoảng 22h30. Phía trên Crux là chòm sao Centaurus (Nhân Mã). Cả hai chòm sao Sagittarius (Cung Thủ) và Centaurus (Nhân Mã) đều mang hình dáng đầu người mình ngựa. Tuy nhiên, chòm sao Sagittarius lại thường được gọi là “Nhân Mã” trong khi chòm Centaurus lại thường được gọi là “Bán Nhân Mã”. Cả hai tên thường gọi này đều sai. Chòm sao Sagittarius là một chòm sao Hoàng Đạo (tức là Mặt Trời sẽ đi qua chòm sao này vào một khoảng thời gian trong năm, cụ thể hơn là ngày 18/12 đến ngày 18/01, theo cách nhìn biểu kiến từ Trái Đất). Trong khi đó, chòm sao Centaurus thì không phải là chòm sao Hoàng đạo, và Mặt Trời sẽ không đi qua chòm sao này. Hai ngôi sao sáng nhất của chòm sao Centaurus là Rigil Kentaurus và Hadar. Ngôi sao Rigil Kentaurus là ngôi sao sáng thứ 3 trên bầu trời đêm (sau Sirius và Canopus), trong khi đó thì Hadar xếp thứ 10. Trong một khu vực nhỏ trên thiên cầu lại có đến 4 ngôi sao sáng thuộc hai chòm sao Crux và Centaurus.
Crux (Nam Thập Tự) và Centaurus (Nhân Mã)
Bầu trời sao mùa hè rất đẹp, các bạn hãy ngắm sao ở những vùng quê để thấy được vẻ đẹp của bầu trời hè nhé!
Bản đồ sao tháng 6, lúc 22h tại Đà Nẵng
CLB Thiên văn học Đà Nẵng – DAC
Thái Văn Lợi.
Bình luận