Sau 12 ngày thảo luận sôi nổi, hôm 24-8-2006, tại cuộc họp lịch sử diễn ra ở thủ đô Prague (Cộng hòa Czech), khoảng 2.500 nhà khoa học tham gia cuộc hội thảo của Hiệp hội Thiên văn học quốc tế đã bỏ phiếu thông qua “định nghĩa về hành tinh”. Từ đây, hệ Mặt trời chỉ còn lại tám hành tinh thay vì chín như cả thế giới đã từng biết, sau khi danh hiệu “hành tinh” của sao Diêm Vương bị tước bỏ.
Với công bố gây chấn động thế giới này, hàng triệu sách giáo khoa, sách khoa học, bách khoa toàn thư… sẽ phải sửa lại nội dung.
Hệ Mặt trời sau “định nghĩa về hành tinh” – Ảnh: BBC
Định nghĩa về hành tinh nêu rõ: hành tinh là một thiên thể bay trong quĩ đạo quanh Mặt trời, với trọng lượng đủ lớn để tạo ra lực hấp dẫn và quĩ đạo của nó phải tách bạch với các vật thể khác.
Chiếu theo tiêu chuẩn mới, con người phải chào tạm biệt sao Diêm Vương như một hành tinh vì quĩ đạo hình êlip dẹt của nó cắt quĩ đạo của sao Hải Vương. Từ nay, thiên thể nhỏ bé và rất xa xôi này sẽ bị “xuống hạng” và được gọi là “tiểu hành tinh” (dwarf planet).
Như thế, tám hành tinh “kinh điển” được phát hiện trước năm 1900 của hệ Mặt trời là sao Thủy, sao Kim, Trái đất, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương.
Định nghĩa trên cũng “chiếu mệnh” cho các thiên thể như Charon, Ceres và 2003 UB313 được phát hiện gần đây và chúng cũng sẽ được gọi là tiểu hành tinh.
Trước đây, thiên thể Charon được xem là một mặt trăng của sao Diêm Vương, nhưng xét về kích cỡ thì một số chuyên gia coi nó là hành tinh song sinh. Được xem là một thiên thạch, Ceres là vật thể lớn nhất trong vành đai giữa sao Hỏa và sao Thổ, và có hình cầu giống như một hành tinh.
Cuộc tranh cãi xung quanh danh hiệu sao Diêm Vương bắt đầu từ phát hiện của nhà thiên văn Mỹ Clyde Tombaugh năm 1930. Lý do là kích cỡ nhỏ và vị trí quá xa của nó so với tám hành tinh truyền thống của hệ Mặt trời.
Các nhà khoa học bỏ phiếu thông qua “định nghĩa về hành tinh” Ảnh: AP |
Thậm chí, thiên thể màu vàng nhạt này (với đường kính 2.360km) còn bé hơn cả một số vệ tinh của các hành tinh khác trong hệ Mặt trời, điển hình là Mặt trăng của Trái đất (đường kính 3.476km). Quĩ đạo của nó cũng nằm nghiêng hơn so với tất cả những hành tinh còn lại.
Tranh cãi càng nổi lên khi một thiên thể lớn hơn (đường kính 3.000km), có tên gọi 2003 UB313 (hay Xena), được một nhà thiên văn Mỹ tìm thấy trong vùng ngoài cùng của hệ Mặt trời là vành đai Kuiper.
Sao Diêm Vương được đặt theo tên thần Pluto, vị thần cai quản địa ngục trong thần thoại La Mã, giữa một loạt đề cử tên các vị thần khác. Một trong những lý do mà các nhà thiên văn chọn tên Pluto vì nó bắt đầu bằng “Pl”, hai ký tự viết tắt tên nhà thiên văn học Percival Lowell (năm 1905 ông đưa ra khả năng hiện diện của một hành tinh nằm ngoài sao Hải Vương).
Sao Diêm Vương có hai mặt trăng nhỏ tên Nix và Hydra – bán kính khoảng 30-160 km – được phát hiện năm 2005. Đầu năm nay, Mỹ phóng tàu không người lái New Horizons, mong đợi đây sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên bay ngang qua tiểu hành tinh Diêm Vương và vành đai Kuiper tháng 7-2015.
Với quyết định của Hiệp hội Thiên văn học quốc tế, hàng triệu sách giáo khoa, sách khoa học cũng như các cuốn bách khoa toàn thư trên toàn thế giới, nếu có dịp, sẽ phải sửa lại nội dung “hệ Mặt trời có chín hành tinh”.
“Mắt tôi rớm lệ ngày hôm nay, vâng; nhưng chúng ta phải mô tả hệ Mặt trời như bản chất của nó chứ không phải như cách mà chúng ta muốn” – giáo sư Iwan Williams, chủ tịch ban tìm định nghĩa từ “hành tinh” của Hiệp hội Thiên văn học quốc tế, bày tỏ.
Theo Việt Báo
Bình luận