Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu sinh năm 1932 tại Hải Phòng, hiện định cư tại Pháp. Ông  là Tiến sĩ Khoa học Vật lý, Đại học Sorbonne, Paris. Hiện nay, ông là Giám đốc Nghiên cứu Danh dự (Emeritus) cuả Trung Tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) và công tác tại Đài Thiên văn Paris.

Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu sinh năm 1932 tại Hải Phòng, hiện định cư tại Pháp.

Quá trình công tác, thành tích, công trình nghiên cứu:

– Ông  là Tiến sĩ Khoa học Vật lý, Đại học Sorbonne, Paris

– Hiện nay, ông là Giám đốc Nghiên cứu  Danh dự (Emeritus) cuả Trung Tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) và công tác tại Đài Thiên văn Paris.

– Đã có những thành tựu nghiên cứu khoa học đăng trong những tạp chí khoa học quốc tế về những bức xạ vô tuyến và hồng ngoại trong vũ trụ và sự tìm kiếm những chất hữu cơ trong  những thiên hà và trong những tinh vân cuả dải Ngân hà. Mục tiêu là dùng những định luật vật lý để giải thích cơ chế tạo ra những bức xạ vũ trụ và nghiên cứu những điều kiện lý-hoá có khả năng dẫn đến sự sống trong không gian vũ trụ. Để đạt được mục tiêu khoa học, ông đã sử dụng những kính thiên văn lớn đặt trên những đỉnh núi cao ở các lục địa và kính thiên văn hồng ngoại  ISO ( Infrared Space Observatory) đặt trên vệ tinh phóng ra  ngoài khí quyển trái đất.

– Đã hợp tác nghiên cứu với những viện khoa học tại Pháp và tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Viện Max-Planck tại Bonn (Đức), Viện Sternberg tại Moscova (Nga), Đại học California tại Berkeley (Hoa Kỳ) và Đại học Tokyo (Nhật Bản).

– Đã viết sách bằng tiếng Việt để phổ biến ngành thiên văn tại Việt Nam:

* Vũ trụ phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ  đại (Nhà Xuất bản Giáo dục, 1995)

* Lang thang trên dải Ngân hà (Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin, 1997)

* Sông Ngân khi tỏ khi mờ – Les Reflets du Fleuve d’Argent  (song ngữ Việt-

Pháp, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin, 1998)

* Bầu trời Tuổi thơ ( Nhà Xuất bản Giáo dục, 2002)

* Thiên văn Vật lí – Astrophysics  (Nhà Xuất bản Giáo dục, 2000), sách giáo

khoa song ngữ Việt-Anh cấp Đại học (Tác giả D. Wentzel, Ng.Qg.Riệu, Ph.

V.Trinh, Ng.Đ.Noãn, Ng.Đ.Huân)

* Những con đường đến với các vì sao (Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật,

2003),  trình bầy những bài giảng trong khóa học ông tổ chức năm 2002 tại

Đại học Quốc gia Hà Nội (cùng với nhiều tác giả)

* Radioastronomy (tiếng Anh trong The Microwave Engineering Handbook, Volume 3, Publisher: Chapman and Hall)

– Đã viết nhiều bài phổ biến khoa học trong các báo và tạp chí quốc tế và trong nước và trình bầy những đề tài khoa học qua những phương tiện truyền thông  đại chúng trong và ngoài nước.

Đóng góp cho quê hương Việt Nam:

Từ năm 1976, ông thường xuyên về nước tham gia phát triển và phổ biến ngành Thiên văn Vật lí và ngành Vật lí Môi trường, hai lĩnh vực hãy còn non trẻ tại Việt Nam. Nhân có nhật thực toàn phần ngày 25 tháng 10 năm 1995 tại  miền nam Việt Nam, ông đã vận động Bộ Ngoại giao Pháp cấp kinh phí để ông cho làm và mua thiết bị thiên văn mang về Phan Thiết, quan sát cùng đồng bào hiện tượng thiên nhiên hiếm có này. Sau đó ông đã tặng Đại học Quốc gia Hà Nội và Đài Thiên văn Phủ Liễn toàn bộ thiết bị  để sinh viên thực tập quan sát bầu trời.

Cũng nhân dịp này, cùng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, ông tham gia tổ chức một Hội thảo với mục đích giải thích hiện tượng nhật thực và trình bầy những thành tựu mới đạt được trong ngành thiên văn. Từ đó, hàng năm ông về nước tổ chức lớp học về môn Vật lí Vũ trụ và Vật lí Môi trường tại Đại học Quốc gia Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác mà ông khởi xướng, giữa Đài Thiên văn Paris, Đại học Pierre và Marie Curie (Paris 6) và Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông mời các nhà khoa học đầu ngành nước ngoài cùng về giảng. Học viên là những cán bộ nghiên cứu và giảng dạy cuả các trường đại học và các viện khoa học  trong nước.

Ông được Hội Thiên văn Quốc tế (International Astronomical Union, IAU) mời tham gia thực hiện chương trình cộng tác với Hội Thiên văn Việt Nam. Và cụ thể, ông đã là giáo sư cuả những lớp học Thiên văn Vật lý dành cho các cán bộ giảng dạy Vật lý cuả các trường Đại học Sư phạm tại Việt Nam, trong khuôn khổ chương trình TAD (Teaching for Astronomy Development) cuả IAU nhằm phát triển ngành thiên văn toàn cầu.

Ông không ngừng quan tâm đến vấn đề đào tạo các cán bộ chuyên ngành, xin học bổng cuả chính phủ Pháp cho sinh viên Việt Nam và đã là giáo sư hướng dẫn họ làm luận án tiến sĩ về ngành Vật lý Thiên văn tại Đài Thiên văn Paris. Sau khi bảo vệ thành công luận án, họ đã về nước tham gia vào công việc giảng dạy ngành Thiên văn Vật lý tại các trường đại học, hoặc còn đang thực tập để lấy thêm kinh nghiệm tại Viện Thiên văn Vật lý Đài Bắc (Institute of Astronomy and Astrophysics, Taipeh).

Khen thưởng:

Năm 1973, ông được giải thưởng cuả Viện Hàn Lâm Khoa học Pháp về những thành tích Thiên văn Vật lý.

Dự án tương lai:

– Tiếp tục tổ chức lớp học về Vật lý Vũ trụ và Môi trường tại Đại học Quốc gia Hà Nội và hướng dẫn sinh viên và cán bộ khoa học sang thực tập tại các cơ quan nghiên cứu khoa học Pháp.

– Phổ biến khoa học trong quảng đại quần chúng. Muốn đạt  được mục tiêu, cần phải có một Cung Khoa học để thế hệ trẻ tiếp cận được với những ngành khoa học hiện đại. Ông hi vọng một ngày gần đây, Việt Nam sẽ có một đội ngũ chuyên gia sẵn sàng sánh vai với các nhà khoa học trên thế giới, nhằm chinh phục vũ trụ bao la và bảo vệ hành tinh Trái đất mỏng manh cuả chúng ta.

Sách đã in:



© https://vietsciences.free.fr