Ceres có đường kính khoảng 950 km, nặng khoảng 9.5×10^20 kg. Đây là thiên thể có đường kính và khối lượng lớn nhất nằm trong vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc. Ceres chuyển động xung quanh Mặt Trời theo chu kỳ 4.6 năm Trái Đất, tự quay quanh trục 1 vòng hết 9.08 giờ Trái Đất. Điểm viễn nhật cách Mặt Trời 2.987 AU, điểm cận nhật cách Mặt Trời 2.544 AU.


Hành tinh lùn Ceres

Vào đêm ngày 1 tháng một năm 1801, đêm đầu tiên của năm đó, cũng là đêm đầu tiên của thế kỷ 19, Piazi đang kiểm tra vị trí của một ngôi sao quen thuộc vốn quá mờ nên mắt thường không nhìn thấy được, nhưng cũng đủ độ sáng để lọt vào kính viễn vọng của ông. Ngôi sao đó đã được ghi lại rồi, Piazi chỉ xem xem vị trí ghi lại đó có hoàn toàn chính xác không. Khi kiểm tra nó, ông chú ý đến một ngôi sao khác cũng sáng như vậy ở gần đó. Ông bèn ghi lại vị trí ngôi sao này. Nhưng vì nó không phải là một ngôi sao đã được xác minh nên đêm hôm sau ông trở lại để kiểm tra vị trí và để đảm bảo là mình không lầm lẫn. Ông ngạc nhiên thấy nó xuất hiện, nhưng vị trí lại không như vị trí ông đã ghi được. Mỗi lần ông quan sát lại, vị trí của nó đều thay đổi.

Rõ ràng ngôi sao đó đang chuyển động. Giống như Hecsen, Piazi thoạt tiên cho rằng mình khám phá ra một sao chổi mới. Lại cũng như trong trường hợp của Hecsen, khi Piazi quan sát thiên thể đó khá lâu, ông bắt đầu nghĩ rằng đó là một hành tinh. Căn cứ theo tốc độ chuyển động biểu kiến của nó, nó thậm chí có thể là hành tinh vốn được giả thiét nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc đấy.

Tuy vậy, để đảm bảo chắc chắn, Piazi cần phải tính toán quỹ đạo của hành tinh mới này. Không may, ngày 11 tháng hai, ông bị ốm, không thể quan sát thêm được nữa. Khi ông khỏi bệnh, hành tinh mới ở gần Mặt Trời quá nên không nhìn thấy được.

Tất nhiên, Piazi vẫn có những quan trắc của ông từ ngày 1 tháng một tới ngày 11 tháng hai, nhưng những quan trắc đó hầu như không đủ để tính toán một quỹ đạo. Không biết quỹ đạo, thì sẽ phải tìm kiếm lại từ vạch xuất phát và sẽ không biết được đến khi nào lại tìm thấy nó. Xét đến cùng, nó không phải là một thiên thể sáng mà.

May thay, nhà toán học Đức trẻ tuổi Cac Friđêric Gaoxơ (Carl Friedrich Gauss) đã tới cứu nguy. Gaoxơ trình bày một phương pháp tính toán quỹ đạo chỉ căn cứ ở ba sự quan trắc đầy đủ. Khi khám phá của Piazi được công bố, Gaoxơ tiếp nhận các quan trắc của Piazi, và vào tháng mười một, tiên đoán về vị trí của hành tinh mới khi nó ở xa Mặt Trời đủ để có thể nhìn thấy được.

Ngày 1 tháng một, năm 1802, một năm sau ngày phát hiện của Piazi, Hainơric W.M Onbơ (Heinrich W. M. Olbers) (một trong nhóm các nhà thiên văn Đức săn tìm hành tinh) tìm thấy lại vị trí hành tinh ở chỗ mà Gaoxơ đã tiên đoán.

Piazi đề nghị đặt tên hành tinh mới đó là Xêret (Ceres), theo tên nữ thần nghề nông của La Mã (theo người Hy Lạp, tên nữ thần đó là Đêmête (Demeter)), yêu cầu của ông được thực hiện, Xêret cũng là nữ thần liên quan chủ yếu đến đảo Xixin.

Ban đầu, Ceres được xếp vào nhóm « tiểu hành tinh » (asteroid, minor planet), đây cũng là tiểu hành tinh đầu tiên được tìm ra. Sau cuộc họp của IAU tháng 8/2006, Ceres được xếp vào nhóm hành tinh lùn (dwarf planet).

Trần Tuấn Tú
vietastro.org