Ngày sinh nhà thiên văn học người Đức Johann Elert Bode (19/01/1747 – 23/11/1826)[1]. Ông từng giữ nhiệm vụ giám đốc đài thiên văn Berlin trong hơn 40 năm, thành viên viện hàm lâm Berlin. [2]



Ảnh: Johann Elert Bode (19/01/1747 – 23/11/1826)

 

Bode là người phát hiện đầu tiên của nhiều thiên hà và tinh vân: M81, M82 (31/12/1774), M53 (3/2/1775) và M92 (31/12/1777).[2] Ông cũng giành nhiều thời gian để quan sát và tính toán quỹ đạo của các sao chổi.

Bode là người phát triển và góp phần công bố « quy luật Titius – Bode » về khoảng cách của các hành tinh đối với Mặt Trời. Quy luật Titius – Bode thực sự đã là công cụ được rất nhiều nhà thiên văn sử dụng trong thế kỷ 18, 19 để tìm kiếm các hành tinh và tiểu hành tinh.

Tháng 3 năm 1781, William Herschel phát hiện ra Sao Thiên Vương và đề nghị đặt tên hành tinh này là « Ngôi Sao George » (nhằm tôn vinh vua Goerge III nước Anh). Chính Bode là người đề nghị gọi hành tinh thứ 7 này là Sao Thiên Vương (Uranus).[2]

Năm 1801, Bode xuất bản Uranographia, một trong những bản đồ sao đầu tiên đánh dấu các ngôi sao dựa trên sự quan sát của con người chứ không phụ thuộc vào hình tượng của chòm sao [1]. Bode cũng là người phân định và đặt tên cho một số chòm sao như: “Officina Typographica,” “Apparatus Chemica,” “Globus Aerostaticus,” “Honores Frederici,” “Felis,” “Custos Messium”, “Quadrans Muralis,” … Tuy nhiên, tất cả các chòm sao trên đều không có tên trong danh sách 88 chòm sao hiện đại.[2]

Tên của ông được dùng để đặt cho một tiểu hành tinh (Asteroid 998, Bodea), 1 crater trên Mặt Trăng. Thiên hà M 81 cũng được gọi là Bode“s Galaxy hoặc Bode“s Nebulae[2]

Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. January 19 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/cgi-bin/indexpage.pl?https://www.todayinsci.com/1/1_19.htm
[2]. Hartmut Frommert, Christine Kronberg,. Johann Elert Bode (January 19, 1747 – November 23, 1826), https://www.seds.org/messier/Xtra/Bios/bode.html

Hero_Zeratul
ttvnol.com