Câu lạc bộ Thiên văn học Đà Nẵng (Danang Astronomy Club – DAC), tiền thân là Câu lạc bộ Thiên văn Bách khoa (Polytechnic Astronomy Club – PAC), được thành lập vào ngày 21/10/2007. Sau một thời gian trao đổi, thảo luận, họ đã cùng nhau tiến đến thành lập CLB và lấy tên là CLB Thiên văn Bách khoa.
Sự ra đời của PAC là nền tảng đầu tiên cho bộ môn khoa học còn khá mới mẻ này trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Được sự quan tâm và giúp đỡ của đoàn trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, khoa Vật lí trường đại học sư phạm Đà Nẵng và được Hội Thiên văn Việt Nam bảo trợ về mặt danh nghĩa, CLB đã tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, bổ ích, thu hút nhiều bạn trẻ hưởng ứng tham gia, góp phần xây dựng và mở rộng cộng đồng yêu thiên văn ở Việt Nam.
Sau các năm hoạt động tích cực và hiệu quả, vào ngày 21/10/2012 xét theo nguyện vọng của đông đảo thành viên CLB và cộng đồng thiên văn Việt Nam, căn cứ biên bản cuộc họp ngày 10/9/2012, Ban chủ nhiệm CLB đưa ra quyết định chính thức về việc đổi tên CLB Thiên văn Bách khoa (PAC) thành CLB Thiên văn học Đà Nẵng (DAC). CLB Thiên văn học Đà Nẵng, trực thuộc Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng, vẫn tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả, kiến thức của các thế hệ trước, và không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, cơ cấu tổ chức phù hợp, ngày càng phát triển hơn trong các năm vừa qua.
Logo của CLB Thiên văn học Đà Nẵng
I. Mục đích, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, các hoạt động chính
1. Mục đích
CLB Thiên văn học Đà Nẵng là tổ chức tập hợp các Sinh viên, Học sinh và tất cả những ai yêu thích Thiên văn học, đang học tập, công tác hoặc sinh sống tại thành phố Đà Nẵng và các địa phương khác, nhằm giúp đỡ, trao đổi trong học tập, công tác, nghiên cứu về Thiên văn học và công nghệ vũ trụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh.
2. Nhiệm vụ
Giúp đỡ thành viên trong việc tìm hiểu kiến thức Thiên văn học và công nghệ vũ trụ, học tập phát huy năng lực bản thân và nuôi dưỡng ước mơ nghiên cứu khoa học.
Tạo môi trường thuận lợi để thành viên trau dồi phẩm chất, đạo đức lối sống.
Tham gia tổ chức, phối hợp hoạt động với các đơn vị khác nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào sinh viên và phong trào tìm hiểu khoa học.
3. Các hoạt động chính
DAC thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận trao đổi kiến thức thiên văn học, quan sát bầu trời đêm, làm kính thiên văn,… Trung bình mỗi tuần có một hoạt động.
Tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu, trao đổi kỹ năng mềm, truyền đạt kiến thức thiên văn học và công nghệ vũ trụ thông qua thuyết trình, chiếu phim thiên văn hàng tuần, đố vui thiên văn học.
Ngoài ra DAC còn tổ chức các buổi dã ngoại, quan sát các hiện tượng thiên văn như nhật thực, nguyệt thực, quan sát các đợt mưa sao băng lớn trong năm, các chương trình hội thảo, tọa đàm về thiên văn học,…
Phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức, CLB – đội – nhóm tham gia các hoạt động khác.
Quan sát nguyệt thực qua kính thiên văn ngày 04 tháng 04 năm 2015. Ảnh: Báo Tiền Phong.
II. Phương hướng phát triển và nhu cầu đầu tư khoa học-kỹ thuật
1. Các thành tựu nổi bật
Trong suốt nhiều năm hoạt động, CLB đã đạt được nhiều thành công đáng kể. Điều đầu tiên phải kể đến đó chính là tạo dựng một thương hiệu đáng tin cậy cho những người yêu thiên văn học tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.
CLB đã xây dựng thành công hệ thống website https://thienvandanang.com với hàng ngàn lượt truy cập mỗi tuần. Đây là nơi chia sẻ nhiều thông tin lý thú về thiên văn học và công nghệ vũ trụ, và đặc biệt là cập nhật kịp thời các sự kiện, hội thảo cũng như các hoạt động giáo dục liên quan diễn ra trong cả nước.
CLB Thiên văn học Đà Nẵng đã tổ chức thành công các chương trình về thiên văn với sự giúp đỡ của khoa Vật lý, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng và Đoàn trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng như: Tọa đàm thiên văn học “Vũ trụ trong mắt ta” (2008), Chương trình Gala Thiên văn học “Starry Night” (2009), Thực nghiệm đo chu vi Trái Đất (2010), Chiếu phim Thiên văn học công nghệ 3D (2011), Quan sát sự kiện thế kỷ “Sao Kim đi ngang qua Mặt Trời” (2012), Hội thảo thiên văn “UED Space Day” (2013), “Ngày hội thiên văn học Việt Nam” (2014), Quan sát nguyệt thực (2015), Quan sát nhật thực (2016)…
Ngoài ra, CLB Thiên văn học Đà Nẵng còn thường xuyên giao lưu, gặp gỡ giữa các CLB Thiên văn học trong cả nước.
Hình ảnh chương trình UED Space Day được tổ chức ngày 19/10/2013 tại hội trường A5, trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Ảnh: DAC.
2. Phương hướng phát triển
Hiện tại, CLB Thiên văn học Đà Nẵng đang trong quá trình thực hiện nhiều kế hoạch được đề ra. Tuy nhiên mục tiêu chính vẫn là mở rộng phạm vi hoạt động của DAC, kết hợp với việc trao đổi và giúp thành viên phát triển thêm kiến thức thiên văn học, tạo tiền đề để đưa môn khoa học hiện đại này đến với đông đảo các bạn trẻ Đà Nẵng hơn nữa.
Các hoạt động duy trì hằng tháng như: Thảo luận trao đổi kiến thức, cập nhật thông tin thiên văn học – công nghệ vũ trụ, Dã ngoại ngắm sao, Chia sẻ tài liệu và rèn luyện kỹ năng thuyết trình, đóng góp xây dựng quỹ CLB.
DAC cũng tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động quan sát như ống nhòm, kính thiên văn,… xây dựng tủ sách thiên văn học, tài liệu phục vụ cho việc học tập, tìm hiểu; tích cực duy trì và phát triển nội dung website https://thienvandanang.com,…
Ngoài ra, DAC sẽ có khen thưởng cho những thành viên tích cực trong các hoạt động cũng như xây dựng và phát triển Câu lạc bộ
Hình ảnh giao lưu thiên văn “Ngày hội Thiên văn học nghiệp dư Việt Nam được tổ chức tại Đà Nẵng với chủ đề “Đà Nẵng: Nơi tinh tú hội tụ”.
3. Nhu cầu phát triển, đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật từ cả trong nước và các tổ chức/ hội nước ngoài
Mục tiêu cuối cùng của CLB Thiên văn học Đà Nẵng là tạo ra một môi trường giao lưu học hỏi lành mạnh, bổ ích để phổ biến kiến thức thiên văn học đến với cộng động, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên; qua đó giúp tuổi trẻ Việt Nam tiếp xúc với các thành tựu khoa học kỹ thuật tiến bộ, góp phần công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ đó sẽ được giải quyết tốt khi các CLB nghiệp dư trong nước nói chung và CLB Thiên văn học Đà Nẵng nói riêng luôn từng bước hoàn thiện và nâng cáo chất lượng hoạt động của mình.
Các thành viên của CLB Thiên văn học Đà Nẵng. Ảnh: DAC.
Thứ nhất là phát triển nguồn lực, nâng cao trình độ cho thành viên: CLB Thiên văn học Đà Nẵng mong muốn sẽ có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đến giảng dạy, giao lưu, để thành viên được nắm bắt, học hỏi những thông tin mới, những dự án khoa học vũ trụ của thế giới cũng như của Việt Nam. Xây dựng tủ sách thiên văn có hệ thống rõ ràng, khoa học, dễ tìm hiểu. Đây là yếu tố nền tảng để có thể tổ chức tốt các hoạt động liên quan đến chuyên môn, luôn luôn đổi mới, cập nhật kiến thức cho mọi người.
Thứ hai là hỗ trợ kỹ thuật – tài chính: Cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động là những yếu tố gián tiếp quyết định đến chất lượng và sức hấp dẫn của hoạt động. Để tổ chức một chương trình có quy mô và mang lại sức hút lớn mà chỉ dựa trên nguồn quỹ không đáng kể của CLB thì không thể thành công như đã đặt ra. Trong thời gian qua CLB Thiên văn học Đà Nẵng đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ về tài chính – cơ sở vật chất từ các tổ chức/cơ quan và cũng đã đạt được nhiều thành công trong các chương trình do CLB tổ chức. Vậy nên CLB Thiên văn học Đà Nẵng hy vọng cộng đồng thiên văn Việt Nam và quốc tế không ngừng giúp đỡ, hỗ trợ CLB để có những hoạt động hay hơn, ý nghĩa hơn nữa trong tương lai.
Với tinh thần đam mê, nhiệt huyết, ham học hỏi, CLB Thiên văn học Đà Nẵng sẽ cố gắng phát huy hơn nữa các thế mạnh trong lĩnh vực, góp phần đưa thiên văn học đến gần với cộng đồng hơn.
Để liên hệ với CLB, các bạn có thể nhấp vào đường link: https://thienvandanang.com/lien-he/
Thái Văn Lợi – DAC