Galileo là tàu vũ trụ không người lái thực hiện nhiệm vụ thám hiểm Sao Mộc và các vệ tinh của nó. Tàu vũ trụ được đặt theo tên của nhà bác học vĩ đại Galileo Galilei (15/02/1564 – 08/01/1642). Tổng trọng lượng của tàu vũ trụ là 2.38 tấn, hoạt động bằng năng lượng hạt nhân (Plutonium).

Tàu Galileo được đưa lên quỹ đạo Trái Đất nhờ tàu con thoi Atlantis (nhiệm vụ STS-34). Sau khi được phóng khỏi Atlantis, tàu Galileo đã bay qua Sao Kim (10/02/1990), quay trở lại bay qua Trái Đất 2 lần (08/12/1990 và 08/12/1992) với mục đích gia tốc nhờ vào lực hấp dẫn của các hành tinh này. Giữa hai lần bay qua Trái Đất, ngày 29/10/1991, tàu Galileo đã tiếp cận tiểu hành tinh Gaspra. Trên đường hướng tới Sao Mộc, ngày 28/08/1993, tàu Galileo đã bay qua tiểu hành tinh Ida. Tàu Galileo đã phát hiện ra vệ tinh Dactyl của tiểu hành tinh này. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện ra vệ tinh của tiểu hành tinh. Tháng 7 năm 1994, tàu Galileo đã quan sát sự kiện sao chổi Shoemaker-Levy 9 va chạm với Sao Mộc.


Ảnh: Tàu Galileo (ảnh minh họa)


Ảnh: Tàu con thoi Atlantis phóng tàu thăm dò Galileo

Ngày 12/07/1995 (5 tháng trước khi tiếp cận Sao Mộc), tàu Galileo đã phóng thiết bị thăm dò khí quyển vào hành tinh này. Ngày 07/12/1995, thiết bị thám hiểm đã thâm nhập tầng khí quyển của Sao Mộc và hoạt động được tổng cộng 58 phút. Dữ liệu được trung chuyển qua tàu mẹ để phát về Trái Đất. Cũng trong ngày 07/12/1995, tàu Galileo đã tiếp cận Sao Mộc và bắt đầu chuyển động xung quanh hành tinh này. Tàu Galileo bay quanh Sao Mộc trên một quỹ đạo ellipse có tâm sai rất lớn với chu kỳ khoảng 2 tháng. Sau 2 năm, nhiệm vụ chính của dự án là nghiên cứu Sao Mộc kết thúc, ngày 07/12/1997, tàu Galileo bắt đầu thực hiện phần mở rộng của dự án. Trong giai đoạn này, tàu Galileo đã tiếp cận, nghiên cứu hai vệ tinh Europa và Io.


Ảnh: Tàu Galileo phóng thiết bị thăm dò khí quyển (ảnh minh họa)

Trong gần 8 năm thực hiện nhiệm vụ chính và nhiệm vụ mở rộng, tàu Galileo đã bay được tổng cộng 35 vòng quanh Sao Mộc. Dự án Galileo đã có những đóng góp vô cùng quan trọng vào quá trình tìm hiểu và nghiên cứu của con người đối với hành tinh lớn nhất của hệ Mặt Trời. Dưới đây là một số kết quả tiêu biểu của dự án Galileo:

+ Khảo sát chi tiết từ trường của Sao Mộc
+ Khảo sát chi tiết các vành đai của Sao Mộc
+ Lần đầu tiên tiến hành các khảo sát những đám mây khí amôniắc trong bầu khí quyển của một hành tinh khác.
+ Khẳng định các quan sát của các tàu Voyager về các hoạt động phun trào trên bề mặt của vệ tinh Io. Những núi lửa trên vệ tinh này hoạt động rất mạnh và liên tục, tương tự như giai đoạn ban đầu của Trái Đất
+ Phát hiện sự tồn tại những dòng điện cường độ rất lớn trong bầu khí quyển của vệ tinh Io. Những dòng điện này sinh ra do sự tương tác của các hạt vật chất ở trạng thái plasma.
+ Khẳng định giả thiết về sự tồn tại của các đại dương nước mặn dưới bề mặt băng giá của vệ tinh Europa.
+ Tìm ra những bằng chứng đầu tiên cho phép dự đoán sự tồn tại của nước mặn dưới dạng lỏng dưới bề mặt các vệ tinh Ganymede và Callisto.
+ Lần đầu tiên phát hiện sự tồn tại từ trường của vệ tinh Ganymede
+ Tìm ra những bằng chứng về sự tồn tại của bầu khí quyển rất loãng của các vệ tinh Europa, Ganymede và Callisto

Ngày 21/12/2003, hơn 14 năm sau ngày phóng, tàu Galileo đã được điều khiển để lao vào bầu khí quyển Sao Mộc với vận tốc gần 50 km/s. Các nhà khoa học đã quyết định phá hủy hoàn toàn tàu Galileo trong bầu khí quyển Sao Mộc nhằm tránh trường hợp các vi khuẩn Trái Đất có thể «được vô tình reo rắc» vào hành tinh này hay các vệ tinh của nó.


Ảnh: Hoạt động phun trào trên bề mặt Io

Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. October 18 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/10/10_18.htm
[2]Wikipedia, 10/2007. Galileo (spacecraft), https://en.wikipedia.org/wiki/Galileo_%28spacecraft%29

Hero_Zeratul
Box Thiên văn học – ttvnol.com