Các sứ mệnh thám hiểm Hải Vương tinh
Thật khó cho phi thuyền vũ trụ đến viếng Hải Vương tinh vì nó ở quá xa, và các nhà khoa học không dám chắc là một sứ mệnh lên Hải Vương tinh có xảy ra sớm hay không. Kính thiên văn vũ trụ Hubble tiếp tục cung cấp các hình ảnh của hành tinh trên, và phi thuyền vũ trụ đang tiến ra ngoài hệ mặt trời của chúng ta cũng có thể quan sát Hải Vương tinh. Một thí dụ là phi thuyền New Horizons (Chân trời Mới). Vào tháng 10 năm 2007, phi thuyền này, trên hành trình của nó tiến đến hành tinh lùn Pluto, đã có thể thu lấy các hình ảnh của Triton và Hải Vương tinh từ khoảng cách 3,75 tỉ km.
Cho đến khi những sứ mệnh mới đến với Hải Vương tinh xuất hiện, các quan sát sẽ phải thực hiện qua các kính thiên văn và tính toán. Có lẽ nó sẽ rơi vào tay một số nhà thiên văn trẻ, như John Couch Adams đã từng làm, để khám phá ra cái gì đó mới mẻ và bất ngờ về hành tinh thứ tám.
Tra cứu nhanh về Hải Vương tinh
Khám phá: 1845 đến 1846, bởi John Couch Adams và Urbain J. J. Le Verrier
Nguồn gốc tên gọi: Vị thần biển La Mã
Khoảng cách trung bình đến Mặt trời: 4,46 tỉ km
Khoảng cách trung bình đến trái đất: 4,3 tỉ km
Loại hành tinh: Hành tinh khí khổng lồ
Đường kính: 49.493 km
Ngày Hải Vương tinh: 17,24 giờ
Năm Hải Vương tinh: 165 năm trái đất
Nhiệt độ trung bình: – 210oC
Các vệ tinh (13): Naiad, Thalassa, Despina, Galatea, Larissa, Proteus, Triton, Nereid, Halimede, Sao, Laomedeia, Psamathe, Neso
Các vành (4): Galle, Le Verrier, Lassall, Adams
Thuật ngữ
địa cầu – Liên quan đến đất, chứ không phải biển hay không khí.
điểm nhật dừng – Không gian nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Mặt trời.
Đốm Đen Lớn – Một cơn bão khổng lồ trên Hải Vương tinh, lần đầu tiên được quan sát bởi phi thuyền Voyager 2, nhưng nay đã biến mất.
giật lùi – Chuyển động theo hướng ngược lại.
hàng không – khoa học về máy bay.
hành tinh khí khổng lồ – Một trong bốn hành tinh ngoài cùng, chủ yếu cấu tạo bằng chất khí.
hành tinh lùn – Một thiên thể – không phải vệ tinh – quay xung quanh Mặt trời, với khối lượng đủ lớn để lực hấp dẫn của nó nén nó thành dạng cầu, nhưng không thể xóa sạch những vùng thiên thể nhỏ hơn của nó.
khí quyển – Lớp không khí bao xung quanh một hành tinh.
kính thiên văn hồng ngoại – Kính thiên văn sử dụng tia hồng ngoại (sóng ánh sáng nằm ngoài vùng nhìn thấy) để quan sát những vật thể ở xa.
kính thiên văn quang học – Kính thiên văn sử dụng thấu kính hoặc gương để tạo và phóng đại ảnh.
lõi – phần chính giữa của một hành tinh.
lực hấp dẫn – Lực hút các vật lại với nhau. Các vật có khối lượng càng lớn thì hút nhau càng mạnh. Khoảng cách giữa các vật cũng có thể ảnh hưởng đến lực hấp dẫn.
mạch phun – Trên Trái đất, những suối nước nóng tự nhiên phun lên những vòi nước và hơi nước vào trong không khí. Các mạch phun của Hải Vương tinh chủ yếu giải phóng methane và nitrogen.
NASA – Ban quản lí Hàng không và Vũ trụ Quốc gia, cơ quan vũ trụ chính thức của nước Mĩ.
nhà thiên văn – Nhà khoa học chuyên nghiên cứu các hành tinh, sao, thiên hà, và các vật thể khác trong vũ trụ.
ô nhiễm ánh sáng – Ánh sáng – thường là ánh sáng nhân tạo từ các thành phố và những công trình khác – gây nhiễu cho việc quan sát các thiên thể trên bầu trời đêm.
quỹ đạo – Tập hợp đường đi mà một hành tinh, vệ tinh, hoặc một thiên thể nào đó, quay xung quanh một vật thể khác trong vũ trụ.
thiên hà – Một nhóm sao, bụi và chất khí liên kết với nhau bằng lực hấp dẫn. hệ mặt trời của chúng ta thuộc thiên hà Ngân hà.
thuyết Big Bang – Lí thuyết cho rằng vũ trụ đã ra đời với một vụ nổ năng lượng khổng lồ.
tiểu hành tinh – Một vật thể nhỏ bằng đá, chủ yếu quay xung quanh Mặt trời và thường tìm thấy ở giữa Hỏa tinh và Mộc tinh.
trục quay – Một đường thẳng tưởng tượng đi qua tâm của một hành tinh hoặc một thiên thể nào đó. Hành tinh hoặc thiên thể quay xung quanh trục của nó.
từ trường – Một trường lực trong đó lực từ ảnh hưởng đến những lực hay những vật khác ở trong trường. Từ trường bao xung quanh các hành tinh xác định vị trí các cực của hành tinh, và có thể còn chặn bớt năng lượng, gió, và các hạt đến từ Mặt trời hay không gian bên ngoài.
Vành đai Kuiper – Một vùng hình đĩa nằm cách Mặt trời 4,5 đến 7,4 tỉ km. Vành đai này gồm các vật thể băng giá quay xung quanh Mặt trời ở ngoài quỹ đạo của Hải Vương tinh.
vệ tinh – Vật thể quay xung quanh một vật thể lớn hơn. Vệ tinh có thể là tự nhiên, như mặt trăng, hoặc nhân tạo, như Kính thiên văn vũ trụ Hubble.
vệ tinh chăn dắt – Vệ tinh nhỏ tìm thấy bên trong vành của một hành tinh. Lực hấp dẫn của những vệ tinh này có thể giữ vật chất của vành lại với nhau.
Hết
Thư viện Vật lý
Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 – Phần 4 – Phần 5 – Phần 6 – Phần 7 – Phần 8 – Phần 9 – Phần 10 – Phần 11 – Phần 12
Bình luận