Mục lục
Vào ngày 20/4, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một hiện tượng vô cùng hiếm gặp, chỉ xuất hiện 7 lần trong Thế kỉ 21 này – Nhật Thực lai. Sau hai sự kiện Nhật Thực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vào năm 2020 và 2021, giờ đây người yêu thích thiên văn có thể quan sát nó một cách trọn vẹn hơn.
Nhật Thực toàn phần sẽ diễn ra vào trưa 20/4 ở rìa phía đông Indonesia, Đông Timor, Tây Úc, Papua New Guinea. Ở Việt Nam, chúng ta chỉ quan sát được Nhật Thực thông thường có độ che phủ thấp với dải quan sát được chỉ nằm trong vùng từ Quảng Trị trở vào phía Nam. Có thể nói, khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đã được Vũ Trụ “ưu ái” hơn hẳn những nơi khác trên đất nước của chúng ta.
Bạn có thể kiểm tra thông tin về hiện tượng Nhật thực lần này ở địa phương đang sinh sống tại đây
Chi tiết hiện tượng Nhật Thực vào ngày 20/4 tại Đà Nẵng:
- Độ che phủ Mặt Trời: 1,19%
- Thời gian diễn ra: 11:06:29
- Đạt cực đại vào lúc: 11:34:08
- Thời gian kết thúc: 12:01:59
Những điều bạn cần biết về Nhật Thực
Nhật Thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất thẳng hàng và Mặt Trăng nằm ở vị trí giữa hai thiên thể còn lại. Lúc này, do Mặt Trăng đã che khuất Mặt Trời nên ở một số vị trí trên Trái Đất, người ta sẽ thấy một phần hoặc toàn bộ Mặt Trời bị tối đen lại. Cụ thể:
- Nhật Thực một phần xảy ra khi Mặt Trăng chỉ che khuyết một phần đĩa Mặt Trời và tạo ra vùng nửa tối của nó trên Trái Đất.
- Khi Nhật Thực toàn phần diễn ra, Mặt Trăng sẽ che phủ hoàn toàn Mặt Trời trong vòng vài phút, cho phép chúng ta quan sát được vầng hào quang bao quanh Mặt Trời.
- Trong quá trình diễn ra Nhật Thực hình khuyên, Mặt Trăng trở nên xa hơn so với Trái Đất bởi quỹ đạo elip của nó. Vì vậy, Mặt Trăng không còn đủ lớn để bao phủ toàn bộ đĩa Mặt Trời. Từ đó dẫn đến việc Mặt Trời vẫn sẽ hiện ra một vành đai xung quanh Mặt Trăng.
Nhật Thực lai có gì đặc biệt?
Nhật Thực lai là sự kết hợp của cả Nhật Thực toàn phần và Nhật Thực hình khuyên. Ở một số điểm trên Trái Đất, nó được quan sát như Nhật Thực toàn phần. Với một số điểm khác, nó lại được quan sát như Nhật Thực hình khuyên. Đáng nói hơn, đây là kiểu Nhật Thực rất hiếm gặp.
Hiện tượng này chỉ xuất hiện khoảng một lần mỗi thập kỉ, bởi sự thay đổi liên tục giữa khoảng cách của Mặt Trời và Mặt Trăng diễn ra liên tục. Về mặt toán học, nếu bạn chia khoảng cách giữa Mặt Trời và Trái Đất trong thời gian xảy ra Nhật Thực cho khoảng cách giữa Mặt Trăng và Trái Đất, thì kết quả phải là con số gần với 400 thì hiện tượng Nhật Thực lai mới xảy ra.
Những lưu ý khi quan sát Nhật Thực
Chúng ta không được quan sát trực tiếp Nhật Thực bằng mắt thường, thậm chí là qua kính râm vì chúng không được sử dụng với mục đích quan sát hiện tượng này. Ngoài ra, việc quan sát thông qua những dụng cụ quang học chưa được phủ phim lọc như ống nhòm hay kính thiên văn cũng sẽ rất nguy hiểm.
Để quan sát Nhật Thực an toàn, các bạn có thể tham khảo những cách sau:
Ngoài ra, nếu không thể trực tiếp quan sát hiện tượng Nhật Thực lần này, bạn cũng có thể xem thông qua Livestream từ Đông Timor tại Fanpage của Thiên Văn Đà Nẵng vào ngày 20/4.
Để nói ngắn gọn, hiện tượng Nhật Thực lai lần này là một sự kiện rất hiếm gặp bởi nó chỉ xuất hiện vài lần trong cả một thế kỷ. Hơn nữa, sự độc đáo của hiện tượng này cho phép chúng ta quan sát được nó như là một Nhật Thực toàn phần, Nhật Thực hình khuyên hay thậm chí là cả Nhật Thực một phần. Vậy nên đừng bỏ lỡ cơ hội này nhé!
Tổng hợp bởi Thảo Vy và Ngọc Khoa – Ban Học Thuật
Bình luận