Chiều ngày 15/01, nhật thực hình khuyên sẽ diễn ra với độ che phủ cực đại là 91,9% và Việt Nam có thể quan sát được nhật thực một phần trong khoảng 3 tiếng đồng hồ.

Nhật thực lần này sẽ bắt đầu ở Trung Phi, trải dài qua Ấn Độ Dương, đi qua Myanma và kết thúc ở Trung Quốc với bề rộng dải hơn 300km. Việt Nam nằm trong vùng nhìn thấy nhật thực một phần với độ che phủ cực đại lên tới trên 70% và người dân sẽ có cơ hội quan sát nhật thực một phần, thậm chí với độ che phủ lớn hơn lần gần đây nhất ngày 22/07/2009. Độ che phủ lớn nhất là ở miền Tây Bắc (74,9% ở Lai Châu) và sẽ giảm dần về phía Đông Nam.

Ở Hà Nội, nhật thực bắt đầu lúc 14h16′, cực đại đến 67,3% vào 15h48′ và kết thúc vào 17h05′. Tại Đà Nẵng, độ che phủ cực đại là 49,4% lúc 15h44′. Tại TP HCM, nhật thực diễn ra lúc 14h17′, đạt cực đại 38,1% vào 15h41′ và kết thúc vào 16h52′ (các địa phương khác xin xem bảng số liệu dưới).

Ngày 15/1, quan sát nhật thực một phần ở VN - eclipse1 / Thiên văn học Đà Nẵng
Các giai đoạn của nhật thực hình khuyên

Nhật thực là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú mỗi năm diễn ra từ 2 đến 5 lần. Khoảng cách của Mặt Trăng và Mặt Trời đối với Trái Đất liên tục thay đổi theo các chu kỳ khác nhau mà Mặt Trăng có thể che khuất hết Mặt Trời hay không, nên mỗi lần nhật thực sẽ cho ta hai kiểu nhật thực: nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên. Tuy nhiên, do bóng của Mặt Trăng đổ lên Trái Đất chỉ là một dài rất hẹp chỉ khoảng vài trăm km trở xuống nên cơ hội quan sát được hiện tượng toàn phần hay hình khuyên tại nơi sinh sống là rất hiếm. Bên cạnh đó, vùng nhìn thấy nhật thực một phần lại rất lớn, trải rộng ra hai bên dải nhật thực chính.

 

Ngày 15/1, quan sát nhật thực một phần ở VN - eclipse5%27 / Thiên văn học Đà Nẵng

Nhật thực là hiện tượng rất hấp dẫn nên nhiều người muốn quan sát tận mắt hiện tượng này. Tuy nhiên, ngoài thời điểm nhật thực toàn phần ngắn ngủi, mọi quan sát về phía Mặt Trời bằng mắt thường đều có thể gây ra các tổn thương lâu dài và vĩnh viễn về thị lực. 

Tại Việt Nam, ngày mai, các CLB thiên văn đã phổ biến kiến thức và tổ chức quan sát. Tại Hà Nội: Hội thiên văn Hà nội – HAS sẽ tổ chức quan sát tập trung ở sân vận động Mỹ Đình. CLB Thiên văn nghiệp dư TP HCM – HAAC sẽ tổ chức quan sát nhật thực tại Nhà thiếu nhi Quận 5, số 109 Ngô Quyền, phường 11, quận 5. Tại Đà Nẵng, CLB Thiên văn bách khoa – PAC sẽ tổ chức quan sát tại bãi biển Phạm Văn Đồng.

Lần nhật thực tiếp theo trong năm nay sẽ diễn ra ngày 11/07; tuy nhiên, chỉ có vùng Nam Thái Bình Dương mới quan sát được. Kế tiếp là ngày 09/03/2016.

Nhật thực toàn phần ở Việt Nam sẽ diễn ra ngày 11/04/2070 đi qua miền Nam Trung Bộ, còn nhật thực hình khuyên phải đợi đến tận năm 2074 với hai lần ở miền Bắc và Nam Trung Bộ.

 

Nhiều người lầm tưởng Mặt Trăng che khuất Mặt Trời thì cường độ sáng của Mặt Trời sẽ giảm đi và không còn nguy hiểm, tuy nhiên thực tế ánh sáng Mặt Trời lúc đó rất mạnh và khi quan sát buộc phải có dụng cụ hỗ trợ.

Từ trước đến nay, phổ biến nhiều phương pháp quan sát gián tiếp thay vì nhìn thẳng vào Mặt Trời. Trước tiên là phương pháp dùng chậu nước pha mực. Cách làm này đơn giản, tuy vậy chưa có một tiêu chuẩn nào về nồng độ mực, tỉ lệ hấp thụ các tia có hại cho mắt, v.v… Một phương pháp khác là tạo ảnh Mặt Trời qua một lỗ nhỏ và hứng ảnh trên một màn hứng. Chúng ta có thể lợi dụng các khe lá hay đơn giản là đan các ngón tay vào nhau để tạo khe nhỏ.

Ngày 15/1, quan sát nhật thực một phần ở VN - eclipse8 / Thiên văn học Đà Nẵng
Quan sát nhật thực bằng kính tiêu chuẩn. Ảnh: Vũ Lộc

Các dụng cụ thiên văn như ống nhòm, kính thiên văn cũng có thể sử dụng như một lỗ tạo ảnh. Tuy nhiên, tuyệt đối không được quan sát trực tiếp Mặt Trời qua các kính thiên văn không chuyên dụng hay không được trang bị màng lọc chuyên dụng cho việc này.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch CLB Thiên văn  nghiệp dư TPHCM cho biết: “Các tấm lọc Mặt Trời dành cho kính thiên văn thường rất đắt và cũng nên đặc biệt lưu ý các tấm lọc rẻ tiền có xuất xứ Trung Quốc đều không hề an toàn và sẽ bị vỡ dưới tác dụng nhiệt của các tia sáng hội tụ. Các tác hại chủ yếu gây ra từ bức xạ hồng ngoại không nhìn thấy mà loại kính lọc này không lọc được”.

Theo Báo Đất Việt
Content Protection by DMCA.com