BTC cuộc thi tìm hiểu kiến thức thiên văn “ Vũ trụ trong mắt ta” xin trân trọng cám ơn đến tất cả các bạn yêu thích thiên văn học đã quan tâm và gửi bài dự thi về cho chúng tôi. Trong 1 tháng vừa qua, BTC đã nhận được khá nhiều bài thi của các bạn trên khắp đất nước. Điều này đã phần nào thể hiện được sự quan tâm của đông đảo bạn yêu thiên văn khắp mọi miền.

Kết quả cuộc thi "Vũ trụ trong mắt ta" tháng 5/2010 - PAC%2Bcopy / Thiên văn học Đà Nẵng

Tuy nhiên, cũng giống như đợt thi tháng trước. Hầu hết các bài dự thi đều khó có thể chấm đạt giải vì một số lý do như sau: Thiếu và sơ sài phần tự luận, phần câu hỏi kiến thức có nhiều bạn bỏ không làm một số câu (câu 8), làm sai khá nhiều câu 10… vì vậy, chúng tôi chỉ có thể lựa chọn 2 bài suất sắc nhất để trao giải. Do đó, lần thi này sẽ không có giải nhất. Cụ thể cơ cấu giải thưởng được trao cho:

Giải nhì:
Họ và tên: Trần Đình Hải
Ngày sinh: 16/5/1993
Địa chỉ: Thành phố Cần Thơ
Điện thoại:

Giải ba:
Họ và tên: Lưu Thị Thanh Huyền.
Ngày sinh : 08/08/1995
Điện thoại : 063 3960 566
Địa chỉ: Tổ 1A, Khu 2, Thị trấn Lộc Thắng, Huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

BTC sẽ liên hệ trực tiếp với những người đạt giải để trao giải thưởng
Phần tự luận của các bài dự thi đạt giải BTC sẽ lần lượt đăng trên diễn đàn và trang tin.

Mọi thắc mắc và đóng góp ý kiến xin vui lòng post tại đây hoặc gửi thư về theo địa chỉ vutrutrongmatta@pacvn.net
//Bạn Trần Đình Hải vui lòng gửi lại địa chỉ chính xác thông qua mail: vutrutrongmatta@pacvn.net hoặc liên hệ trực tiếp với Nguyễn Văn Tân: 0975.150.100 để nhận giải.

BTC cũng xin thông báo về việc tạm hoãn và đóng góp ý kiến cho đề thi thiên văn Vũ trụ trong mắt ta. Mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của tất cả mọi người !

BTC cuộc thi “Vũ trụ trong mắt ta”

___________________________________

Bài thi giải 3 của bạn Lưu Thị Thanh Huyền:

Để giúp các bạn dễ hình dung và hiểu rõ hơn về đề thi cũng như đáp án của cuộc thi thiên văn “Vũ trụ trong mắt ta”. Ban tổ chức sẽ lần lượt post toàn bộ các bài đoạt giải để chúng ta cùng phân tích và đưa ra các thiếu sót trong câu trả lời cũng như những ý kiến và câu trả lời chuẩn và hay.

Trước tiên, Ban tổ chức sẽ post nguyên văn bài thi của bạn Lưu Thị Thanh Huyền với nick diễn đàn là nhoxbin-thành viên rất tích cực:

A.Câu hỏi kiến thức

Câu 1. Hãy nêu những hiểu biết của bạn về sao băng? Khi nào thì mưa sao băng diễn ra?

– Sao băng: (còn được gọi là sao sa hay sao đổi ngôi) là sự bốc cháy của các vật thể nhỏ (thiên thạch) của vũ trụ khi chúng bay vào khí quyển Trái Đất. Các vật thể này chuyển động với vận tốc rất nhanh đã nén không khí ở phía trước khiến chúng đạt đến nhiệt độ rất cao và bốc cháy.

Chỉ có những thiên thạch tương đối lớn mới có khả năng xuống tới mặt đất, còn lại hầu hết đều bị cháy hoàn toàn trong bầu khí quyển của trái đất. Khi các thiên thạch va vào Trái đất chúng để lại vết tích rất rõ ràng, và độ ảnh hưởng phụ thuộc hoàn toàn vào khối lượng và vận tốc chuyển động của thiên thạch.

Trong quá trình thiên thạch đi vào tầng trên của bầu khí quyển Trái Đất, đuôi ion hóa sẽ được tạo ra, ở đó các phân tử không khí trong tầng trên của khí quyển bị ion hóa do chuyển động của thiên thạch. Đuôi ion hóa này có thể tồn tại đến 1 phút sau khi nó được tạo ra.

(Có nhiều người tin rằng khi ước một điều gì đó khi có sao băng rơi thì điều ước sẽ thành sự thật, thậm chí còn là điềm báo cho cái chết; tuy nhiên, những niềm tin đó không có cơ sở khoa học).

– Mưa sao băng diễn ra khi: xuất hiện nhiều sao băng trong 1 khoảng thời gian ngắn (vài ngày hoặc vài chục ngày ). Trong lịch sử thi thoảng có xuất hiện những trận mưa sao băng rất lớn với mật độ lên tới hàng nghìn sao trong 1 giờ. Tuy nhiên các trận mưa có mật độ cỡ khoảng 100 sao/ h đã là rất lớn. Một năm có rất nhiều trặn mưa sao băng. Tuy nhiên chúng ta chỉ quan tâm với các trận mưa sao băng tương đối lớn cỡ trên 30 sao /h. Một vài trận mưa sao băng lớn hàng năm :

Quadrantids (QUA) Từ 1 đến 5 tháng 1 hàng năm. Cực điểm thường vào 3 – 4 tháng 1.
Aquariids (ETA) Từ 19 tháng 4 đến 28 tháng 5 hàng năm. Cực điểm vào 5-6 tháng 5
Perseids (PER) Từ 17 tháng 7 đến 24 tháng 8. Cực điểm vào 12-13 tháng 8.
Orionids (ORI) Từ 2 đến 7 tháng 10. Cực điểm vào 4-5 tháng 10.
Leonids (LEO) Từ 10 đến 23 tháng 11. Cực điểm vào 16-17 tháng 11.
Geminids (GEM) Từ 07 đến 17 tháng 12. Cực điểm vào 12-13 tháng 12.

Thời gian diễn ra cực điểm là thay đổi hang năm, và sẽ biết được chính xác khi gần đến ngày diễn ra mưa sao băng.Có nhiều trận mưa sao băng diễn ra không ổn định từng năm.

Kết quả cuộc thi "Vũ trụ trong mắt ta" tháng 5/2010 - V1 / Thiên văn học Đà Nẵng

Mưa sao băng Geminid.

Kết quả cuộc thi "Vũ trụ trong mắt ta" tháng 5/2010 - V2 / Thiên văn học Đà Nẵng

Mưa sao băng Leonid.

Câu 2. Sao biến quang là gì? Các loại sao biến quang chủ yếu và hãy nêu sơ lược các đặc điểm của các loại sao biến quang?

– Sao biến quang (variable star) là các sao có độ sáng thay đổi đều đặn hoặc không đều đặn. Chu kì

biến đổi của độ sáng có vài giờ hoặc vai năm. Biên độ dao động có thể là từ 15 đến 17 cấp sao.

– Có 3 loại sao biến quang : sao biến quang che khuất , sao biến quang bộc phát, sao biến quang co dãn.

– Các đặc điểm cơ bản của các loại sao biến quang :

+ Sao biến quang che khuất : thường là các hệ sao kép hay sao đôi. Độ sáng của từng sao không thay đổi nhưng trong quá trình chuyển động quanh khối tâm chung chúng có lúc che khuất nhau, dẫn đến quang thông tổng cộng đến Trái đất biến thiên tuần hoàn.

+ Sao biến quang bộc phát : những ngôi sao bình thường chỉ có thể nhìn thấy qua kính thiên văn cực mạnh bỗng bùng sáng lên một cách đột ngột. Độ sáng có thể tăng lên hàng chục vạn lần (sao mới) hoặc cỡ triệu lần rồi tắt đi. Đó là các sao mới (Novae) và các sao siêu mới (Supernovae).

+ Sao biến quang co dãn : sao này có độ sáng (cấp sao) thực sự biến đổi một cách tuần hoàn do sự vận động vật chất của sao tạo nên : các lớp vỏ của sao co dãn, làm cho cấp sao biến thiên tuần hoàn. Các sao này thường nằm giữa dải chính và dải sao kềnh trên biểu đồ H – R. Càng gần dải sao kềnh chúng có chu kì co dãn càng lớn (khối lượng riêng càng nhỏ).

Câu 3. Tại sao nhìn từ Trái Đất thì Mặt Trăng lại thay đổi hình dạng biểu kiến, có lúc trăng tròn, trăng khuyết rồi lại có lúc không nhìn thấy trăng?

– Vì mặt trăng quay quanh Trái đất, và Trái đất lại quay quanh Mặt trời, vậy mặt trăng cũng quay quanh mặt trời. Nhìn từ Trái Đất thì Mặt Trăng thay đổi hình dạng biểu kiến, có lúc trăng tròn, trăng khuyết rồi lại có lúc không nhìn thấy trăng là do :

+ Khi Mặt trăng cùng mọc với Mặt trời. Do là ban ngày nên ta không thấy được mặt trăng vì trời quá sáng. Ban đêm,Mặt trăng lặn xuống đường chân trời cùng với Mặt trời nên không thấy trăng (đây là ngày đầu của tuần trăng).

+ Do mặt trăng quay quanh Trái đất 360o hết 27,32 ngày nên những ngày tiếp theo của đầu tuần trăng ta sẽ thấy trăng mọc chậm hơn mặt mặt trời (chậm hơn khoàng 52’: do Trái đất phải quay thêm 13o2’ ( 360o/27.32) mới thấy mặt trăng) và lặn sau mặt trời nên ta có thể nhìn thấy mặt trăng. Ta có : từ mùng 1 đến mùng 7, mùng 8 mặt trăng mọc chậm đi một chút so với mặt trời nên ta thấy mặt trăng có hình lưỡi liềm. Cứ tiếp tục như thế ,mặt trăng dần có hình bán nguyệt và tròn dần (ngày 15,16 (ngày rằm)). Sau đó mặt trăng khuyết dần và mọc chậm đi. Và lặp lại vòng chuyển động.

Mặt trăng có lúc khuyết , có lúc tròn là do mặt trăng phản xạ ánh sáng Mặt trời lúc ít ( khuyết ), lúc nhiều (tròn dần) (phụ thuộc vào vị trí, góc độ của mặt trăng so với trái đất, mặt trời).

Câu 4. Hãy giải thích vì sao lúc bình mình và hoàng hôn Mặt Trời lại có mầu đỏ và dường như là bị dẹt đi?

– Khi mặt trời mọc , mặt trời ở phía dưới bầu trời, dần mở rộng góc ánh sáng tới Trái đất. Ánh sáng Màu tím, xanh dương, xanh lam sẽ không tới mắt chúng ta; nên chỉ có ánh sáng vàng, cam, đỏ là nhìn thấy được. Do màu đỏ có bước sóng dài nhất nên ánh sáng đầu tiên của bình minh thường xuất hiện là màu hồng hoặc đỏ – phụ thuộc vào những hạt trong không khí. Khi mặt trời di chuyển lên cao, ánh sáng đỏ và vàng mờ dần đi vì ánh sáng xanh nhìn thấy ngày càng rõ hơn (khi này, xảy ra hiện tượng tán xạ).

– Mặt trời lặn cũng tương tự như mặt trời mọc (theo chiều ngược lại) nhưng ánh sáng hoàng hôn rực rỡ hơn (do bụi, các phân tử của hoạt động con người, sinh vật sau một ngày hoạt động).

– Ta thấy mặt trời dường như bị dẹt đi là vì màu đỏ ở thời điểm hoàng hôn và bình minh dịu mà không gắt như các thời điểm khác trong ngày (như giữa trưa chẳng hạn) nên ta thấy nó phẳng.

Câu 5. Tam giác mùa hè là gì? Quan sát tốt nhất vào khoảng thời gian nào? Hãy cho biết một số câu chuyện về các ngôi sao thuộc Tam giác mùa hè.

– Tam giác mùa hè: là một mảng sao, gồm các sao tạo ra một tam giác tưởng tượng của bầu trời nửa bắc bán cầu , với các ngôi sao ở đỉnh là sao Ngưu lang (Altair thuộc chòm chòm Aquila – Đại Bàng), sao Deneb (chòm Cygnus – Thiên Nga), sao Chức Nữ (Vega thuộc chòm Lyra – Thiên Cầm) với sao Altair là đỉnh nhọn hướng về phía Nam.

– quan sát tốt vào khoảng thời gian : vào các đêm trong các tháng mùa hè (nhất là vào tháng 6, tháng 7). Ta cũng có thể quan sát Tam giác mùa hè vào mùa xuân, mùa thu hay mùa đông (khi này nó lộn ngược, trên bầu trời từ nửa nam bán cầu)

– Câu chuyện về các ngôi sao trong tam giác mùa hè : Mỗi năm vào tháng 7 với những cơn mưa không dứt, khiến chúng ta nhớ lại câu chuyện buồn của Ngưu Lang – Chức Nữ. Dòng sông Ngân ngăn đôi hai bờ, Ngưu Lang (sao Altair) ở bờ Tây còn nàng Chức Nữ phía bờ Đông xa hơn về phương bắc. Sao Deneb đánh dấu chiếc cầu ‘Ô kiều’ bắc ngang qua sông Ngân để đôi vợ chồng Ngưu Lang (Altair) và Chức Nữ (Vega) gặp nhau trong một đêm đặc biệt vào cuối mùa hè. (Ngoài ra, sao Deneb còn được coi là nàng tiên đi kèm khi đôi tình nhân gặp nhau trên cầu Ô Kiều.)

Kết quả cuộc thi "Vũ trụ trong mắt ta" tháng 5/2010 - V3 / Thiên văn học Đà Nẵng

“Tam giác mùa hè”.

Câu 6. Cho biết sự khác nhau giữa Sao Hôm và Sao Mai? Mô tả những đặc điểm cơ bản của chúng?

– Sự khác nhau giữa sao hôm và sao mai: Do Kim tinh có quỹ đạo nằm trong quỹ đạo của Trái Đất, nên luôn có vị trí tương đối gần mặt trời. Khi Kim tinh di chuyển trên quỹ đạo, ngược theo chiều kim đồng hồ, và Trái đất xoay quanh trục của nó theo cùng hướng đó (ta có ngày và đêm) . Khi Kim tinh ở một phía của mặt trời, nó di chuyển ngay sau mặt trời (mọc sau mặt trời) và chỉ có thể trông thấy được ánh sáng của nó ngay sau khi mặt trời lặn, lúc này ta gọi nó là Sao Hôm. Khi Kim tinh ở phía bên kia của mặt trời, nó di chuyển trước mặt trời (mọc trước mặt trời) nên Kim tinh sẽ mọc sớm vào buổi sáng trước khi mặt trời mọc vài giờ; sau đó, khi mặt trời mọc, ánh sáng của mặt trời không làm ta thấy Kim tinh nữa, lúc này ta gọi nó là Sao Mai.

– Đặc điểm cơ bản của sao hôm và sao mai :

+ Thực chất, chúng đều là Kim tinh, là “ ngôi sao” có đất đá như Trái đất , là thiên thể sáng thứ 3 trên bầu trời sau mặt trời và mặt trăng, có nhiệt độ rất cao (khoảng 740 K). Kim tinh quay một vòng xung quanh Mặt Trời trên quỹ đạo này vào khoảng 225 ngày (1 năm của Sao Kim bằng 225 ngày trên Trái Đất).

+ Sao Hôm : xuất hiện ở hướng tây, sau khi mặt trời lặn.

+ Sao Mai : xuất hiện ở hướng đông, trước khi mặt trời mọc.

Câu 7. Cầu sai là gì? Hãy nêu các biện pháp khắc phục cơ bản, phổ biến?

– Cầu sai là một trong những dạng quang sai của hệ thống quang học, là hiện tượng hội tụ ánh sáng không chính xác, gồm 2 loại :

+ Cầu sai dọc: là sai số theo chiều dọc của vị trí ảnh thực tế so với ảnh lý tưởng.

+ Cầu sai ngang: Là sai số theo chiều ngang của vị trí ảnh so với trục của tia sáng.

– Biện pháp khắc phục cơ bản , phổ biến :

+ Ghép các thấu kính với nhau để giảm cầu sai.

+ Ghép 1 thấu kính hội tụ và 1 thấu kính phân kì có chiết suất khác nhau lại với nhau và sẽ cho ra một thấu kính aspherical khử được cầu sai.

Câu 8. Nêu một số cách lắp đặt kính Thiên Văn khi quan sát bầu trời?

– Lắp đặt phương vị 2 trục quay của kính được đặt theo phương thẳng đứng và phương nằm ngang. Do vậy ta có thể quan sát được thiên thể trong hệ tọa độ chân trời. Vì hệ này phụ thuộc nhật động nên chỉ có thể quan sát nhất thời.

– Lắp đặt xích đạo: trục của kính (trục cực) được đặt song song, chính xác với trục Trái đất. Trục vuông góc với trục cực (trục nghiêng) sẽ song song với xích đạo trời và xích đạo Trái đất. Ta có thể quan sát mà không phụ thuộc vào nhật động.

– Ngoài ra còn có: lắp đặt kính ở ngoài Trái đất (như kính thiên văn Hubble) ; lắp đặt cố định (KTV Zenith); …..

Câu 9. Hố đen là gì? Làm thế nào để có thể xác định được sự tồn tại của hố đen trong không gian?

– Hố đen, hay lỗ đen, là một vùng trong không gian có trường hấp dẫn lớn đến mức lực hấp dẫn của nó không để cho bất cứ một dạng vật chất nào, kể cả ánh sáng thoát ra khỏi mặt biên của nó (chân trời sự kiện), trừ khả năng thất thoát vật chất khỏi lỗ đen nhờ hiệu ứng đường hầm lượng tử. (Vật chất muốn thoát khỏi lỗ đen phải có vận tốc thoát lớn hơn vận tốc ánh sáng trong chân không, mà điều đó không thể xảy ra trong khuôn khổ của lí thuyết tương đối, ở đó vận tốc ánh sáng trong chân không là vận tốc giới hạn lớn nhất có thể đạt được của mọi dạng vật chất ). Hay ta có thể nói hố đen là một con quái vật hút tất cả những gì đến gần nó.

– Xác định hố đen trong không gian : được quan sát một cách gián tiếp các hiện tượng xung quanh chúng như là thấu kính hấp dẫn và các ngôi sao chuyển động xung quanh một vật dường như vô hình (hố đen).

Ta còn dựa vào các tín hiệu – những sóng vô tuyến đển từ vũ trụ.

Câu 10. Nếu Mặt Trời là một hố đen. Hãy cho biết bán kính của chân trời sự cố (giả thiết hố đen không quay)? Nêu rõ cách tính?

– Nếu Mặt trời là một hố đen (hố đen không quay) thì bán kính của chân trời sự cố là 2,95 km.

– Cách tính : dựa vào bán kính Schwarzschild ta có công thức tính sau : Rs = (2GM)/c2 = ( 2 x 6,67.10^-11 x 1,9891.10^30 ) / 300 000 000^2 = 2 948, 29( xấp xỉ ) ( m ) = 2,95 km ( xấp xỉ ).

( Lấy G = 6,67 x 10^-11 m3k-1s-2; M ( mặt trời ) = 1,9891 x 10^30 kg ; c là vận tốc ánh sáng : 300 000 000 m/s ; kết quả phía trên làm tròn đển chữ số thập phân thứ 2).

B. Câu tự luận

(Bài luận không quá 3000 từ, tối đa 10 điểm)

Bạn vừa có một chuyến phiêu lưu ở bên ngoài Trái Đất. Hãy kể lại những khoảng thời gian thú vị mà bạn đã trải qua trong chuyến phiêu lưu đó.

Bài viết :

…..Tôi nhắm mắt lại … và … chỉ trong tích tắc thôi, khi tôi mở mắt ra thì những vật xung quanh tôi hoàn toàn thay đổi ! không thể tin được ! tôi đang “ cưỡi” trên một chiếc Sky … cực kì thể thao, mui trần với đầy đủ các thiết bị … thiên văn ! Chiếc xe hơi bóng loáng, đen tuyền ánh lên những ánh sáng đầy màu sắc … những ánh sáng từ những ngôi sao xa kia….Tôi lặng người, thay vì cái cảm giác hứng thú ban đầu thì trong tôi là một nổi sợ bao trùm, nói đúng hơn là một nỗi bàng hoàng. Và tôi đã bước vào cuộc phiêu lưu chinh phục hố đen như vậy …..

Một tiếng nói xa xăm từ vũ trụ đã thông báo cho tôi mục đích của chuyến phiêu lưu này , về những đối thủ của tôi – những đối thủ tàng hình , họ không thấy tôi và tôi cũng không thấy họ, và không có một bản đồ hay bất cứ một sự chỉ dẫn nào hết. Sợ và…. Thật thú vị ! tôi được ngồi trên chiếc xe “xịn”, trước mắt lại có không biết bao nhiêu điều lạ và hấp dẫn ! Ta đang ở trong vũ trụ mà ! ta thuộc về nó ! chẳng có gì có thể ngăn cản ta trên con đường chinh phục cái hố đen kì bí đó hết ! – tôi nghĩ vậy. Chẳng có gì phải sợ …. mặc dù không biết lái xe hơi, thậm chí cũng không biết lái xe máy nhưng tôi lại rất tự tin vào “ tay lái lụa” của mình mỗi khi … chạy xe đạp nên tôi cứ thế … phóng. Chiếc xe chạy như bay trên “ con đường vô hình” mà nói đúng hơn là nó đang bay lượn trong không trung, băng qua những thiên thạch – to có, nhỏ có với những hình thù kì lạ, ngộ nghĩnh. Không biết từ lúc nào mà tôi đã trở thành một tay săn ảnh thiên văn thay vì săn hố đen ! Những bức ảnh tôi chụp bằng chiếc máy ảnh bình thường mà “ ban tổ chức cuộc phiêu lưu” cung cấp không thua gì những bức ảnh được chụp từ Hubble hay Spitzer mà tôi từng thấy, và đôi mắt tôi có lẽ cũng chẳng thua kém …. một cái kính thiên văn nào! Xa kia là những ngôi sao đầy màu sắc và có kích thước thật khổng lồ ! Có lẽ, nếu so sánh với một vật phát sáng xanh trên Trái đất thì chắc ta phải lấy chính Trái đất làm vật sáng thì mới “ xứng” để so sánh với thân hình “vạm vỡ” của ngôi sao xanh này ! Có thể ngôi sao này vẫn còn thua xa mặt trời nhưng đối với tôi thì nó là ngôi sao thực sự lớn mà tôi từng nhìn thấy.Chiếc xe cứ thế chạy….dường như so với mức xuất phát thì tôi vẫn chưa đi được bao xa , vẫn chưa có một tung tích gì về hố đen hết. Nhưng đang trong lúc “ tuyệt vọng” đó thì tôi chợt trông thấy một vật gì đó tuyệt đẹp, không hẳn là một thiên thạch, nó nhỏ thôi và phát ra ánh sáng thật kì bí… Vốn tính hiếu kì, tôi cố vươn tay bắt lấy nó thì ….. rầm !!! chiếc Sky của tôi đã “ vô tình” va trúng một sao chổi khác cũng đang “du ngoạn” vũ trụ, chiếc xe lệch ra khỏi “ con đường” và bắt đầu chao đảo trong không trung. Chính vụ va chạm “ không mời mà đến” đó như đã thức tỉnh tôi, thức tỉnh về mục đích của cuộc phiêu lưu này. Tôi lại tiếp tục lái chiếc xe có phần hơi sứt mẻ trở lại với “ đường đua” và tiếp tục cuộc hành tình săn lùng hố đen. Tôi tiếp tục luồn lách qua những vì sao, những hành tinh – những nơi mà tôi không biết rõ chúng ở đâu trong cái vũ trụ này và liệu rằng chúng có có sự sống như hành tinh xanh hay không …Tôi đã bắt đầu thấm mệt sau gần một ngày dài lang thang trong vũ trụ, sau những cuộc chạm trán với những hành tinh có lực hấp dẫn cực lớn với bề mặt khô cằn hay chỉ là những khối khí mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa biết được điều gì đã làm tôi thoát khỏi lực hút đó ….. Nhưng, đúng là vũ trụ luôn cho ta cơ hội để khám phá ! Một cảnh tượng đầy sức mạnh, tôi đã từng nghĩ đến sức mạnh của hố đen, nhưng không ngờ sức mạnh đó lại lớn đến thế ! Chiếc xe của tôi dường như không còn “ đứng vững” nữa ! Tôi cách đó không bao xa – nơi mà một ngôi sao đang bị hố đen kia dùng làm “ bữa tối” … Tôi phân vân, phân vân và suy nghĩ nhiều lắm …giờ đây, tôi đã đến đích theo như quy định của cuộc đua – tìm được hố đen nhưng có lẽ đối với tôi, cuộc đua đó chưa dừng lại….sự tò mò đan xen với nỗi sợ hãi …và đúng khoảnh khắc đó, một điều ước – 1 suy nghĩ thoáng qua thôi …và……tôi cầm chắc tay lái rồi lao về phía hố đen – cái đích mà tôi đã lựa chọn …..

Một luồng ánh sáng chiếu thẳng vào mặt tôi và .. trước mắt tôi bây giờ là cảnh mặt trời mọc, ấm áp ! và sau lưng tôi là ngôi nhà nhỏ – ngôi nhà được sưởi ấm bởi ánh nắng đó – ngôi nhà nhỏ của gia đình tôi…và bạn có biết điều này ? – cái điều ước – cái suy nghĩ thoáng qua ấy …. ? trong khoảnh khắc đó tôi đã ước rằng “ ước gì …mình được về nhà …”.

_______________________________________

Bài giải nhì của bạn Trần Đình Hải

Mình chỉ post bài viết thôi

Thế giới năm 3357

Thế giới năm 3357, một thế giới mà mọi khoảng cách đều trở nên vô nghĩa khi trí tuệ loài người đã hoàn toàn nắm bắt được loại phương tiện nhanh nhất trong vũ trụ ,những lỗ sâu đục. Cách đây 100 năm, nó còn là một trong những bí ẩn lớn nhất của thời đại, đã làm đau đầu biết bao thế hệ xuất chúng nhất của nhân loại, thế mà giờ đây, tôi, một thằng bé 17 tuổi có thể lang thang bất cứ nơi nào trong vũ trụ mà tôi muốn. Tôi có thể đến quần tinh NGC 290 lúc 7h sáng và trở về nhà kịp bữa trưa. Nhờ có những lỗ sâu đục, loài người đã phân tán khắp nơi trong vũ trụ và Trái Đất giờ chỉ như một viện bảo tàng nơi người ta đến và hoài niệm. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn sống ở đó cho dù hầu hết dòng họ đã định cư ở Andromeda xa xôi và tấp nập. Tôi đang nói đến những lỗ sâu đục loại S, loại xuyên không gian.

Tất nhiên tôi không thể không nhắc tới loại thứ 2, loại T, lỗ sâu đục xuyên thời gian. Con người hoàn toàn có thể trở về quá khứ qua những lỗ loại T nhưng đến tương lai là một điều không thể. Tôi vẫn thường dùng những lỗ loại T để cố nhớ xem mình đã để những đôi tất ở chỗ nào, còn bố mẹ tôi dùng nó như là một cuốn album lưu giữ những kỷ niệm của gia đình. Tất nhiên, tôi, bố mẹ tôi ,tổng thống Mỹ hay bất kỳ một ai khác đều chỉ có thể xem, ko thể tác động.

Đó là thế giới tôi đang sống.

Chuyến tàu tốc hành đang đưa tôi đến thiên hà Andromeda thăm những người bà con của mình. Tôi đang thiu thiu ngủ thì cô tiếp viên đánh thức tôi dậy:

-Cậu nên thắt dây an toàn vào, chúng ta sắp qua lỗ S2

Tôi dụi mắt, thắt dây an toàn vào quanh mình rồi ngủ tiếp. Con tàu lắc lư khi vào lỗ sâu đục, cảnh vật xung quanh mờ dần rồi tối hẳn. Bỗng nhiên con tàu lắc mạnh rồi chao đảo. Tôi tỉnh dậy, cố hiểu chuyện gì đang xảy ra. Một số người cũng ngơ ngác như tôi.

-Chuyện bình thường ấy mà, chắc là một ngôi sao nào gần đó vừa mới qua đời – cô tiếp viên vui vẻ trấn an hành khách.

Tôi lầm bầm trong miệng vài câu rồi ngủ tiếp. Được một lúc sau, con tàu lại chao đảo, lần này có vẻ mạnh hơn. Tôi lại phải tỉnh giấc và ngơ ngác tìm một lời giải thích. Hành khách đang phàn nàn với cô tiếp viên về chất lượng phục vụ của chuyến đi.

-Có vẻ như ngôi sao này lớn hơn chúng ta tưởng – cô tiếp viên lúng túng giải thích cho cú lắc lư ngoài ý muốn này.

-Cô đùa đấy à, tôi chưa bao giờ phải chịu tình huống như thế này-một hành khách giận dữ,một số người hùa theo.
Một tiếng đập mạnh vang lên dưới sàn tàu làm tôi giật nảy mình. Những hành khách bắt đầu hoảng sợ, cả cô tiếp viên và bác tài xế cũng vậy. Họ được huấn luyện để chiều lòng khách chứ không phải để giải quyết những sự cố kỹ thuật như thế này.Những tiếng đập còn dội xuống từ phía trần tàu như có gã công nhân nào đó đang cố tình đập bẹp dí chúng tôi bằng búa tạ vây. Rồi những tiếng kin kít vang lên bởi những thanh xà cọ vào nhau. Con tàu lắc lư dữ dội. Tôi phải bám chắc vào ghế của mình và cố không để gã béo ú ngồi bên cạnh đè lên người.Cô tiếp viên hét lớn vào thiết bị liên lạc:

-Báo cáo tình trạng khẩn, tàu Space đi Andromeda đang gặp nạn, yêu cầu trợ giúp. Tàu Space đi… alô, có ai ở đó không?

Cô tiếp viên ném mạnh thiết bị liên lạc xuống đất với vẻ mặt giận dữ. Tôi hiểu rằng chẳng có ai nghe được cô nói cả. Chuyện này chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành vận tải vũ trụ và nếu may mắn, tôi sẽ đi vào lịch sử như là một trong những hành khách đầu tiên tử nạn bởi những chuyến đi qua lỗ sâu đục. Tôi đang tưởng tượng cảnh bị xé ra từng mảnh bởi những hố đen thì đột nhiên đèn chiếu sáng trong con tàu tắt ngúm. Một tiếng nổ khinh thiên động địa vang lên, tôi bị ném về phía cuối tàu. Cơ thể tôi bị bóp nghẹt như có 100 tên béo ú ngồi bên cạnh đè lên người tôi vậy. Tôi ngất đi.

Khi tôi tỉnh dậy, cứ ngỡ là đã 1 triệu năm trôi qua trong đời. Người tôi tê rần, đầu nhức như búa bổ. Tôi choáng váng đứng trên đôi chân của mình và nhìn quanh để cố hiểu xem tôi đang ở đâu.Bỗng một cái gì đó như một tia laser màu sáng chói bay sượt qua đầu tôi đục một lỗ to tổ chảng bên cạnh kèm theo một tiếng nổ chói tai. Chưa kịp định thần thì một loạt những tia laser bắn xuống người tôi chỉ cách chừng nửa mét. Tôi chạy thục mạng, chẳng có thời gian để mà suy nghĩ xem chuyện gì đang xảy ra. Tôi núp vào một cái hang gần đó vừa thở hổn hển vừa nhìn ra ngoài. Ôi thôi, một cảnh tượng hỗn loạn đến kinh hoàng. Những tia laser đủ màu sắc bay ngập trời. Bầu trời u ám và khói bốc lên đen nghịt.

Rồi một sự ngỡ ngàng đập vào mắt tôi. Tôi há hốc mồm vì những gì được thấy.Tôi đang thấy cái gì thế này? Thậm chí ngay cả những con người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể tin nổi. Những con cá bay trên trời và bắn ra những tia laser từ cái miệng rộng hoác của chúng. Tôi không biết loài sinh vật này là gì nhưng chúng có vây 2 bên như 2 cái cánh và một cái đuôi như của một con cá heo. Cá là loài đầu tiên mà tôi nghĩ đến trong lúc này.

Mặc dù loài người đã hầu như chinh phục được vũ trụ và giải đáp gần như toàn bộ những bí ẩn của nó nhưng có một điều mà con người luôn hoài nghi trong rất nhiều thế hệ, đó là liệu có sự sống nào khác tồn tại ngoài trái đất? Câu trả lời được chấp nhận vào thời điểm hiện tại là không. Con người đã chui vào mọi ngõ ngách của vũ trụ, phát đi vô vàn những kiểu tín hiệu nhưng chưa bao giờ thấy hay nhận được gì từ người ngoài hành tinh. Và còn gì sung sướng hơn nếu tôi được hãnh diện chứng minh với phần còn lại của thế giới loài người rằng tôi đã ở đây và chứng kiến những con cá ngoài hành tinh bắn nhau? Tất nhiên nếu tôi còn sống.

Hình như đang có một cuộc chiến tranh xảy ra ở hành tinh chỉ toàn đá và cát này. Tôi móc trong túi ra một bộ thu phát tín hiệu chỉ nhỏ như một hạt cườm và đặt nó phía trước cửa hang. Những gì bộ tín hiệu này thu được sẽ gây nên một cơn chấn động lớn nhất từ trước đến nay trong thế giới loài người, lớn hơn cả việc McFaden phát hiện ra nguyên lý cơ bản của những lỗ sâu đục. Đang hả hê với những dòng mường tượng tươi đẹp về mình thì một tiếng nổ lớn kéo tôi trở về mặt đất. Một tia laser bắn trúng cửa hang xới tung một mảng đất đá. Sau khi làn bụi tan đi, tôi nhìn thấy một bóng dáng đang lao tới mình. Một con cá với tia laser chết chóc. Tôi nhặt vội bộ tín hiệu và chạy thục mạng vào sâu trong hang.

Con cá bay vẫn đuổi theo sau lưng. Tôi có thể ngửi thấy mùi khét của những tảng đá bị đốt cháy bởi tia laser. Tôi rẽ trái rồi rẽ phải, quẹo tới quẹo lui nhưng con cá vẫn đuổi theo sát nút. Đến lúc tôi đã không còn một chút sức lực nào nữa, tôi ngã xuống và ngay lập tức con cá tiến đến. Nó to như một con bò mộng. Đôi mắt long lên sòng sọc với ánh nhìn dò hỏi. Nó rít lên một thứ âm thanh khinh khủng. Cái miệng nó mở to và tôi thề là nó có nhiều răng hơn bất cứ loài vật nào trên trái đất. Một đốm sáng hiện lên trong miệng nó rồi to dần. Tôi biết điều gì đang đợi tôi ở phía trước. Ôi thế là hết. Tôi biết cuộc đời mình chính thức chấm dứt từ đây.

Bỗng không khí xung quanh tôi dường như bị xáo động. Tôi có thể cảm nhận được mình già đi vài tuổi. Tôi nhận ra nó, tôi biết nó và không thể khác được. Không còn nghi ngờ gì nữa, một lỗ sâu đục đang xuất hiện bên cạnh tôi. Con cá dường như cũng nhận ra được sự khác thường này, đôi mắt nó dáo dát nhìn quanh. Tôi phải quyết đinh nhanh, trốn thoát hay là chết. Tôi không biết cái gì chờ đón mình nếu tôi chui vào lỗ sâu đục nhưng có một điều chắc chắn là tôi không thể chết nhanh như điều mà con cá sẽ mang lại cho tôi được. Tôi nuốt vội một viên thuốc thích nghi rồi chạy nhanh về phía lỗ sâu đục. Khi con cá nhận ra, nó bắn một tia sáng chói về phía tôi nhưng đã quá muộn. Tôi đã chui vào lỗ sâu.

Tôi đang thấy mình trôi bồng bềnh giữa một không gian tối thui và một lúc sau tôi bất tỉnh. Tương lai tôi là một điều gì đó mông lung không rõ.

Khi tôi mở mắt dậy thì chỉ nhìn thấy một màu trắng xóa. Có những tiếng cười nói nô đùa của những đứa trẻ. Rồi cảnh vật từ từ hiện ra, một khung cảnh quen thuộc và thân thương đến lạ lùng. Và tôi thấy mình ở đó. Một thằng nhóc 5 tuổi đang chơi trò lâu đài cát với lũ bạn. Trông tôi lúc đó thật đáng yêu, khác hẳn với vẻ ngoài bụi bặm bây giờ. Tôi chợt bật cười, tôi đang du hành trong lỗ T. Hay đấy, làm thế nào mà tôi trở về nhà được bây giờ? Một lỗ loại T sẽ thực sự trở thành một cái cũi bất khả xâm phạm nếu nó chưa được đăng ký sử dụng. Con người chưa thể nào kiểm soát hết tất cả lỗ sâu đục trong vũ trụ. Có rất nhiều những cái cũi như thế lang thang trong vũ trụ bao la này. Và đến bao giờ lỗ sâu đục mà tôi đang đứng đây mới được loài người phát hiện và kiểm soát? Tôi vừa thoát chết khỏi một điều đáng sợ và tôi không có quyền đòi hỏi một điều thần kỳ nào khác nữa.

Có lẽ tôi sẽ sống ở đây suốt phần đời còn lại của mình với đầy ắp những kỷ niệm của thời thơ ấu cho đến khi chết đi vì đói khát,có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết được nguyên nhân của vụ tai nạn tàu Space, có thể sẽ chẳng ai được nghe tôi nói về những con cá biết bắn súng nhưng tôi hiểu được một điều quan trọng hơn mọi thứ mà tôi được học,rằng con người chưa bao giờ cô đơn trong vũ trụ ! Rồi sẽ có một ai đó như tôi phát hiện ra điều này. Tôi ngủ thiếp đi trong những suy tư của mình.

….Nhưng tôi chưa bao giờ ngừng hy vọng !

Tư liệu của BTC cuộc thi VTTMT

Content Protection by DMCA.com