Con người với bản năng tự nhiên luôn luôn muốn vươn tới cái mới, cái mà mình chưa biết để tìm hiểu thế giới xung quanh. Nhờ có ước mơ đó, con người đã đạt được biết bao phát kiến, đưa xã hội loài người không ngừng tiến lên phía trước. Tuy vậy cho đến nay những khoảng không bao la, những hành tinh xa xôi vẫn còn là bí hiểm đối với con người. Nhà bác học Nga nổi tiếng K. E. Xi-ôn-côp-xki đã dự đoán rằng con người sẽ không sống vĩnh viễn trên hành tinh này, mà đến một lúc nào đó sẽ vượt ra khỏi hành tinh của chúng ta…
Đây là bài viết của Anh hùng, phi công vũ trụ Phạm Tuân, được viết “Thay lời tựa” cho cuốn “Tàu vũ trụ trên quỹ đạo” của nhà báo Iu.V.Kolexnikov và nhà du hành vũ trụ Iu.N.Glazkov, nhà xuất bản Hoà bình (Mir)-1980; bản dịch tiếng Việt của Đinh Ngọc Lân, NXB Kim Đồng-1986. Bài viết cho ta thấy tâm tư, nguyện vọng và những gửi gắm của lớp người đi trước đối với thế hệ trẻ chúng ta hiện nay. Phần bình luận xin nhường lời cho các PACers.
Bài viết của đồng chí PHẠM TUÂN,
Anh hùng các lực lượng vũ trang Việt Nam
Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Anh hùng Liên Xô
Phi công vũ trụ Việt Nam
Con người với bản năng tự nhiên luôn luôn muốn vươn tới cái mới, cái mà mình chưa biết để tìm hiểu thế giới xung quanh. Nhờ có ước mơ đó, con người đã đạt được biết bao phát kiến, đưa xã hội loài người không ngừng tiến lên phía trước. Tuy vậy cho đến nay những khoảng không bao la, những hành tinh xa xôi vẫn còn là bí hiểm đối với con người. Nhà bác học Nga nổi tiếng K. E. Xi-ôn-côp-xki đã dự đoán rằng con người sẽ không sống vĩnh viễn trên hành tinh này, mà đến một lúc nào đó sẽ vượt ra khỏi hành tinh của chúng ta…
Sputnik 1
Con người một mặt muốn vươn lên tầm cao để tìm hiểu biết thêm về không gian và vũ trụ, mặt khác cũng muốn từ tầm cao ấy để quan sát, tìm hiểu Trái Đất của mình. Con người mở rộng tầm quan sát Trái Đất bắt đầu từ việc trèo lên những ngọn cây cao, đi lên những đỉnh núi, bay trên những ngọn khinh khí cầu, những tàu lượn, những máy bay và ngày nay, trên những con tàu vũ trụ… Và cứ mỗi lần vươn được tới những tầm cao ấy để có được một phát minh quý giá, các nhà bác học đã phải bỏ ra biết bao công sức, mồ hôi và đôi khi cả máu nữa.
Trong thời đại khoa học kĩ thuật, những máy móc tự động hiện đại được phát minh, nhưng dù máy móc có hiện đại đến mấy, cũng không thể thay thế con người. Bởi máy móc tự động chỉ làm việc theo chương trình đã định. Khi điều kiện thay đổi, máy móc tự động không thể tự xử lý và như vậy khi con người bước vào kỉ nguyên chinh phục vũ trụ thì xuất hiện thêm một nghề nữa―đó là nghề phi công vũ trụ.
Máy móc trên những máy bay phản lực, trên những con tàu vũ trụ ngày càng hoàn thiện, hiện đại, đòi hỏi cao hơn, nghiêm ngặt hơn với những con người điều khiển chúng.
Bay lên khỏi mặt đất là điều nhiều người mơ ước, tuy vậy không phải cứ mơ ước là đã có thể trở thành phi công bay trên mây trên gió. Ngoài những yêu cầu rất cao đối với người phi công như trình độ hiểu biết về kĩ thuật hàng không, thể lực tốt đáp ứng với những thay đổi nhiệt độ, áp suất rất căng thẳng bên ngoài dễ dẫn tới sự rối loạn hệ thống tiền đình…còn đòi hỏi ở người phi công một sự “nhạy cảm nghề nghiệp” nhất định. Có nhiều người được tuyển vào trường hàng không, nhưng không thể trở thành phi công, bới thiếu sự “nhạy cảm” này. Ngày nay khoa y học hàng không mới chỉ kiểm tra được trình độ nhận thức, điều kiện sức khoẻ, khả năng làm việc…để chọn người bay, nhưng chưa có phương pháp chọn người có “nhạy cảm nghề nghiệp” để khẳng định khả năng trở thành phi công của người đó, bởi khả năng đó chỉ thể hiện khi người phi công ngồi trong buồng lái tự mình điều khiển máy bay. Ở đây chỉ mới nói đến góc độ điều khiển chiếc máy bay trong điều kiện bình thường. Còn trong chuyến bay chiến đấu để đánh thắng được kẻ địch càng đòi hỏi ở người phi công những phẩm chất cao hơn. Phi công chiến đấu không những là người lái máy bay giỏi, mà còn là người dẫn đường, người trắc thủ ra-đa, người xạ thủ súng máy, người sĩ quan điều khiển tên lửa…nghĩa là làm thay nhiệm vụ của cả một tổ lái. Những phẩm chất ấy chính là năng lực làm chủ vũ khí kĩ thuật hiện đại, có bản lĩnh chiến đấu, có đầu óc chiến thuật, nhạy cảm và sáng tạo trong khi xử lí những tình huống phức tạp xảy ra trên không. Chỉ như vậy mới đảm bảo cho một trận không chiến thắng lợi. Tất nhiên, thắng lợi của một trận chiến đấu là thắng lợi của một tập thể cán bộ chỉ huy, sĩ quan dẫn đường, thợ máy và cả chiến sĩ san đường,v.v… Thiếu một trong những nhân tố ấy, người phi công không thể làm nên chiến thắng được.
Trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ, ngoài những điều kiện khó khăn như trong một chuyến bay bình thường, người phi công còn chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác tác động lên tâm sinh lý con người: phải làm việc trong khoang làm việc chật hẹp, hay khoang đổ bộ của con tàu; phải chịu quá tải tương đối lớn với thời gian dài khi phóng lên, hay khi trở về Trái Đất; phải thở bằng không khí nhân tạo; phải làm việc với cường độ lớn đặc biệt trong điều kiện không có trọng lượng―một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ với cơ thể con người. Trong những điều kiện ấy người phi công dễ bị căng thẳng về mặt tâm lí, các cơ quan làm việc không bình thường dễ dẫn đến việc giảm sút khả năng làm việc của con người. Yêu cầu trong chuyến bay vũ trụ đòi hỏi người phi công vũ trụ phải tỉnh táo, luôn luôn làm chủ được con tàu, xử lý chính xác các tình huống xảy ra ngay cả khi không có liên lạc với Mặt Đất. Người phi công vũ trụ còn phải có hiểu biết để thực hiện một chương trình thí nghiệm mà ccác nhà khoa học đã đặt ra cho chuyến bay. Bởi vậy, phi công vũ trụ phải được chuẩn bị một cách toàn diện về các mặt như chuẩn bị bay, nhảy dù, chuẩn bị về mặt kĩ thuật, về y sinh học và về các mặt khác.
Công việc chuẩn bị bay rất được chú trọng, bởi nó tạo cho phi công làm quen với những động tác nhào lộn cao cấp, những thay đổi quá tải, những thời điểm gần giống như tình trạng không trọng lượng, hệ thống tiền đình được thử thách và khả năng định hướng không gian tốt dần lên.
Nhảy dù cũng là một môn luyện tập quan trọng, bởi nó luyện cho phi công tính kỉ luật cao, tâm lý vững vàng, xử lý nhanh, chính xác các tình huống xảy ra khi con người đang ở trong trạng thái căng thẳng về tâm lý…
Để sử dụng thành thạo máy móc hiện đại trên những con tàu, người phi công phải được chuẩn bị đặc biệt chu đáo về mặt kĩ thuật, nắm vững cấu tạo con tàu, nguyên lý làm việc, phương pháp điều khiển con tàu ở từng giai đoạn bay suốt từ khi tàu rời bệ phóng đến khi hạ cánh xuống Mặt Đất.
Ngoài việc luyện tập điều khiển con tàu và nghiên cứu các hệ thống máy móc riêng biệt trong từng giai đoạn bay, phi công vũ trụ còn phải luyện tập sử dụng các trang thiết bị cấp cứu sau khi con tàu đã hạ cánh trong bất kì điều kiện thiên nhiên và thời tiết nào. Không những thế, phi công vũ trụ còn phải được chuẩn bị về y sinh học nhằm làm tăng cường chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, tăng sức chịu đựng, dẫn đến tăng khả năng làm việc,v.v…
Phi công―một nghề đầy gian khổ có một khía cạnh nào đó mạo hiểm nhưng cũng là một nghề hết sức lý thú.
Tất nhiên mỗi người đều tìm cho mình một nghề mà mình yêu thích. Nhưng với chúng tôi nghề “đi mây về gió” đã gắn bó chúng tôi với bầu trời. Và cũng từ tầm cao ấy chúng tôi càng gắn bó hơn với Trái Đất, bởi bay đi đâu thì cuối cùng đất mẹ cũng chiòa bàn tay đón chúng tôi về và mỗi chuyến bay đều đem đến cho chúng tôi một niềm hạnh phúc: được bảo vệ bầu trời của Tổ Quốc, giữ cho cuộc sống trên Mặt Đất được thanh bình. Và đặc biệt chúng tôi bay vào vũ trụ―nghiên cứu khoảng không vũ trụ phục vụ cho cuộc sống của bao người trên hành tinh thân yêu.
Hai nhà phi hành gia vũ trụ Phạm Tuân và V. V. Gorbatko
Để thực hiện thành công chuyến bay, chúng tôi được chuẩn bị hết sức chu đáo tại Trung tâm huấn luyện phi công vũ trụ Ga-ga-rin. Tại đây cán bộ công nhân viên, kỹ sư, bác sĩ và đội ngũ những nhà du hành vũ trụ tạo mọi điều kiện giúp đỡ chúng tôi. Và ngày bay đã đến. Đồng chí chỉ huy V.V.Goóc-bat-cô đã bay đến lần thứ ba, còn tôi mới chỉ lần đầu. Lần đầu tiên bắt tay làm bất cứ việc gì thì cũng bỡ ngỡ, huống chi đây lại là chuyến bay vũ trụ.
Tại sân bay Bai-cô-nua mọi người lưu luyến tiễn đưa chúng tôi đến tận bệ phóng. Bầu không khí nhộn nhịp và ấm áp làm cho tôi xúc động và hồi hộp. May mà công việc kiểm tra con tàu khẩn trương và nghiêm túc đã lấn át dần tình cảm ấy. Kim đồng hồ nhích dần đến thời điểm phóng. Khẩu lệnh vang lên trong tai nghe. Năm phút chuẩn bị…một phút chuẩn bị. Tuy hết sức tập trung chú ý, nhưng trong óc vẫn thoáng hiện lên hình ảnh quả tên lửa sừng sững, lửa khói bao trùm mà hôm đi tiễn các đồng chí Pô-pốp và Ri-u-min vào vũ trụ chính mắt tôi đã nhìn thấy. Sau này có lúc nghĩ lại tôi cảm thấy giá như mình chưa chứng kiến hình ảnh ấy, chắc hẳn sự hồi họp sẽ bớt đi một chút nào chăng?
Rồi khẩu lệnh “Phóng!” vang lên. Trong bộ quần áo giáp kín, tôi thấy người mình rung lên và từ từ chuyển động. Sở chỉ huy thông báo dồn dập trạng thái của tên lửa. Chúng tôi đáp lại bằng cách thông báo những chỉ số của khoang tàu. Cứ như vậy 9 phút trôi qua… và trạng thái không trọng lượng ập đến bất ngờ, người rời khỏi ghế―tôi bay lơ lửng cùng với mọi đồ vật xung quanh, hồi hộp và vui mừng đón nhận những lời chúc mừng thắm thiết từ Mặt Đất. Qua cửa sổ, tôi mong nhì thấy Trái Đất, nhưng đêm tối thăm thẳm, chỉ thấy muôn ngàn vì sao lấp lánh, mà từ độ cao vũ trụ, tôi thấy nó long lanh hơn nhiều.
Bất giác tôi bỗng nhớ về Trái Đất, nhớ những con người gắn bó với mình đã chuẩn bị chu đáo cho chuyến bay mà mới đây thôi, ánh mắt nụ cười lưu luyến tiễn đưa chúng tôi tại sân bay vũ trụ― ước gì có màn ảnh nhỏ để luôn nhì thấy và trò chuyện với họ trong mọi vòng bay!
Các đồng chí bay trước thường kể chuyện về Trái Đất khi nhìn từ vũ trụ, về đường chân trời vũ trụ lúc rạng đông. Lần dầu tiên khi nhìn thấy những cảnh này tâm hồn tôi đến bàng hoàng. Chúng ta thường được học rằng Quả Đất hình cầu, giờ đây, qua cửa kính nhìn ra, Quả Đất hình cầu thực sự mà không cần phải chứng minh nữa. Còn đường chân trời thì thật tuyệt diệu―hệt như một chiếc cầu vồng đủ màu sặc sỡ…
Ngoài ra, trong chuyến bay vũ trụ này tôi có dịp được từ tầm cao vũ trụ ngắm nhìn hành tinh, trên đó có Việt Nam thân yêu, dải đất nhỏ nhỏ nằm bên bờ Thái Bình Dương.
Thỉnh thoảng với kinh nghiệm của các chuyến bay trước, đồng chí chỉ huy chỉ cho tôi thấy những vị trí, những điểm đặc trưng. Tôi đánh giấu thời gian và chờ đợi… thế rồi giây phút ấy đã đến.
Tôi đã từng bay và bay không ít trên bầu trời Tổ Quốc thân yêu: bay trong những lúc thanh bình, trời quan mây tạnh, bay trong những giờ phút bầu trời vẩn đục đầy khói đạn truy đuổi quân thù, nhưng lần này tôi xúc động đến bàng hoàng khi đất nước Việt Nam hiện lên qua cửa sổ con tàu. Niềm xúc động của tôi không hẳn vì được nhìn thấy nó từ tầm cao vũ trụ, không hẳn vì thấy nó trên bình diện rộng hơn, mà vì tự hào cho cả dân tộc Việt Nam: vừa thoát ra trong cuộc chiến tranh ác liệt nhẩt trong lịch sử buộc phải bước tiếp vào cuộc chiến đấu chống bọn bành trướng Bắc Kinh mà vẫn kịp chắp cánh cho một người con của mình sánh vai cùng anh em Xô-viết bay vào vũ trụ.
Công việc của một phi công vũ trụ không phải là ít. Nhưng giữa những công việc, tôi vẫn cố tìm cho mình một khoảnh khắc để đưa mắt nhìn về hành tinh thân yêu, cố thu lượm được nhiều nhất hình ảnh đất nước quê hương, hình ảnh năm châu bốn bể để tới khi trở lại Trái Đất sẽ kể lại cho bà con, cho các anh chị em, cho các cháu thiếu niên yêu quý nghe.
Cứ mỗi lần được thấy hình ảnh của Tổ Quốc, lòng tôi lại rạo rực nhớ đến quê hương, nhớ đến những người Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù và hiện đang vững vàng trong cuộc chiến đấu mới: Xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Trên tổ hợp “Chào mừng-Liên hợp”, tôi và ba anh em Xô-viết cùng làm việc. Ba đồng chí đã thật sự quan tâm đến tôi, nhất là mỗi lần con tàu bay qua Việt Nam, dù chỉ trong mươi giây, tôi cũng được ưu tiên một ô cửa sổ thuận lợi nhất để quan sát. Tôi càng nghĩ đến quê hương nhiều hơn, khi các đồng chí ấy đặt ra hàng loạt các câu hỏi về Việt Nam: nào là đặc tính của người Việt Nam ra sao, truyền thống gì nổi bật nhất, nơi nào đẹp nhất trên đất nước? Khi trả lời những câu hỏi ấy, thì Tổ Quốc với những con người Việt Nam bình dị lại hiện lên rõ nét trong tôi và tôi lại lần theo năm tháng trở về với kí ức của tuối thơ, của những ngày lao động trên đồng ruộng, của những ngày chiến đấu với kẻ thù để giành lấy cuộc sống thanh bình. Qua ô cửa sổ, sông, núi, rừng lần lượt hiện lên, chúng tôi đâu có phân biệt được gianh giới quốc gia, và thực ra, chúng tôi cũng không để ý đến điều đó. Thậm chí những dấu vết chiến tranh cũng không nhận ra được, mặc dù đội bay của chúng tôi phải nghiên cứu những khoảng rừng bị thuốc độc hoá học của Mỹ huỷ diệt, để cùng các ngành khoa học khác cải tạo nó.
Công việc của chúng tôi là nghiên cức vũ trụ vì mục đích của loài người tiến bộ. Từ tầm caovũ tru, Trái Đất mà chúng ta đang sống thật diệu kì và chúng tôi nghĩ rằng loài người tiến bộ cần phải đấu tranh ngăn chặn nguy cơ chiến tranh để Mặt Đất, bầu trời và khoảng không vũ trụ không bao giờ bị vẩn đục khói đạn bom, để chúng tôi không còn phải nghiên cứu những vùng bị ô nhiễm chất độc ấy.
Trong một phiên liên lạc, phóng viên đài tiếng nói Việt Nam có hỏi tôi: Bay qua đất nước Việt Nam anh muốn chúc gì cho thiếu niên nhi đồng Việt Nam? Tôi trả lời rằng: chúc các em sức khoẻ, phát triển toàn diện―thực hiện theo những ước mơ của tuổi thơ, chúc các em được sống dưới bầu trời hoàbình của Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa và không bao giờ phải nhìn thấy khói lửa bom đạn.
Cho đến nay, tôi vẫn thấy mình thật hạnh phúc, hạnh phúc được sống trên đất nước của Bác Hồ kính yêu, hạnh phúc được sống trong lòng chế độ mới, được sánh vai với những người con của đất nước Lê-nin vĩ đại bay vào vũ trụ―một ước mơ cao cả của đời tôi chỉ được thực hiện trong tình hữu nghị gắn bó giữa các nước cộng đồng xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên-xô vĩ đại. Cho nên, có thể nói rằng chúng tôi bay vào vũ trụ không chỉ bằng sức mạnh của tên lửa nhiều tầng mà còn bằng đôi cánh của tình hữu nghị Việt-Xô vĩ đại mà hai Đảng, hai dân tộc đã dày công vun đắp.
Zarya-PAC
(sưu tầm )
Bình luận