Dù mang tên vị thần sắc đẹp Venus nhưng Sao Kim là hành tinh vô cùng khắc nghiệt.
Cái tên Sao Kim xuất phát từ cách gọi của người Trung Quốc. Trong khi đó, người phương Tây gọi hành tinh này là Venus, xuất phát từ tên La Mã của vị thần sắc đẹp Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp.
Người Việt Nam trước kia gọi đây là Sao Hôm và Sao Mai vì thiên thể này xuất hiện trên bầu trời cả lúc ban ngày lẫn ban đêm. Sao Kim là thiên thể sáng thứ 3 trên bầu trời của chúng ta chỉ sau Mặt Trời và Mặt Trăng (mặt trăng sáng tất nhiên là do được mặt trời chiếu sáng rồi!).
Hình ảnh Sao Kim với màu sắc thực.
Sao Kim là hành tinh gần Mặt Trời thứ 2 sau Sao Thủy và thường được coi là chị em sinh đôi của Trái Đất nhờ sự tương đồng về kích thước và khối lượng. Tuy vậy, trên thực tế hành tinh xanh của chúng ta khác rất xa so với Sao Kim.
Điều kiện tự nhiên tại Sao Kim có thể tóm tắt trong mấy chữ “cực kỳ khắc nghiệt”. Nó chính là hành tinh nóng nhất trong hệ Mặt Trời với nhiệt độ trung bình lên tới 393 độ C.
Bầu khí quyển của Sao Kim cực kỳ đậm đặc và thành phần chính trong đó không phải là dưỡng khí mà là khí cacbon dioxit. Áp suất của bầu khí quyển đó gấp 90 lần áp suất khí quyển trên bề mặt Trái đất, đủ sức bóp nát cả những chiếc xe bọc thép.
Thần Venus (bên trái) trong một bức tranh cổ.
Sở dĩ Sao Kim có nhiệt độ kinh hoàng như vậy là vì nó không thể bức xạ nhiệt ra ngoài không gian. Chính bầu khí quyển đậm đặc thán khí đã tạo nên hiện tượng này. Nó cũng chính là hiệu ứng nhà kính ở mức độ cực đoan và các nhà khoa học rất lo lắng cho tương lai của Trái Đất nếu con người tiếp tục thải ra các thán khí độc hại.
Sao Kim rực sáng trên bầu trời.
Vì có quá nhiều chất hóa học nặng trong khí quyển nên Sao Kim bị phủ kín bởi các lớp mây dày đặc. Mây trên hành tinh này không chứa nước mà chứa các hạt axit nhỏ li ti. Lớp mây này phản xạ lại đa số ánh sáng Mặt Trời và tạo nên độ sáng mạnh mẽ cho Sao Kim.
Gió trên khí quyển của hành tinh này cũng rất mạnh, có thể đạt tới 350km/h. Tại bề mặt Sao Kim, gió chỉ dừng lại ở mức rất nhẹ nhưng vẫn đủ sức bào mòn mọi thứ nhờ lượng axit cao. Chính vì thế, các máy móc của con người bay tới Sao Kim thường bị hỏng rất nhanh.
Lớp mây dày đặc trên khí quyển Sao Kim.
Bề mặt của Sao Kim rất bằng phẳng vì mọi thứ đều bị các cơn gió đầy axit bào mòn. Ngoài ra, áp suất cực cao của khí quyển cũng “đè” mọi vật xuống, ngay cả các hố tạo bởi thiên thạch cũng không thể quá to trong điều kiện như vậy.
Một năm trên Sao Kim dài bằng 225 ngày Trái Đất vì nó mất chừng đó thời gian để quay 1 vòng quanh Mặt Trời. Tuy vậy tốc độ tự quay quanh mình của Sao Kim lại rất chậm, lên tới 243 ngày Trái Đất cho một vòng. Vì thế, một ngày trên Sao Kim dài hơn 1 năm và nếu chọn đúng thời điểm, một người ở Sao Kim có thể ăn 2 sinh nhật trong cùng một ngày.
Ảnh bề mặt Sao Kim chụp bằng radar.
Loài người đã từng tìm nhiều cách để thám hiểm Sao Kim. Tính từ năm 1961, hai cường quốc Liên Xô (Nga ngày nay) và Mỹ đã phóng hơn 30 tàu lên hành tinh này. Đa số các phi vụ đều thất bại do trình độ kỹ thuật còn kém và điều kiện quá khắc nghiệt của Sao Kim.
Tuy nhiên hiện giờ chúng ta cũng đã thành công trong việc phóng tàu đổ bộ lên Sao Kim cũng như cho phi thuyền bay quanh hành tinh này để lập bản đồ.
Theo Kenh14
Bình luận