Năm 1887, khi Sao Hỏa và Trái Đất ở gần nhau, nhà thiên văn Italia Giovanni Schiaparelli đã sử dụng kính viễn vọng đường kính 22 cm để quan sát và vẽ bản đồ hành tinh đỏ. Trong bản đồ của mình, Schiaparelli đã gọi những đường thẳng, dài là canali và đặt cho chúng tên của các dòng sông nổi tiếng trên thế giới. Khi dịch sang tiếng Anh, canali đã được dịch là canal, nghĩa là các kênh đào. Tuy nhiên đại đa số các nhà thiên văn cùng thời đều không nhận ra các kênh đào trên Sao Hỏa.

Sự ngộ nhận của thị giác: Kênh đào trên Sao Hỏa và Người Sao Hỏa - Karte Mars Schiaparelli MKL1888 / Thiên văn học Đà Nẵng
Ảnh: Bản đồ Sao Hỏa do Shiaparelli vẽ

Năm 1894, nhà thiên văn Hoa Kỳ Percival Lowell đã quan sát Sao Hỏa bằng các kính thiên văn 12 và 18 inch. Ông cũng công bố phát hiện ra các kênh đào. Hơn nữa, ông đã viết hai quyển sách: “Sao Hỏa và các sông đào của nó” và “Sao Hỏa, nơi cư trú của sự sống” vào những năm 1906, 1908. Một số nhà thiên văn khác như Perrotin và Thollon ở Nice với một trong những chiếc kính thiên văn lớn nhất thời bấy giờ, cũng công bố sự phát hiện ra các kênh đào.

Có một hiện tượng xảy ra trong giai đoạn đầu của thế kỷ XX, đó là càng sử dụng các kính thiên văn có độ phân giải cao, số lượng các kênh đào được phát hiện càng ít đi. Năm 1909, nhà thiên văn Flammarion sử dụng kính viễn vọng 33 inch đã không phát hiện ra một kênh đào nào cả. Năm 1911, nhà thiên văn Hoa Kỳ Edward Emerson Barnard sử dụng kính viễn vọng lớn nhất thế giới (vào thời điểm đó), quan sát Sao Hỏa trong suốt 1 tháng trời và cũng thu được kết quả tương tự: không phát hiện thấy các kênh đào. Barnard cho rằng các kênh đào trên Sao Hỏa là một sản phẩm của sự ngộ nhận thị giác. Khi người cố chăm chú nhìn vào một vật thể khó thấy rõ, thì thường hay nhận nhầm nhiều điểm tối rải rác, lung tung dính liền lại thành từng đường thẳng một.

Câu trả lời KHÔNG cho việc xuất hiện các kênh đào trên Sao Hỏa chỉ thực sự kết thúc vào những năm 1960, khi mà các tàu thăm dò Mariner 6 và Mariner 7 tiếp cận và chụp được những bức ảnh chi tiết về bề mặt Sao Hỏa. Những kênh đào trên Sao Hỏa mà Schiaparelli, Lowell, … quan sát được qua kính thiên văn chỉ là những dãy núi hình vòng xếp một cách ngẫu nhiên thành tuyến.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, một số nhà thiên văn nhìn thấy các kênh đào, một số khác lại không, điều này có lẽ phụ thuộc vào độ phân giải của kính viễn vọng. Các kính thiên văn nhỏ hơn kính của Schiaparelli, của Percival Lowell, … không thể phát hiện được các dãy núi dưới dạng các chấm, do đó, sự ngộ nhận thị giác đã không diễn ra. Còn với các kính lớn hơn (của Flammarion, của Barnard), chi tiết bề mặt của Sao Hỏa được phát hiện rõ hơn, và do đó cũng không có sự ngộ nhận thị giác.

Tuy nhiên, ý tưởng về một nền văn minh khác trên Sao Hỏa đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều các tiểu thuyết, các tác phẩm điện ảnh trong giai đoạn đầu và giữa thế kỷ XX. Trong đó, kịch bản thường gặp nhất là sự tấn công Trái Đất của những người Sao Hỏa có nền văn minh cao hơn hẳn chúng ta. Tuy nhiên, đó hoàn toàn là các tác phẩm viễn tưởng.

Sự ngộ nhận của thị giác: Kênh đào trên Sao Hỏa và Người Sao Hỏa - War of the worlds tripod / Thiên văn học Đà Nẵng
Ảnh trong tác phẩm: The war of the Worlds (cuộc chiến giữa các thế giới) của H.G.Wells, xuất bản năm 1906

Trần Tuấn Tú
HAAC

Content Protection by DMCA.com