Từ “albedo” mang nghĩa là suất phản chiếu, chỉ độ phản chiếu của một vật khi có ánh sáng rọi vào. Một địa hình albedo là một khu vực rộng lớn trên bề mặt một hành tinh (hay các thiên thể khác trong Hệ Mặt Trời) mà ở đó có độ sáng khác so với khu vực lân cận.
Trước đây, địa hình albedo là đặc tính đầu tiên (và được sử dụng duy nhất) để quan sát và đặt tên các khu vực trên bề mặt Sao Thủy và Sao Hỏa. Các bản đồ cổ điển (như bản đồ của Schiaparelli và Antoniadi) chỉ thể hiện địa hình albedo, cho mãi đến khi có các tàu thăm dò thì các đặc tính bề mặt khác như các miệng hố thiên thạch mới được nhìn thấy.
Đối với các thiên thể có lớp không khí dày như Sao Kim hoặc vệ tinh Titan của Sao Mộc thì kính thiên văn quang học không thể cho thấy địa hình albedo được vì bề mặt của các thiên thể này đã bị che khuất, và vì vậy chỉ có lớp không khí và các hiện tượng khí quyển là có thể quan sát được.
Địa hình albedo đầu tiên được nhìn thấy ở hành tinh khác là Syrtis Major ở Sao Hỏa vào thế kỷ 17.
Hiện nay, nhờ vào các tàu thăm dò mà chúng ta đã có các tấm hình chất lượng cực cao về bề mặt của Sao Thủy và Sao Hỏa, vì vậy người ta không dùng địa hình albedo để nghiên cứu nữa. Tuy nhiên, các nhà thiên văn nghiệp dư vẫn dựa vào chúng để quan sát Sao Hỏa.
Đối với các thiên thể rất xa như Sao Diêm Vương hoặc Ceres mà chưa có tàu thăm dò nào tiến lại gần chúng thì các tấm ảnh hiện có vẫn chỉ thể hiện các địa hình albedo. Các tấm ảnh này thường được chụp bởi kính thiên văn vũ trụ Hubble hoặc các đài thiên văn mặt đất có sử dụng kính quang học thích ứng (adaptive optic).
Một trong những ví dụ về đặc tính phản chiếu là Cydonia Mensae của Sao Hỏa.
Đây là tấm hình của Cydonia Mensae do tàu Viking 1 chụp và được NASA/JPL công bố này 25/6/1976. Hướng bắc là hướng phía trên, bên phải tấm hình. Ở đây, ta có thể thấy rõ “khuôn mặt trên Sao Hỏa” cực kỳ nổi tiếng đã làm điên đảo thế giới một thời.
Syrtis Major trên Sao Hỏa.
Trịnh Khắc Duy – PAC
Bình luận