Những cách quan sát đặc biệt với kính thiên văn

Quan sát mặt trời bằng kính thiên văn
:

Mặt trời là một đối tượng có thể xem là đặc biệt đối với người nghiêng cứu thiên văn. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng các nhà thiên văn đều nghiêng cứu và làm việc trong môi trường tránh xa ánh sáng, tránh xa đô thị. Thế nhưng ta nên nhớ mặt trời sáng rực ban ngày cũng là một thiên thể, cũng là một đối tượng của thiên văn học. Dĩ nhiên người ta không thể nghiên cứu và quan sát mặt trời một cách trực tiếp vì ánh sáng cực mạnh của nó, thay vào đó người ta dùng nhiều cách gián tiếp. Kính thiên văn cũng không ngoại lệ, có rất nhiều cách gián tiếp để quan sát mặt trời:

– Dùng kính lọc: (Tham khảo phần các phụ kiện cho kính thiên văn)
– Dùng phương pháp màn hứng ảnh: Đây là phương pháp gián tiếp thường được những người quan sát nghiệp dư sử dụng. Ưu điểm của phương pháp này là bạn không cần có kính lọc cho kính thiên văn của bạn, dụng cụ cần thiết duy nhất ngoài kính thiên văn là … một tờ giấy trắng, một cái kính râm và một chút cẩn thận.

Cách tiến hành:
1. Chọn thời điểm quan sát: Lúc thời tiết tốt, quang đãng có thể thấy được mặt trời rõ. Tốt nhất nên bắt đầu lúc sáng sớm 6 – 8h hoặc chiều 16 – 18h. Sở dĩ ta chọn như thế vì thời điểm này ánh nắng mặt trời khá nhẹ, các tia độc hại từ mặt trời bị lớp khí quyển dầy đặc cản bớt do đó bảo đảm cho sức khoẻ của bạn và an toàn cho thiết bị quan sát.

2. Tháo bỏ kính định vị (finderscope), khi quan sát mặt trời ta sẽ định vị kính bằng cách khác, tuyệt đối không được nhìn trực tiếp vào mặt trời, với kính định vị càng không nên.

3. Cố định kính ở một nơi thuận lợi,di chuyển kính hướng về phía mặt trời, mắt nhìn vào cái bóng của ống kính in trên mặt đất. Đến một vị trí nào đó bóng của ống kính nhỏ nhất thì thì lúc đó kính của bạn đang được hướng trực tiếp về phía mặt trời rồi đấy.

4. Cầm tờ giấy trắng đặt trước thị kính, cách thị kính từ 20 – 30 cm, trục thị kính vuông góc với tờ giấy. Lúc này ta sẽ thấy một hình tròn sáng rực in trên tờ giấy nhưng mép hình tròn khá mờ ,hình tròn này chính là ảnh của mặt trời đấy.

5. Dùng tay còn lại xoay vòng tiêu cự để lấy nét lại ảnh mặt trời, chú ý mép của hình tròn, đến khi mép này trở nên “sắc” nhất thì lúc đó ảnh mặt trời đã được chỉnh đúng tiêu cự. Lúc này bạn có thể quan sát mặt trời rồi đấy, tuỳ theo ngày mà ta có thể quan sát được những điểm đen của mặt trời (những chấm nhỏ màu đen nằm trong vòng ánh sáng trên tờ giấy). Nếu bạn không thấy được bất cứ điểm đen nào, đừng vội thất vọng, hãy thử lại vào một ngày khác.

Đôi điều về cách sử dụng kính thiên văn - Phần cuối - / Thiên văn học Đà Nẵng
Nhìn mặt trời gián tiếp bằng phương pháp dùng màn hứng

Lưu ý: – Không nên quan sát quá lâu vì nhiệt độ thị kính có thể tăng lên rất cao gây chảy mép nhựa của thị kính. Đồng thời nhiệt độ lớn sẽ ảnh hưởng không tốt đến vật kính. – Không nên để tờ giấy quá gần thị kính sẽ tạo độ hội tụ cao gây bắt lửa tờ giấy rất nguy hiểm.
Mẹo nhỏ:
– Nếu cảm thấy quá chói mắt bởi vòng ánh sáng, bạn hãy đeo một cái kính râm để đỡ chói. – Bạn có thể chủ động che bớt vật kính lại để giảm lượng ánh sáng không mong muốn.

Đôi điều về cách sử dụng kính thiên văn - Phần cuối - Giaohoi / Thiên văn học Đà Nẵng
Ảnh mặt trời in trên màn hứng vào lúc Sao Thủy đi qua Mặt trời


Cách giảm chói khi quan sát mặt trăng:
Mặt trăng là một đối tượng cơ bản nhất của kính thiên văn, Tuy cơ bản nhưng khi quan sát cũng nảy sinh những vấn đề rắc rối không mong đợi. Nếu ta quan sát vào đầu hoặc cuối tuần trăng thì không vấn đề gì, nhưng nếu quan sát lúc trăng rằm thì vấn đề xuất hiện. Đó chính là sự chói do ánh sáng quá mạnh của mặt trăng khiến bạn không thể nào quan sát được lâu vì sẽ “hoa cả mắt”. Vậy làm sao để giảm chói? Ta có 3 cách để lựa chọn: – Dùng kính lọc mặt trăng (Moon filter): Ưu đểm của cách này là kính lọc này sẽ giảm bớt lượng ánh sáng mà vẫn giữ được độ nét của hình ảnh. Nhược điểm là phải tốn chi phí cho việc mua kính lọc. – Che bớt ánh sáng: Ta có thể chủ động che bớt ánh sáng đi vào vật kính để giảm chói bằng cách che vật kính bằng một tờ giấy khoét lỗ, đôi khi nắp đậy vật kính cũng được thiết kế giúp ta dễ dàng che bớt ánh sáng khi quan sát. Ưu điểm của cách này là không tốn kém nhưng hình ảnh thu được sẽ bị giảm độ nét, gây ảnh hưởng lớn khi dùng bội giác cao. – Tự làm kính lọc cho thị kính: Cách này nhiều ưu điểm nhất, giúp bạn không phải tốn kém mà vẫn thu được hình ảnh có chất lượng tốt. Rất đơn giản, bạn hãy tìm một cặp kính râm bằng nhựa (tốt nhất là kính đen) đã bỏ đi, cắt lấy một hình tròn bằng với đường kính thị kính. Vậy là bạn đã sở hữu một kính lọc thị kính rồi đấy, bạn chỉ việc đặt nó vào thị kính rồi quan sát bình thường.

 

(Hết)
Nguyễn Đình Đôn HAAC

Phần 1Phần 2Phần 3 – Phần 4Phần cuối

Content Protection by DMCA.com