Danh sách các trận mưa sao băng lớn đã không thay đổi nhiều trong những thập kỷ gần đây. Mưa sao băng là một phần của tự nhiên, và như tất cả những thứ khác trong tự nhiên, một trận mưa sao băng có thể trở nên hấp dẫn hơn hoặc tần suất sao băng giảm đi sau mỗi năm.
Nhưng năm 2014, một trận mưa sao băng thú vị mới có thể xuất hiện. Trận mưa sao băng này xuất phát từ một sao chổi – Sao chổi 209P/LINEAR – được phát hiện năm 2004. Sao chổi 209P/LINEAR tiến đến gần Mặt Trời năm 2009 và sẽ quay trở lại lần nữa vào đầu tháng Năm, 2014. Vào đêm ngày 23-24 tháng Năm, 2014 – nếu dự đoán là chính xác – Trái Đất sẽ hứng nhiều tàn dư để lại của sao chổi này, và kết quả là sẽ xuất hiện nhiều sao băng sáng. Các vĩ tuyến ở khu vực giữa Bắc Bán Cầu sẽ là tâm điểm.
Sao chổi 209P/LINEAR sẽ tạo nên một trận mưa sao băng lớn trong năm 2014? - 1 / Thiên văn học Đà Nẵng
Mưa sao băng Persids. Ảnh: Chris Williams, nationalgeographic.com
Sao chổi 209P/LINEAR
Một chiến dịch quan sát tự động, dự án nghiên cứu tiểu hành tinh gần Trái Đất Lincoln (Lincoln Near-Earth Asteroid Research project – LINEAR), tìm thấy sao chổi nhỏ và mờ này ngày 03 tháng Hai, 2004. Hiệp hội Thiên văn học Quốc tế (IAU) đã đặt tên cho nó là 209P vào ngày 12/12/2008.
P209/LINEAR là một sao chổi định kỳ, có nghĩa là, quỹ đạo của nó xung quanh mặt trời tương đối ngắn để chúng ta có thể nhìn thấy nó tiến đến gần mặt trời thêm nhiều lần nữa. Quỹ đạo của sao chổi 209P/LINEAR mang nó đến gần Mặt Trời sau mỗi chu kỳ hơn 5 năm. Lần đi qua cận điểm tiếp theo là ngày 6 tháng Năm, 2014.
Bản thân sao chổi này thật ra chẳng có gì đặc biệt. Nhưng điều thú vị là các tính toán về quỹ đạo của P209/LINEAR chỉ ra rằng – trong tháng Năm, 2014 – dải tàn dư sao chổi này để lại sẽ rất gần với Trái Đất. Tàn dư để lại đằng sau sao chổi có thể đi vào bầu khí quyển và đốt cháy, tạo thành trận mưa sao băng mới.
Sao chổi 209P/LINEAR sẽ tạo nên một trận mưa sao băng lớn trong năm 2014? - 2 / Thiên văn học Đà Nẵng
Sao chổi 209P/LINEAR ngày 25/04/2009, chụp bởi Michael Jager (Áo). Nguồn: EarthSky.
Sao chổi 209P/LINEAR sẽ tạo nên một cơn bão sao băng?
Năm 2012, các chuyên gia về thiên thạch gồm Esko Lyytinen (Phần Lan) và Peter Jenniskens (NASA Ames Research Center) là những người đầu tiên đưa ra thông báo rằng Trái Đất sẽ hứng tàn dư để lại của sao chổi 209P/LINEAR. Các chuyên gia thiên thạch khác đã nhanh chóng xác nhận dự đoán này và một số đã sử dụng thuật ngữ “bão sao băng”. Tuy nhiên các tính toán gần đây nhất lại cho thấy chúng ta chỉ có một trận mưa sao băng lớn, nhưng có lẽ không phải là một cơn bão sao băng.
Trong năm 2012, Jeremie Vaubaillon đến từ Viện Nghiên cứu Cơ học Thiên thể và Tính toán lịch thiên văn (Pháp) nói với Space.com rằng:
“Với các quan sát cho đến nay, chúng tôi đã ước lượng được tần suất cực đỉnh của trận mưa sao băng này vào khoảng từ 100 sao băng/giờ cho đến 400 sao băng/giờ, và đó sẽ là một trận mưa sao băng tuyệt vời. Nhưng trận mưa sao băng này có thể là một ngoại lệ. Với quỹ đạo hiện tại của sao chổi, tất cả phần tàn dư được đẩy ra từ 1803 và 1924 đều rơi vào đường đi của Trái Đất trong tháng Năm, 2014. Kết quả là, trận mưa sao băng này cũng có thể là một cơn bão sao băng!”
Sao chổi 209P/LINEAR sẽ tạo nên một trận mưa sao băng lớn trong năm 2014? - 3 / Thiên văn học Đà Nẵng
Sao chổi 209P/LINEAR sẽ đến vị trí gần Mặt Trời nhất đầu tháng Năm. Hai tuần sau đó, các tàn dư để lại trên quỹ đạo của nó có thể rơi vào bầu khí quyển Trái Đất, tạo nên một trận mưa sao băng. Ảnh: JPL.
Các tính toán ít lạc quan hơn gần đây đến từ Quanzhi Ye và Paul A. Wiegert, trường Đại học Western Ontario. Nghiên cứu của họ đã công bố trên mạng tháng 11, 2013. Trong một báo cáo trên trang skyandtelescope.com, John Bochanski viết rằng nghiên cứu của Ye và Wiegert cho thấy trận mưa sao băng này sẽ có tần suất 200 sao băng một giờ trong điều kiện lý tưởng:
“Nhưng Ye và Wiegert cảnh báo: do hiện nay sao chổi sản sinh lượng bụi rất yếu, cho nên tần suất có thể thấp hơn nhiều. Với lượng bụi không nhiều này, cũng như ước tính thấp hơn của nhóm về lượng tàn dư từ lần tiếp cận trước đây của sao chổi trong vùng không gian này, thì dường như chúng ta sẽ không có một cơn bão sao băng (1000 sao băng/giờ).”
Liệu sao chổi 209P/LINEAR có tạo nên một cơn bão sao băng, hoặc ít nhất là một trận mưa sao băng lớn? Giống như tất cả các trận mưa sao băng khác, cách duy nhất để biết là hãy đi ra ngoài trong đêm cực đỉnh và tự mình quan sát.
Sao chổi 209P/LINEAR sẽ tạo nên một trận mưa sao băng lớn trong năm 2014? - 4 / Thiên văn học Đà Nẵng
Khu vực cao điểm sẽ hứng tàn dư của sao chổi để lại đêm 24/05/2014. Miền nam Canada và Mỹ được cho là vị trí tốt nhất để xem mưa sao băng. Ảnh: Mikhail Maslov (Nga).
Sao chổi 209P/LINEAR sẽ tạo nên một trận mưa sao băng lớn trong năm 2014? - 5 / Thiên văn học Đà Nẵng
Chòm sao Hươu Cao Cổ nằm ở bán cầu Bắc, gần với thiên cực bắc, là tâm điểm của trận mưa sao băng tạo nên bởi sao chổi 209P/LINEAR. Ảnh: Wikipedia.
 
Thời gian và địa điểm quan sát tốt nhất
Đêm cực đỉnh của trận mưa sao băng được dự đoán vào ngày 23-24 tháng Năm, 2014.
Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Camelopardalis (Hươu Cao Cổ), một chòm sao phương Bắc rất ít người biết. Tên của chòm sao này có nguồn gốc từ thời La Mã, nơi mà nó được coi là một sinh vật tổng hợp, được mô tả là có đặc điểm của cả một con lạc đà (Camel) và một con báo (Leopard). Ngày nay chúng ta gọi đơn giản là Hươu cao cổ (Giraffe)!
Chòm sao này – tâm điểm của trận mưa sao băng – nằm ở bầu trời phía Bắc, gần với thiên cực bắc, khiến cho việc quan sát thuận lợi hơn đối với cư dân bán cầu Bắc so với bán cầu Nam.
Đối với thời gian dự kiến của trận mưa sao băng, miền nam Canada và Mỹ được cho là vị trí tốt nhất để xem mưa sao băng vào đêm 23-24 tháng Năm, 2014.
Nói tóm lại: Vào tối ngày 23 – 24 tháng Năm, 2014 – nếu dự đoán là chính xác – Trái Đất có thể hứng nhiều tàn dư để lại từ sao chổi 209P/LINEAR, kết quả có thể là xuất hiện một trận mưa sao băng lớn. Liệu nó có thể là một cơn bão sao băng? Các tính toán gần đây cho rằng không thể, nhưng nó có thể là một trận mưa sao băng đủ lớn đến mức ly kỳ.
Phan Thanh Hiền – DAC.
Dịch từ EarthSky.com
Content Protection by DMCA.com