Lịch thiên văn về những sự kiện thiên thể này được chú thích thời gian rõ ràng, bao gồm các pha của Mặt trăng, mưa sao băng, thiên thực, vị trí đối lập, giao hội và một số sự kiện thú vị khác. Thời gian trong lịch được tính theo giờ UTC, chúng ta cần phải quy đổi ra giờ địa phương để sử dụng tiện lợi hơn. Hầu hết các sự kiện được liệt kê dưới đây đều có thể nhìn thấy bằng mắt thường, tuy nhiên có một số đòi hỏi ta một chiếc ống nhòm để quan sát tốt nhất và chúng được phân loại bởi những biểu tượng sau
Ngày 2, 3 tháng 1 – Mưa sao băng Quadrantids. Quadrantids là một trận mưa sao băng trung bình với tần suất lên đến 40 vệt/giờ lúc cực đại. Diễn ra khoảng từ ngày 1/1 đến ngày 5/1 hàng năm khi quỹ đạo Trái Đất quét qua vùng đá bụi do tiểu hành tinh 2003 EH1 để lại. Để quan sát được tốt nhất ta nên chọn một nơi tối sau nửa đêm, nhìn bao quát lên bầu trời bởi vì tuy tâm điểm là chòm sao Mục Phu (Bootes) nhưng sao băng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời!
Ngày 11 tháng 1 – Tuần trăng non.
Ngày 27 tháng 1 – Tuần trăng tròn.
Ngày 10 tháng 2 – Tuần trăng non. Đây là thời gian tốt nhất của tháng để quan sát các đối tượng mờ nhạt như các thiên hà và các cụm sao vì không có ánh trăng can thiệp.
Ngày 16 tháng 2 – Thủy tinh ở điểm ly giác Đông cực đại. Hành tinh này sẽ đạt điểm mà tại đó góc của nó xa nhất từ Mặt trời. Lúc này, sao Thủy ở điểm cao nhất trên bầu trời đêm mà nó đạt được sau khi Mặt trời lặn tạo một thời gian thuận lợi nhất để quan sát kể từ khi nó vẫn quá gần Mặt trời và thường không lên quá cao so với đường chân trời.
Ngày 18 tháng 2 – Giao hội Mặt trăng và Mộc tinh. Mặt trăng sẽ vượt qua hành tinh khổng lồ này với khoảng cách nhỏ hơn 1 độ trên bầu trời đêm khoảng 7 giờ sau khi Mặt trời lặn (theo giờ UTC).
Ngày 25 tháng 2 – Tuần trăng tròn.
Ngày 10 tháng 3 – Sao chổi PANSTARRS (C/2011 L4) tiếp cận gần Mặt trời nhất. PANSTARRS sẽ được nhìn thấy trên bầu trời vào một buổi sáng sớm đầu tháng hai ở Nam bán cầu và tăng dần độ sáng cho đến khi “chạm trán” với Mặt trời vào ngày 10/3. Đến thời điểm này, ta sẽ nhìn thấy nó trên bầu trời đêm ở bán cầu Bắc sau khi mặt trời lặn cho đến hết tháng 3 và vào khoảng đầu tháng 4.
Ngày 11 tháng 3 – Tuần trăng non. Đây là thời gian tốt nhất của tháng để quan sát các đối tượng mờ nhạt như các thiên hà và các cụm sao vì không có ánh trăng can thiệp.
Ngày 17 tháng 3 – Giao hội Mặt trăng và Mộc tinh. Mặt trăng sẽ vượt qua hành tinh khổng lồ này với khoảng cách 1,5 độ trên bầu trời đêm khoảng 5 giờ sau khi Mặt trời lặn (theo giờ UTC).
Ngày 20 tháng 3 – Ngày Xuân Phân. Điểm phân tháng ba sẽ diễn ra vào 11:02 UTC, Mặt trời sẽ chiếu thẳng vào đường xích đạo và ngày-đêm sẽ dài bằng nhau trên khắp thế giới. Đây cũng là ngày đầu tiên của mùa xuân ở Bắc bán cầu và ngày đầu tiên của mùa thu ở bán cầu Nam.
Ngày 27 tháng 3 – Tuần trăng tròn.
Ngày 10 tháng 4 – Tuần trăng non. Đây là thời gian tốt nhất của tháng để quan sát các đối tượng mờ nhạt như các thiên hà và các cụm sao vì không có ánh trăng can thiệp.
Ngày 14 tháng 4 – Giao hội Mặt trăng và Mộc tinh. Mặt trăng sẽ vượt qua hành tinh khổng lồ này với khoảng cách 2 độ trên bầu trời đêm khoảng 3 giờ sau khi Mặt trời lặn (theo giờ UTC).
Ngày 20 tháng 4 – Ngày Thiên Văn (lần 1 của năm). Đây là một sự kiện hàng năm nhằm mục đích cung cấp một phương tiện tương tác giữa công chúng và những người yêu thiên văn học, các câu lạc bộ và chuyên gia khác nhau. Không những thế, Ngày Thiên Văn còn góp phần tạo nên Tuần Lễ Thiên Văn trên toàn thế giới – bắt đầu vào ngày thứ hai trước đó.
Ngày 21, 22 tháng 4 – Mưa sao băng Lyrids. Lyrids là một trận mưa sao băng trung bình với khoảng 20 vệt/giờ lúc đỉnh điểm. Cực đại sẽ vào đêm 21 và rạng sáng ngày 22 (theo giờ UTC) nhưng ta có thể nhìn thấy nó bất kể đêm – rạng sáng nào từ ngày 16/4 đến ngày 25/4 hàng năm khi quỹ đạo Trái Đất quét qua vùng đá bụi do sao chổi C/1861 G1 Thatcher để lại phía sau. Những sao băng này đôi khi sẽ kéo thành một vệt sáng dài đến vài giây. Tuy nhiên, Trăng gần tròn sẽ là hạn chế của năm nay, nó làm lu mờ đi những sao băng sáng. Tốt nhất ta nên chọn một nơi tối sau nửa đêm, nhìn bao quát bầu trời, sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Thiên Cầm (Lyra) nhưng có thể xuất hiện bất cứ đâu trên bầu trời đêm.
Ngày 25 tháng 4 – Nguyệt thực một phần. Lần nguyệt thực này sẽ quan sát được ở Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và Úc. (NASA Map and Eclipse Information)
Ngày 28 tháng 4 – Thổ tinh tại vị trí đối lập lớn nhất. Sao Thổ sẽ được Mặt Trời chiếu sáng và đây là cơ hội tốt nhất để quan sát và chụp ảnh hành tinh này cùng các vệ tinh của nó.
Ngày 4, 5 tháng 5 – Mưa sao băng Eta Aquarids. Eta Aquarids là một trận mưa sao băng trung bình, có khả năng lên đến 60 vệt/giờ ở Nam bán cầu khi cực đại, còn đối với bán cầu Bắc sẽ có khoảng 30 sao băng mỗi giờ. Cực đại sẽ vào đêm 4 và rạng sáng ngày 5 (theo giờ UTC) nhưng ta có thể nhìn thấy nó bất kể đêm – rạng sáng nào từ 19/4 đến ngày 28/5 khi quỹ đạo Trái Đất quét qua vùng đá bụi do sao chổi Halley để lại phía sau. Trăng lưỡi liềm sẽ không ảnh hưởng nhiều vì thế hãy tránh xa ánh đèn thành phố và nhìn bao quát về phía chòm sao Bảo Bình (Aquarius) để chiêm ngưỡng trận mưa sao băng này nhé!
Ngày 10 tháng 5 – Nhật thực vành khuyên. Lần này, nhật thực vành khuyên sẽ bắt đầu ở phía Tây nước Úc và di chuyển dần về phía Đông qua trung tâm Thái Bình Dương. (NASA Map and Eclipse Information)
Ngày 25 tháng 5 – Nguyệt thực nửa tối. Hiện tượng này sẽ được nhìn thấy hầu hết ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Tây Âu và Tây Phi. (NASA Map and Eclipse Information)
Ngày 28 tháng 5 – Giao hội Kim tinh và Mộc tinh. Hai hành tinh sáng rực này sẽ di chuyển gần nhau với khoảng cách 1 độ trên bầu trời đêm. Thủy tinh cũng có mặt ở gần đó, hãy nhìn về phía Tây sau khi hoàng hôn.
Ngày 8 tháng 6 – Tuần trăng non. Đây là thời gian tốt nhất của tháng để quan sát các đối tượng mờ nhạt như các thiên hà và các cụm sao vì không có ánh trăng can thiệp.
Ngày 12 tháng 6 – Thủy tinh ở điểm ly giác Đông cực đại. Hành tinh này sẽ đạt điểm mà tại đó góc của nó xa nhất từ Mặt trời. Lúc này, sao Thủy ở điểm cao nhất trên bầu trời đêm mà nó đạt được sau khi Mặt trời lặn tạo một thời gian thuận lợi nhất để quan sát kể từ khi nó vẫn quá gần Mặt trời và thường không lên quá cao so với đường chân trời.
Ngày 21 tháng 6 – Ngày Hạ Chí. Ngày Hạ Chí sẽ xảy ra vào lúc 05:04 UTC, cực Bắc của Trái Đất sẽ nghiêng về phía Mặt trời. Đây cũng là ngày đầu tiên của mùa hè ở Bắc bán cầu và ngày đầu tiên của mùa đông ở bán cầu Nam.
Ngày 23 tháng 6 – Tuần trăng tròn.
Ngày 8 tháng 7 – Tuần trăng non. Đây là thời gian tốt nhất của tháng để quan sát các đối tượng mờ nhạt như các thiên hà và các cụm sao vì không có ánh trăng can thiệp.
Ngày 22 tháng 7 – Tuần trăng tròn.
Ngày 27, 28 tháng 7 – Mưa sao băng Delta Aquarids. Delta Aquarids là một trận mưa sao băng trung bình, sẽ đạt khoảng 20 vệt/giờ khi cực đại. Cực điểm sẽ vào đêm 27 và rạng sáng ngày 28 tháng 7 (theo giờ UTC) nhưng ta có thể nhìn thấy nó bất kể đêm – rạng sáng nào từ ngày 12/7 đến ngày 23/8 khi quỹ đạo Trái Đất quét qua vùng đá bụi do sao chổi Marsden và Kracht để lại phía sau. Trăng lưỡi liềm sẽ không ảnh hưởng nhiều vì thế hãy tránh xa ánh đèn thành phố, tốt nhất ta nên chọn một nơi thật tối sau nửa đêm, nhìn bao quát bầu trời vì sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Bảo Bình (Aquarius) nhưng có thể xuất hiện bất cứ đâu trên bầu trời đêm!
Ngày 6 tháng 8 – Tuần trăng non.
Ngày 11, 12 tháng 8 – Mưa sao băng Perseids. Perseids là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất để quan sát, số lượng có thể lên đến khoảng 60 vệt/giờ lúc đỉnh điểm. Cực đại sẽ vào đêm 11 và rạng sáng ngày 12 tháng 8 nhưng ta có thể nhìn thấy được nó vào bất kì đêm – rạng sáng nào kể từ ngày 17/7 đến 24/8 khi quỹ đạo Trái Đất quét qua vùng đá bụi do sao chổi 109 P/ Swift-Tuttle (S-T) (được phát hiện năm 1862) để lại phía sau. Mưa sao băng Perseids luôn là một trận mưa sao băng rất đáng chú ý trong năm, bởi đây là trận mưa sao luôn xuất hiện với rất nhiều sao băng rất sáng (còn gọi là fireballs) so với nhiều trận mưa sao băng khác. Gần đến kì trăng non nên bầu trời sẽ tối sau nửa đêm, đem lại điều kiện tuyệt vời để quan sát vì vậy hãy nhìn về phía chòm sao Anh Tiên (Perseus) để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó nhé!
Ngày 21 tháng 8 – Tuần trăng tròn.
Ngày 27 tháng 8 – Hải Vương tinh ở vị trí đối lập lớn nhất. Hành tinh khổng lồ màu xanh này sẽ tiến đến điểm cực cận đối với Trái đất trên bầu trời, do khoảng cách vẫn còn quá xa nên nó chỉ sẽ xuất hiện như là một chấm xanh nhỏ trong tất cả các kính thiên văn mạnh nhất.
Ngày 5 tháng 9 – Tuần trăng non. Đây là thời gian tốt nhất của tháng để quan sát các đối tượng mờ nhạt như các thiên hà và các cụm sao vì không có ánh trăng can thiệp.
Ngày 8 tháng 9 – Giao hội Mặt trăng, Kim tinh và Thổ tinh. Sau khi Mặt trời lặn, cả ba thiên thể này sẽ tạo cho những người yêu bầu trời một khung cảnh thật ngoạn mục!
Ngày 19 tháng 9 – Tuần trăng tròn.
Ngày 22 tháng 9 – Ngày Thu Phân. Điểm phân tháng chín sẽ xảy ra vào 20:44 UTC, Mặt Trời sẽ chiếu thẳng vào đường xích đạo và ngày-đêm sẽ dài bằng nhau trên khắp thế giới. Đây cũng là ngày đầu tiên của mùa thu ở Bắc bán cầu và ngày đầu tiên của mùa xuân ở bán cầu Nam.
Ngày 3 tháng 10 – Thiên Vương tinh ở vị trí đối lập lớn nhất. Hành tinh lam-lục này sẽ tiến đến điểm cực cận đối với Trái đất trên bầu trời, do khoảng cách quá xa nên nó chỉ sẽ xuất hiện như là một chấm màu lam và lục nhỏ trong tất cả các kính thiên văn mạnh nhất.
Ngày 5 tháng 10 – Tuần trăng non. Đây là thời gian tốt nhất của tháng để quan sát các đối tượng mờ nhạt như các thiên hà và các cụm sao vì không có ánh trăng can thiệp.
Ngày 7, 8 tháng 10 – Mưa sao băng Draconids. Draconids là một trận mưa sao băng nhỏ, chỉ có khoảng 10 vệt/giờ khi cực đại. Cực điểm sẽ vào đêm 7 và rạng sáng ngày 8 tháng 10 (theo giờ UTC) nhưng ta có thể nhìn thấy nó bất kể đêm – rạng sáng nào từ ngày 6/10 đến ngày 10/10 hàng năm khi quỹ đạo Trái Đất quét qua vùng đá bụi do sao chổi 21P Giacobini-Zinner để lại phía sau. Trăng lưỡi liềm sẽ không ảnh hưởng nhiều vì thế hãy tránh xa ánh đèn thành phố, tốt nhất ta nên chọn một nơi thật tối sau nửa đêm, nhìn bao quát bầu trời vì sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Thiên Long (Draco) nhưng có thể xuất hiện bất cứ đâu trên bầu trời đêm!
Ngày 9 tháng 10 – Thủy tinh ở điểm ly giác Đông cực đại. Hành tinh này sẽ đạt điểm mà tại đó góc của nó xa nhất từ Mặt trời. Lúc này, sao Thủy ở điểm cao nhất trên bầu trời đêm mà nó đạt được sau khi Mặt trời lặn tạo một thời gian thuận lợi nhất để quan sát kể từ khi nó vẫn quá gần Mặt trời và thường không lên quá cao so với đường chân trời.
Ngày 12 tháng 10 – Ngày Thiên Văn (lần 2 của năm). Đây là một sự kiện hàng năm nhằm mục đích cung cấp một phương tiện tương tác giữa công chúng và những người yêu thiên văn học, các câu lạc bộ và chuyên gia khác nhau. Không những thế, Ngày Thiên Văn còn góp phần tạo nên Tuần Lễ Thiên Văn trên toàn thế giới – bắt đầu vào ngày thứ hai trước đó.
Ngày 18 tháng 10 – Nguyệt thực nửa tối. Hiện tượng này có thể quan sát ở khắp nơi trên thế giới trừ nước Úc và cực Đông Siberia.
Ngày 21, 22 tháng 10 – Mưa sao băng Orionids. Orionids là một trận mưa sao băng trung bình, đạt khoảng 20 vệt/giờ lúc đạt đỉnh điểm. Cực đại sẽ vào đêm 21 và rạng sáng 22 tháng 10 nhưng ta có thể nhìn thấy được nó vào bất kì đêm – rạng sáng nào kể từ ngày 2/10 đến ngày 7/11 năm khi quỹ đạo Trái Đất quét qua vùng đá bụi do sao chổi Halley để lại phía sau. Trăng khuyết có thể làm lu mờ đi một số sao băng nhỏ, nhưng Orionids có xu hướng khá quy mô nên đây sẽ là một buổi trình diễn ấn tượng. Hãy tìm một chỗ thật tối, nhìn bao quát về phía chòm sao Tráng Sĩ (Orion) sau nửa đêm và nhớ tránh xa ánh đèn thành phố nhé!
Ngày 3 tháng 11 – Nhật thực lai. Nhật thực lai sẽ bắt đầu ở bờ biển phía Đông của Hoa Kỳ, ra khơi và băng qua Đại Tây Dương, tiến đến Trung Phi. (NASA Map and Eclipse Information)
Ngày 4, 5 tháng 11 – Mưa sao băng Taurids. Taurids là một trận mưa sao băng nhỏ, chỉ có khoảng 5-10 vệt/giờ khi cực đại nhưng đặc biệt ở chỗ nó 2 nguồn “cung cấp” riêng biệt (tiểu hành tinh 2004 TG10 và sao chổi 2P Encke) tạo nên 2 trận mưa sao băng nhỏ: South Taurids và North Taurids. Cực điểm sẽ vào đêm 4 và rạng sáng ngày 5 tháng 11 (theo giờ UTC) nhưng ta có thể nhìn thấy nó bất kể đêm – rạng sáng nào từ ngày 7/9 đến ngày 10/12 hàng năm. Bù lại, ta sẽ có một đêm trời đẹp (không Trăng) nếu không bị ảnh hưởng của thời tiết, ánh đèn thành phố, tốt nhất ta nên chọn một nơi thật tối sau nửa đêm, nhìn bao quát bầu trời vì sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Kim Ngưu (Taurus) nhưng có thể xuất hiện bất cứ đâu trên bầu trời đêm!
Ngày 16, 17 tháng 11 – Mưa sao băng Leonids. Leonids là một cơn mưa sao băng để quan sát, khoảng 15 vệt/giờ khi cực đại. Chu kì cực điểm của mưa sao băng này là mỗi 33 năm, khi đó hàng trăm mưa sao băng sẽ xuất hiện trong mỗi giờ, lần cuối chu kì này xảy ra là năm 2001. Cực đại sẽ vào đêm 16 và rạng sáng ngày 17 tháng 11 nhưng ta có thể nhìn thấy được nó vào bất kì rạng sáng sớm nào từ ngày 6/11 đến ngày 30/11. Tâm điểm là chòm sao Sư Tử (Leo) sau nửa đêm, thật không may là ánh Trăng tròn sáng chói của năm nay sẽ phá hỏng cuộc trình diễn này nhưng nếu có đủ kiên nhẫn và một đôi mắt tốt thì bạn cũng sẽ tìm được những ngôi sao băng của riêng mình!
Ngày 28 tháng 11 – Sao chổi ISON tiếp cận gần Mặt trời nhất. Nếu sao chổi này “sống sót” sau cuộc “chạm trán” với Mặt trời, nó có thể là một trong những sao chổi sáng nhất trong số từng được thống kê. Một số nhà thiên văn học ước tính rằng độ sáng của sao chổi ISON lớn tới mức có thể thấy được vào ban ngày. Trong tháng 8 và tháng 9, sao chổi này sẽ bắt đầu xuất hiện trên bầu trời vào rạng sáng và có thể nhìn thấy qua kính thiên văn. Trong tháng 10, ta sẽ nhìn thấy nó bằng mắt thường cho đến ngày quyết định (28/11). Nếu ISON còn “sống sót”, vào buổi sáng sớm, chiều tối chúng ta dều có thể thấy nó với độ sáng gần bằng với khi Trăng tròn. Một số nhà thiên văn học gọi nó là sao chổi của thế kỷ.
Ngày 3 tháng 12 – Tuần trăng non.
Ngày 13, 14 tháng 12 – Mưa sao băng Geminids. Geminids được biết đến như là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm, với khoảng 120 sao/giờ khi đạt đỉnh điểm. Cực đại sẽ vào đêm 13 và rạng sáng ngày 14 nhưng ta có thể nhìn thấy được nó vào bất kì đêm – rạng sáng nào từ ngày 7/12 đến ngày 17/12 khi quỹ đạo Trái Đất quét qua vùng đá bụi do tiểu hành tinh 3200 Phaethon (phát hiện 1982) để lại phía sau. Trăng khuyết có thể là “kẻ phá đám” cho cuộc biểu diễn ngoạn mục này nhưng Geminids vốn là một trận mưa sao băng rất sáng và tần suất cao nên rất đáng để quan sát. Hãy tránh xa ánh đèn thành phố, tìm một nơi thật tối sau nửa đêm, nhìn bao quát cả một vùng trời vì sao băng tỏa ra từ chòm sao Song Tử nhưng có thể xuất hiện bất cứ đâu trên bầu trời đêm.
Ngày 17 tháng 12 – Tuần trăng tròn.
Ngày 21 tháng 12 – Ngày Đông Chí. Ngày Đông Chí sẽ xảy ra lúc 17:11 UTC, cực Nam của Trái Đất sẽ nghiêng về phía Mặt trời. Đây cũng là ngày đầu tiên của mùa đông ở Bắc bán cầu và ngày đầu tiên của mùa hè ở bán cầu Nam.
Ngày 21, 22 tháng 12 – Mưa sao băng Ursids. Ursids là một trận mưa sao băng nhỏ, chỉ có khoảng 5-10 vệt/giờ. Cực đại sẽ vào đêm 21 và rạng sáng ngày 22 (theo giờ UTC) nhưng ta có thể nhìn thấy được nó vào bất kì đêm – rạng sáng nào từ ngày 17/12 đến ngày 25/12 khi quỹ đạo Trái Đất quét qua vùng đá bụi do sao chổi Tuttle (phát hiện 1790) để lại phía sau. Ngoài ra, trận mưa Ursids năm nay còn bị ánh trăng phá hỏng nhưng nếu có đủ kiên nhẫn và một đôi mắt tốt thì bạn hãy nhìn về chòm sao Tiểu Hùng (Ursa Minor), tránh xa ánh đèn thành phố và bạn cũng sẽ tìm được những ngôi sao băng của riêng mình!
Hoàng Phúc – HAAC theo Seasky.
Bình luận