Trung tâm dữ liệu quốc gia về băng tuyết (NSIDC) tại Đại học Colorado, Boulder, dưới sự hỗ trợ của NASA đã đưa ra báo cáo về tình trạng biển băng ở Bắc Cực vào ngày 16/09/2016. Theo đó, lượng băng ở Bắc Băng Dương có vẻ đã chạm đến mốc thấp nhất hằng năm vào ngày 10/09.
Một bảng phân tích dữ liệu vệ tinh cho thấy rằng với khoảng 4.14 triệu km2, mức băng tối thiểu của Bắc Băng Dương năm 2016 đã ngang bằng với với năm 2007 – mức thấp thứ 2 theo dữ liệu vệ tinh. Từ khi các vệ tinh được đưa vào việc giám sát biển băng vào năm 1978, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy một sự suy giảm đáng kể của lượng băng trung bình ở Bắc Cực theo từng tháng trong năm.
Trong đoạn video này là hình ảnh Trái Đất xoay chậm cùng với sự biến đổi của biển băng ở Bắc Bắc Dương từ ngày 24/03/2016 đến ngày 10/09/2016, thời điểm biển băng chạm mức tối thiểu hằng năm. Mức băng tối thiểu ở Bắc Bắc Dương năm 2016 là mức thấp thứ 2 từng được ghi nhận từ vệ tinh.
Biển băng bao phủ Bắc Băng Dương và bao quanh các đại dương giúp điều hòa nhiệt độ của hành tinh, chi phối sự lưu thông khí quyển và đại dương, và tác động đến hệ sinh thái, quần thể của Bắc Cực. Biển băng ở Bắc Cực co lại mỗi năm trong suốt mùa xuân và mùa hè cho đến khi nó đạt đến mức tối thiểu hằng năm. Biển băng lại mở rộng vào các tháng mùa thu và mùa đông lạnh giá, khi mà mặt trời luôn ở dưới đường chân trời.
Mùa hè năm nay, sự tan chảy của biển băng ở Bắc Cực đã khiến các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên bởi sự thay đổi tốc độ vô số lần của nó. Thời kỳ băng tan bắt đầu với mức băng tối đa hằng năm khá thấp trong tháng 3 và một lượng lớn băng đã mất đi nhanh chóng trong tháng 5. Nhưng trong tháng 6 và 7, áp suất không khí thấp cùng với trời nhiều mây đã làm chậm quá trình băng tan. Sau đó, với 2 cơn bão lớn quét ngang qua vịnh Bắc Cực vào tháng 8, biển băng bắt đầu tan nhanh hơn vào đầu tháng 9.
“Đáng chú ý rằng mức biển băng tối thiểu năm nay đã đạt mức thấp thứ 2 từ trước đến nay, sau khi sự tan chảy biển băng tiến triển khá chậm vào tháng 6 và tháng 7,” Walt Meier – nhà khoa học về biển băng tại Trung tâm Hàng không Vũ trụ Goddard của NASA tại Greenbelt cho biết, “Tháng 6 và 7 thường là các tháng băng tan chủ yếu bởi khi đó ở Bắc Cực mặt trời chiếu sáng 24h mỗi ngày – và năm nay đã không có sự tan băng một cách nhanh chóng như thường lệ.”
Nhưng trong tháng 8, 2 cơn bão rất mạnh đã quét qua Bắc Băng Dương dọc theo bờ biển Sebiria. Hai cơn bão này không ảnh hưởng ngay lập tức đến biển băng như “Cơn bão Lớn” năm 2012 (The Great Arctic Cyclone – một cơn bão ngoài vùng nhiệt đới mạnh một cách bất thường ở giữa Bắc Băng Dương vào tháng 8/2012), nhưng vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 “lượng băng đã biến mất rất nhanh ở biển Chukotka và Beaufort (gần khu vực Alaska), có thể đó là một tác động chậm từ những cơn bão”, Meier nói.
Meier cũng cho biết ở những thập kỷ trước, giai đoạn tan băng có thể bị chậm lại vào giữa tháng 8, khi mà Mặt Trời bắt đầu lặn ở Bắc Cực.
“Trước đây, phần biển băng còn lại này khá dày, và là những lớp băng lâu năm. Tuy nhiên giờ đây mọi thứ không giống như trước, các lớp băng dễ tan chảy hơn, vì vậy ngay cả vào cuối kỳ băng tan, tùy vào điều kiện thời tiết mà nó vẫn có thể trở thành một yếu tố thúc đẩy băng tan nhanh chóng”, Meier nói.
Lớp biển băng bao phủ Bắc Cực cũng có tình trạng không tốt ở những tháng còn lại trong năm. Một nghiên cứu mới gần đây xếp hạng mức biển băng ở Bắc và Nam Cực theo từng tháng trong 37 năm cho thấy chưa từng có mức băng cao kỷ lục nào ở Bắc Cực trong các tháng từ năm 1986. Vậy mà cũng trong khoảng thời gian đó, đã có 75 ghi nhận mức băng thấp kỷ lục.
“Khi xem xét các ghi nhận về nhiệt độ, ngay cả khi nhiệt độ ngày càng tăng, chúng ta vãn có thể mong đợi có một đợt lạnh kỷ lục ở đâu đó trong một thời gian”, Claire Parkinson – nhà khoa học cao cấp về khí hậu ở Goddard, tác giả chính của nghiên cứu trên. “Thử nghĩ về việc trong các bản ghi chép về biển băng ở Bắc Cực từ những năm 1970 ở đây, từ năm 1986 đến nay, không hề có mức cao kỷ lục nào, nhưng trong cùng thơi gian đó đã có…75 mức thấp kỷ lục. Đó là một sự tương phản đáng kinh ngạc!”
“Chắc chắn là biển băng không chỉ bị tan nhanh chóng vào tháng 9. Các ghi chép cho thấy rõ ràng băng không hề mở rộng lại được tới những vùng trước đó từng có băng, thậm chí ngay vào lúc giữa mùa Đông ở Bắc Cực”, Parkinson nói.
Phân tích của Parkinson từ năm 1979 đến 2015 đã phát hiện rằng ở Nam Cực, nơi mà biển băng có xu hướng mở rộng ra hơn, mới chỉ có 6 ghi nhận mức thấp kỷ lục từ năm 1986, và tận 45 mức cao kỷ lục.
“Những số liệu đạt được ở Nam Cực là rất đáng ngạc nhiên, chưa kể đến khi được đem ra so sánh với Bắc Cực, nó càng làm người ta ngạc nhiên hơn”, Parkinson nói.
Vương Lê – DAC
Theo NASA.gov
Bình luận