Khảo sát toàn bộ bầu trời dưới bước sóng gamma (photon có năng lượng gấp 50 triệu lần photon ánh sáng nhìn thấy), kính thiên văn trường rộng Fermi (LAT) đã khám phá ra một vũ trụ tràn ngập năng lượng.
Bức ảnh trên là kết quả quan sát trong suốt 3 tháng của Fermi, bắt đầu từ 11/8 đến 30/11/2008, cho thấy một “bức tranh” rất sâu, rất rõ nét về phông nền gamma trên bầu trời mà chưa một sứ mệnh quan sát nào trước đó đạt được. Những thứ gì đang tỏa sáng trong bức tranh ấy? Có khoảng 250 nguồn bức xạ gamma mạnh nhất tuy nhiên trong bản đồ bầu trời của Fermi, ta chỉ thấy được 5 nguồn nằm phía trong và 5 nguồn nằm ở khá xa dải Ngân Hà.
Mặt Trời cũng vạch ra một vệt mờ trên bức ảnh do sự thay đổi vị trí tương đối của kính thiên văn so với Mặt Trời trong quá trình quan sát. LSI +61 303 là một sao đôi phát xạ tia X rất mạnh cách chúng ta khoảng 6.500 NAS. PSR J1836+5925 là một pulsar (sao neutron quay), ta chỉ thấy được luồng xung của nó dưới bước sóng gamma. 47 Tuc là một quần tinh cầu cách chúng ta 15.000 NAS. Nguồn phát xạ chưa xác định nằm phía trên đường dọc Ngân Hà (được kí hiệu “Unidentified”) rất đặc biệt vì nó bức xạ biến thiên theo thời gian và xuất hiện không rõ ràng trên ảnh chụp tại các bước sóng khác. Nằm xa hơn thiên hà của chúng ta là NGC 1217, một thiên hà khổng lồ nằm tại trung tâm cụm thiên hà Perseus, cách chúng ta khoảng 233 triệu NAS. C 454.3, PKS 1502+106, và PKS 0727-115 là những thiên hà hoạt động cách chúng ta hàng tỉ NAS. Một nguồn không xác định khác nằm bên phải (cũng được kí hiệu “Unidentified”) dường như cũng ở khá xa chúng ta và không thuộc dải Ngân Hà. Bản chất của nó vẫn còn là dấu hỏi lớn đối với con người!
Nguyễn Trần Hạ (Theo APOD)
Cộng tác viên CLB thiên văn nghiệp dư TP. Hồ Chí Minh
Bình luận