Như đã đưa tin, tối ngày 15 – rạng sáng 16/06/2011 CLB Thiên văn Bách khoa đã tổ chức thành công chương trình dã ngoại quan sát một trong những lần nguyệt thực toàn phần có thời gian dài nhất thế kỷ.
Chương trình đã được lên lịch từ sớm và chuẩn bị khá công phu để người tham gia có cơ hội thưởng thức những điều kỳ thú đến từ bầu trời.
Chương trình dã ngoại chính thức bắt đầu lúc 19h với màn khởi động “nhẹ nhàng” bằng một loạt các trò chơi tập thể. Lần lượt từng hình phạt vui nhộn được đưa ra để “xử lý” những người vi phạm luật chơi.
Tiếp theo đó các thành viên nhóm quan sát đã sử dụng bút laser để hướng dẫn người tham gia tìm hiểu và nhận biết một số chòm sao chính trên bầu trời, nắm rõ cách xác định phương hướng bằng các chòm sao.
Nhóm kỹ thuật thì huy động 2 chiếc kính thiên văn để giúp mọi người chiêm ngưỡng Mặt Trăng gần hơn, và để quan sát Sao Thổ đang ở giai đoạn quan sát thuận lợi. Ngoài ra 2 chiếc laptop cũng được trưng dụng để chạy mô phỏng bầu trời sao, và để thử nghiệm chụp hình thiên văn bằng webcam.
Đến khoảng 23 giờ đêm, lửa được thắp lên để xua cái lạnh đêm khuya. Mọi người quây quần và nướng những trái bắp thơm lừng. Những trò chơi tập thể quanh lửa trại được tiếp tục.
Tháng 6 và tháng 7 này CLB Thiên văn có sinh nhật của 5 thành viên. Nhân sự kiện đặc biệt này, PAC đã tổ chức sinh nhật cho các bạn bằng chiếc bánh sinh nhật … 20,5 tầng hoành tráng.
Xuyên suốt chương trình, cứ mỗi lần có thời gian trống, là mọi người lại quây quần sinh hoạt văn nghệ bằng những bản guitar rất … sinh viên.
Thời khắc quan trọng nhất của chương trình, khi mà Mặt Trăng đang dần dần bị khuyết đi cũng là lúc mọi người chăm chú theo dõi từng diễn biến thay đổi của bầu trời. Lúc Mặt Trăng khuyết gần hết, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra màu đỏ thẫm ở phần bị che khuất của Mặt Trăng. Đên khi chị Hằng hoàn toàn núp bóng của Trái Đất, thì màu đỏ thẫm đó càng hiện rõ. Lúc này, cả một bầu trời đêm mùa hè rực rỡ ánh sao hiện ra. Hàng ngàn hàng vạn vì sao lung linh cùng tô điểm cho đêm nguyệt thực.
Một điều mà mọi người vẫn thường hay thắc mắc trong quá trình diễn ra Nguyệt thực, đó là tại sao Mặt Trăng lại chuyển sang màu đỏ? Tại sao giữa hình tròn màu đỏ đó lại có một vùng màu tối hơn? Làm sao để nhận biết được nguyệt thực đã vào cực điểm? v.v…
Các thành viên PAC lần lượt giải thích rằng: Màu đỏ của Mặt Trăng là do phần còn lại của ánh sáng Mặt Trời xuyên qua bầu khí quyển của Trái Đất, phần ánh sáng màu xanh bị tán xạ và khúc xạ mạnh nên thoát ra rất ít, trong khi đó phần ánh sáng đỏ lại ít bị ảnh hưởng hơn nên chiếu thẳng vào Mặt Trăng. Mặt Trăng lúc này không nhận ánh sáng trực tiếp từ Mặt Trời mà chỉ nhận ánh sáng đỏ đó nên có màu đỏ thẫm.
Do phần còn lại của ánh sáng Mặt Trời thoát ra từ rìa bao quanh trái đất (có dạng hình cầu), nên khi Mặt Trăng bị che khuất hoàn toàn cũng tiếp tục có thêm một “nguyệt thực” nữa. Nếu để ý kỹ thì bạn sẽ nhìn thấy một vùng tối đen di chuyển trên bề mặt Mặt Trăng, chen chân với phần ánh sáng màu đỏ. Vùng tối này cũng có dạng hình tròn, di chuyển dần dần qua bề mặt Mặt Mặt Trăng nên nhận ra rất rõ. Khi vùng tối hình tròn này nằm chính giữa Mặt Trăng thì lúc đó Nguyệt thực đạt cực điểm.
Đến khi trời gần sáng, người tham gia tranh thủ chụp hình lưu niệm rồi thu dọn chiến trường ra về, kết thúc một đêm dã ngoại thành công tốt đẹp.
CLB Thiên văn Bách khoa.
Bình luận