Bản đồ sao quay là một trong những dụng cụ hỗ trợ quan sát thiên văn khá đắc lực cho những người mới làm quen với bầu trời. Ưu điểm của nó là dễ dàng xác định được vị trí và hình dạng các chòm sao trên bầu trời dựa các tham số như độ cao, phương hướng và thời điểm quan sát. Bản đồ sao quay còn có ưu điểm là nhỏ gọn thích hợp cho những chuyến du lịch dã ngoại có thể dễ dàng mang theo trong hành lý.
Bản đồ sao quay là gì ?
Bản đồ sao quay mô phỏng sự quay của thiên cầu theo thời gian
Nguyên tắc của bản đồ sao quay : là sự phối hợp giữa tọa độ cực và tọa độ chân trời.
Bản đồ sao quay gồm có 2 phần:
– Phần đĩa thể hiện bầu trời có thể xoay được quanh tâm là cực Nam hay cực Bắc (bản đồ của nửa thiên cầu theo tọa độ cực)
– Phần cố định bao phía bên ngoài thể hiện ranh giới bầu trời và được trang trí thêm hình ảnh các thông tin …
Làm một bản đồ sao quay đơn giản
Để tự làm một bản đồ sao quay, các bạn có thể dùng các chương trình mô phỏng bầu trời để tạo cho mình các bản đồ ứng với hai nửa thiên cầu nam và bắc. Hoặc các bạn có thể tra google với từ khóa “planisphere” có thể tìm được các thiết kế có sẵn và hướng dẫn cách làm.
Ở đây tôi xin trình bày cách làm bản đồ sao quay theo trang https://www.asahi-net.or.jp/~zs3t-tk/planisphere/planisphere.htm của tác giả Toshimi Taki.
Bản đồ sao quay theo hướng dẫn của Toshimi Taki khá đơn giản: không phải làm trục xoay cố định cho các đĩa, thể hiện được chòm sao ở cả hai bán cầu nam và bắc. Đĩa sao của tác giả có hai dạng : có đường nối chòm sao và không có đường nối .
Các bạn chỉ việc chọn vĩ độ nơi mình sinh sống và do nếu chỉ sai lệch vài độ thì bầu trời không thay đổi nhiều lắm khi quan sát, nên các bạn có thể lấy hình phần bìa phía ngoài (cover) tương ứng gần với vĩ độ của mình nhất mà tác giả đã tạo sẵn.
Ví dụ ở Việt Nam:
+ Khu vực miền bắc Hà nội có vĩ độ là khoảng 21 độ, chúng ta có thể các hình tương ứng với 20 độ.
+ Khu vực miền trung như Đà Nẵng là khoảng 16 độ có thể lấy hình ứng với 15 độ.
+ Khu vực miền nam : TPHCM là khoảng 10 độ ứng với hình cùng vĩ độ.
Trang web cung cấp các hình để làm bản đồ các bạn chỉ cần in ra giấy A4 và dán ghép lại trên bìa cứng .
Download tại: https://www.asahi-net.or.jp/~zs3t-tk/planisphere/dbl_side_a.zip
-Phần chính bản đồ sao:
Chúng ta dán 2 hình bản đồ sao này lên 2 mặt của 1 tấm bìa cứng tròn (2 mặt ứng 2 bán cầu).
Đĩa sao bán cầu bắc
-Phần Bên Ngoài :
Dán ghép các phần này với nhau, với các miếng chêm (spacer) ở giữa sao cho đĩa sao có thể xoay bên trong nó.
Bìa ngoài bán cầu bắc
Bìa ngoài bán cầu nam
Ráp các phần lại
Xong quá đơn giản phải không nào.
Các bạn có thể trang trí thêm hình ảnh, các thông tin cơ bản về thiên văn ở phần trống phía ngoài theo sự khéo tay của bạn.
Sử dụng như thế nào?
Trước khi sử dụng bản đồ các bạn cần nắm các khái niệm cơ bản về bầu trời, như thiên cầu nhật động.. hình dạng các chòm sao cơ bản dễ nhận biết.
-Cách sử dụng rất dễ : Tùy thuộc vào các dạng bản đồ sao quay khác nhau có thể khác chút ít.
+ Ở Phần bìa ngoài là các con số thể hiện thời gian trong đêm :18h,19h….4h, 5h
+Phần Đĩa sao chia làm 12 phần ứng với 12 tháng trong mỗi phần lại khác vạch ứng với các ngày trong tháng.
Việc định vị bầu trời chỉ làm mỗi việc đơn giản là xoay đĩa sao cho giá trị tháng, ngày và giờ quan sát trùng nhau.
Ví dụ giờ quan sát là 21h ngày 18-8 . Xoay đĩa sao cho vạch ngày 18 tương ứng phần tháng 8 trùng với 21h ở phần bìa ngoài .
Hoàn thành
Do bản đồ xoay quanh trục cực nên bạn phải hướng tâm của bản đồ theo hướng Bắc : như thế ranh giới của phần che khuất là chân trời. phía bên phải là hướng Đông, phía bên trái là hướng tây.
Để quan sát các chòm sao ở thiên cầu Nam, các bạn dùng mặt phía bên kia của bản đồ. Và tương tự, hướng bản đồ về phía Nam, tay phải là hướng Tây, tay trái là hướng Đông.
Hạn chế của bản đồ sao quay.
Bản đồ sao quay với ưu điểm nhỏ gọn lại cũng chính là nhược điểm của nó. Các thông tin của bầu trời phải được giản lược để tránh rồi mắt như bỏ qua các sao có độ sáng nhỏ, các tinh vân …nhưng với mục đích chỉ là để xác định vị trí các chòm sao thì đây có lẽ không là vấn đề lớn.
Nhược điểm chính yếu nhất của bản đồ sao quay là các chòm sao ở thiên đỉnh sẽ khó định dạng được do bản đồ sao chỉ thể hiện các chòm sao ở một bán cầu (bắc hoặc nam). Trong khi đó vùng sao trên thiên đỉnh lại là nơi dễ quan sát nhất.
Sáng tạo với bản đồ sao quay.
Các bạn có thể thiết kế riêng cho mình bản đồ sao quay, không sử dụng mẫu có sẵn, vốn có vĩ độ chỉ gần đúng vĩ độ của bạn (nếu như bạn muốn thể hiện bầu trời thật chính xác) . Phần bản đồ có thể tải trên mạng hoặc có một số chương trình tạo bản đồ sao. phần đường chân trời ứng với tọa độ của bạn là sự phối hợp giữa tọa độ chân trời và tọa độ cực. Phần bìa ngoài các bạn có thể thiết kế riêng theo ý của mình. Khi đó bản đồ sao quay của bạn vừa là một công cụ hữu dụng vừa là một tác phẩm nghệ thuật không thể thiếu trong hành trang ngắm sao.
Anh Tuấn – HAAC
Bình luận