Tinh vân Omega, thường được gọi là Tinh vân Thiên Nga, là một vườn ươm sao lấp lánh nằm cách chúng ta 5500 năm ánh sáng về phía chòm sao Sagittarius (Cung thủ). Là một khu vực ươm sao tích cực đầy khí và bụi rộng 15 năm ánh sáng, tinh vân này vừa cho ra đời một cụm những sao nóng khổng lồ. Ánh sáng mãnh liệt và những luồng gió mạnh mẽ từ những cậu thiếu niên to lớn vụng về này đã chạm khắc nên những cấu trúc lung linh đặc sắc bằng khí và bụi

Bức chân dung những dải màu nước lấp lánh của tinh vân Omega - 090707094909 large / Thiên văn học Đà Nẵng

 

Khi nhìn qua một kính thiên văn nhỏ, tinh vân này có hình dạng khiến người quan sát nhớ đến một ký tự trong bảng chữ cái Hi Lạp, chữ omega, trong khi những người khác lại nhìn thấy một con thiên nga với chiếc cổ cong dài dễ nhận thấy.
Nhà thiên văn học người Thụy Sĩ Jean-Philippe Loys de Chéseaux đã phát hiện ra tinh vân này vào năm 1745. Nhà săn sao chổi người Pháp Charles Messier đã độc lập phát hiện nó một lần nữa vào khoảng 20 năm sau và liệt kê nó vào danh mục nổi tiếng của ông ở vị trí thứ 17, tinh vân Omega đã xuất hiện như một dải ánh sáng ma quái kỳ ảo đối nghịch với khu vực đầy sao của Dải Ngân Hà. Những người quan sát trước đây đã băn khoăn vật kỳ lạ này thật ra là một đám mây khí hay là một cụm sao xa xôi quá mờ nhạt để được phát hiện. Trong năm 1866, William Huggins đã giải quyết cuộc tranh cãi khi ông ta khẳng định tinh vân Omega là một đám mây khí phát sáng, thông qua tiện ích của một công cụ mới, máy quang phổ thiên văn.

Trong những năm gần đây, các nhà thiên văn học đã khám phá ra tinh vân Omega là một trong những khu vực ươm sao khổng lồ và trẻ nhất trong Dải Ngân Hà. Việc sinh hạ những ngôi sao bắt đầu từ một vài triệu năm trước và tiếp tục cho đến hôm nay. Vệt khí sáng chói trong bức ảnh là một chỗ phồng lên từ một bên của một đám mây khí phân tử màu đen lớn hơn nhiều. Đám bụi nổi bật lên trong bức hình đến từ phần còn lại của những ngôi sao nóng khổng lồ đã kết thúc cuộc đời ngắn ngủi và giải phóng vật chất trở lại không gian.

Bức ảnh mới này, được chụp bởi công cụ EMMI được gắn kèm vào kính thiên văn công nghệ mới (NTT) ESO 3.58 mét tại La Silla, Chi-lê, thể hiện khu vực trung tâm của tinh vân Omega rất chi tiết và tinh xảo. Năm 2000, một công cụ khác trên NTT, được gọi là SOFI, đã chụp một hình ảnh ấn tượng khác về tinh vân trong vùng ánh sáng gần hồng ngoại, mang đến cho các nhà thiên văn một quang cảnh thấu suốt đám bụi tối tăm này và lộ rõ nhiều ngôi sao ẩn nấp trước đó. Kính thiên văn vũ trụ Hubble NASA/ESA còn ghi lại chi tiết những phần nhỏ của tinh vân này.

Bên trái bức hình một đám mây bụi hình hộp to và phẳng bao lấy đám khí phát sáng. Bảng phối màu tuyệt vời tô bóng cho bức tranh là do sự hiện diện của các loại khí khác nhau ( hầu hết là hiđro, và còn có oxy, nitơ, và sunfua ) phát sáng trong ánh sáng cực tím được phát ra từ những ngôi sao trẻ.

 

Cabella  (Theo sciencedaily)

Content Protection by DMCA.com