Ảnh kính thiên văn hồng ngoại Spitzer chụp tinh vân Đại Bàng (Eagle Nebula, M 16) trong chòm sao Serpens, cách Trái Đất 7000 năm ánh sáng. Bức ảnh cho thấy những đám mây khí và bụi hỗn độn cùng với những ngôi sao trẻ tỏa sáng tại bước sóng hồng ngoại.

Màu lục trong bức ảnh biểu diễn các cột, các đám bụi có nhiệt độ thấp. Trong đó, có thể thấy 3 cột bụi nổi tiếng với tên gọi: “Những Cây Cột Kiến Tạo” (Pillar of Creation). 3 cột bụi này đã được phát hiện và đặt tên dựa trên những kết quả quan sát của kính Hubble năm 1995 tại vùng sóng khả kiến.

Câu truyện về sự sống và cái chết của những ngôi sao trong tinh vân Đại Bàng - ssc2007 01b small / Thiên văn học Đà Nẵng

Các kết quả quan sát tại bước sóng hồng ngoại của kính Spitzer cho phép dự đoán về lịch sử hình thành của toàn bộ khu vực trên. Màu đỏ biểu diễn các đám bụi có nhiệt độ cao hơn do chịu ảnh hưởng của một vụ nổ supernova cách đây từ 8000 đến 9000 năm. Do ánh sáng phải mất 7000 năm mới đi được từ tinh vân Đại Bàng đến Trái Đất nên rất có thể, tại một thời điểm nào đó trong khoảng 1000 đến 2000 năm trước, trên bầu trời đã từng xuất hiện một ngôi sao mới, dấu vết của vụ nổ sao.

Có lẽ, ban đầu, các cột bụi trong tinh vân Đại Bàng được tạo ra nhờ gió và nhiệt độ từ khoảng 20 ngôi sao khổng lồ nằm tại khu vực góc trên bên trái vùng trời trong bức ảnh (ta không nhìn thấy những ngôi sao này). Nhiệt độ và gió từ những ngôi sao thổi bay các đám bụi, tạo ra những vùng trống và những đám bụi mật độ cao trên đỉnh các cột. Phần thân và gốc của các cột là những đám bụi mỏng hơn. Quá trình này dẫn đến sự hình thành của một lớp sao thế hệ thứ hai bên trong các cột bụi.

Các nhà thiên văn học dự đoán vụ nổ sao là quá trình kết thúc của một trong các ngôi sao khổng lồ trên. Sóng xung kích từ vụ nổ đã cắt cụt phần ngọn của những cột bụi vào thời điểm khoảng 6000 năm trước (điều này có nghĩa là ta chỉ có thể bắt đầu quan sát điều này sau khoảng 1000 năm nữa). Vụ nổ sao phá vỡ các cột bụi, làm lộ ra các ngôi sao trẻ bên trong và kích thích quá trình sinh ra các ngôi sao trẻ khác thuộc thế hệ thứ 3.

Bức ảnh được tổng hợp dựa trên kết quả quan sát của kính Spitzer tại 3 bước sóng: lam: 4.5 micron, lục: 8 micron và đỏ: 24 micron.

Perseus,
Box Thiên văn học, TTVNOL.

Nguồn:
https://sscws1.ipac.caltech.edu/Imagegallery/image.php?image_name=ssc2007-01b

Content Protection by DMCA.com