Từ Trái Đất đến những hành tinh xa xôi giá lạnh, vũ trụ luôn ẩn chứa những bí ẩn lạ lùng và những hình ảnh đẹp mê hồn.
Vũ trụ bao la chứa đựng biết bao điều bí ẩn mà con người luôn muốn khám phá. Con người với những nỗ lực lớn lao của mình đã tiến hành nhiều cuộc thám hiểm để giải mã những bí ẩn ấy. Trong hành trình trinh phục vũ trụ, con người đã được mãn nhãn với vẻ đẹp lộng lẫy không gì sánh bằng của dải ngân hà, của mỗi hành tinh, mỗi chòm sao lấp lánh…
Dưới đây là những hình ảnh mới nhất được chụp từ con tàu vũ trụ của NASA (National Aeronautics and Space Administration – Cục Quản trị Hàng không và Không gian Quốc gia) và ESA (European Space Agency – Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu) gần Sao Thủy, Trái đất, Mặt trăng, Sao Hỏa và Sao Thổ.
Bức ảnh chụp vào ngày 8/9/2010, ghi lại hình ảnh mặt trời bắn ra những ngọn lửa đang hừng hực cháy. Nó đã tạo ra quầng sáng rực rỡ bao quanh mặt trời, mang lại một hình ảnh vô cùng thú vị khi ngắm nhìn.
Hình ảnh miệng núi lửa Kipling (phía dưới bên trái) và Steichen (phía trên bên phải) nằm trên Sao Thủy. Bức ảnh được chụp từ con tàu vũ trụ Messenger của NASA vào ngày 29/9/2009.
Ngày 6/5/2010, từ khoảng cách 183 triệu km, trên con tàu Messenger của NASA, người ta đã chụp được hình ảnh của Trái đất và Mặt trăng (hai chấm sáng phía dưới bên trái bức ảnh).
Hình ảnh trăng lưỡi liềm tuyệt đẹp được chụp lại bởi một thành viên phi hành đoàn Expedition 24 thuộc Trạm Vũ trụ quốc tế – ISS khi đi qua vùng trung tâm Châu Á vào ngày 4/9/2010. Bức ảnh còn ghi lại được “vệt” khí quyển rực sáng bao quanh trái đất.
Đây là bức ảnh chụp lại hình ảnh Trái đất từ Mặt trăng vào ngày 12/6/2010. Hình ảnh lấy từ tàu Lunar Reconnaissance Orbiter (LROC) của NASA
Giữa muôn vàn ánh đèn từ những thành phố nhỏ bé xung quanh, ánh sáng rực rỡ từ thủ phủ thành phố Torino (thành phố kỹ nghệ quan trọng của Ý), Lyon và Marseille (hai thành phố nổi tiếng của Pháp) hiện lên đầy ấn tượng. Bức hình do thành viên đội Expedition 23 thuộc Trạm Vũ trụ quốc tế – ISS chụp vào ngày 28/4/2010.
Ngày 29/5/2010, một thành viên đội Expedition 23 thuộc trạm Vũ trụ quốc tế ISS đã chụp được bức ảnh vô cùng thú vị. Hiếm có khi nào người ta lại được chiêm ngưỡng một cách rõ ràng ánh sáng xanh của cực quang Australis (cực quang nam cực) đến thế.
Ngày 12/8/2010, một trận mưa sao băng lớn đã xuất hiện tại Tượng đài cự thạch – Stonehenge – nằm ở phía Nam nước Anh. Đó là “Mưa sao băng Anh Tiên (Perseid)”. Đây là hiện tượng diễn ra vào tháng 8 hàng năm khi trái đất lọt vào vùng bụi do một sao chổi để lại. Ảnh được chụp phơi sáng lâu để tạo hiệu ứng.
Bức ảnh là hình ảnh dòng sông băng Mertz đang chảy về phía Đông Nam Cực dọc theo bờ biển George V. Thật may mắn khi vệ tinh Earth Observing 1 (EO-1) của NASA đã chụp được hình ảnh trung thực của một tảng băng lớn vỡ ra khỏi sông băng.
Bức ảnh thể hiện vẻ đẹp quyến rũ của nước Ý với ánh đèn sáng lung linh khiến cả bờ Địa Trung Hải cũng rực lên. Trong bức ảnh còn xuất hiện rất nhiều những “hòn đảo phát sáng” trang hoàng bờ biển như đảo Capri, Sicily, và Malta. Thành phố Naples và Mt. Vesuvius là hai vùng sáng nổi bật ở bờ biển. Bức ảnh do phi hành gia Douglas H. Wheelock trên trạm Vũ trụ quốc tế – ISS chụp.
Bão Danielle nhìn từ quỹ đạo Trái đất ở độ cao thấp vào ngày 28/8/2010. Ảnh được chụp bởi phi hành gia Douglas H. Wheelock trên trạm Vũ trụ quốc tế – ISS.
Đây là hình ảnh một cái hố trên mặt trăng khi mặt trời lên cao, nó khiến miệng núi lửa Mare Tranqui trên mặt trăng lộ ra các tảng đá mà nếu trong điều kiện bình thường sẽ trông giống như một bề mặt bằng phẳng. Hố này rộng khoảng 400m. Bức ảnh được chụp vào ngày 24/4/2010, do NASA cung cấp.
Những tia sáng cuối cùng của mặt trời rọi chiếu xuống điểm trung tâm miệng núi lửa Bhabha trên Mặt trăng trước khi mặt trời lặn. Bức ảnh chụp vào ngày 17/7/2010.
Tàu Lunar Reconnaissance Orbiter (LROC) của NASA đã công bố hình ảnh cây cầu tự nhiên trên mặt trăng. Trên website của LROC, người ta đặt ra câu hỏi “Cây cầu tự nhiên này được hình thành như thế nào?”. “Đó là hai hố sụt lớn do vào cùng một ống nham thạch.” là câu trả lời thường thấy. Bức ảnh chụp vào tháng 11/2009.
Các Stereo Camera có độ phân giải cao (HRSC) trên tàu vũ trụ Mars Express ESA đã chụp lại hình ảnh vệ tinh Phobos của sao Hỏa vào ngày 7/3/2010. Vệ tinh này được đặt theo tên của con trai thần chiến tranh Ares (tên La Mã là Mars – tên của Sao Hỏa và nữ thần Aphrodite).
Hình ảnh một đụn cát trên bề mặt Sao Hỏa được chụp lại bởi Camera có độ phân giải cao dành cho các hình ảnh thí nghiệm khoa học (High Resolution Imaging Science Experiment – HiRISE) của con tàu Mars Reconnaissance (MRO) vào lúc 14:11 ngày 9/7/2010.
Bình luận