Được trang bị một gương cầu đường kính 0.85m làm bằng beryllium, một số camera đặc biệt và ba hệ thống làm lạnh, Spitzer là kính thiên văn hồng ngoại lớn nhất mà con người từng phóng vào vũ trụ. Nó cho chúng ta cái nhìn thấu đáo về những khu vực tối của vũ trụ mà những kính thiên văn quang học thông thường không thể phát hiện ra. Những vùng tối rộng lớn đó được phủ đầy bụi khí và còn đang ẩn chứa nhiều điều khó hiểu. Thêm vào đó, bằng cách nghiên cứu tại dải sóng hồng ngoại, Spitzer còn cho phép chúng ta tìm hiểu kĩ hơn về quá trình hình thành hệ mặt trời trong các tinh vân, sự biến động tinh tế của bức xạ tại tâm các thiên hà. Ánh sáng hồng ngoại còn giúp con người phát hiện ra các thiên thể có nhiệt độ khá thấp trong vũ trụ chẳng hạn như các sao lùn, các hành tinh ngoài Thái Dương hệ và các đám mây phân tử khí khổng lồ.
Do hoạt động ở vùng sóng hồng ngoại nên các thiết bị của Spitzer phải được làm lạnh ở nhiệt độ xấp xỉ 0 tuyệt đối (-273 độ C) nhằm tránh hiện tượng giao thoa hồng ngoại khi quan sát. Spitzer cũng mang theo một lá chắn chống bức xạ trực tiếp và đi vào quỹ đạo Earth-trailing solar (kiểu quỹ đạo nằm rất xa Trái Đất) nhằm tránh bị nhiễu bởi ánh sáng đến từ Mặt Trời và Trái Đất.
Spitzer là kính thiên văn cuối cùng trong chương trình “Các đài quan sát lớn” của NASA được khời động từ năm 1990 nhằm khám phá vũ trụ tại các bước sóng chủ đạo. Spitzer cũng là một phần của kế hoạch “Astronomical Search for Origins” (lược dịch: Tìm kiếm sự khởi đầu) nhằm giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc vũ trụ, về sự hình thành và phát triển của các hành tinh, các ngôi sao, các thiên hà…
Nguồn: About Spitzer – Spitzer Space Telescope.
nguyentranha
Cộng tác viên CLB thiên văn nghiệp dư TP. Hồ Chí Minh
Bình luận