Vào những buổi tối trời trong, thường là về khuya, thỉnh thoảng chúng ta lại thấy một ngôi sao băng bay vụt qua trên bầu trời rất nhanh. Người xưa tin rằng:

·Nếu ước nguyện một điều gì vào đúng lúc có sao băng thì lời ước ấy sẽ thành sự thật.

·Người ta cho rằng mỗi một người sống trên trần gian đều có một ngôi sao chiếu mệnh, khi ngôi sao đó rơi (sao băng) thì người đó sẽ chết. Do vậy, khi nhìn thấy hiện tượng sao băng thì người ta cho rằng sẽ có một ai đó chết.

Thực tế thì những niềm tin như vậy không có cơ sở khoa học.

SAO BĂNG

Sao băng là một vệt sáng dài xuất hiện trong thời gian ngắn trên bầu trời (hầu hết các sao băng chỉ sáng trong 1 hoặc vài giây) . Người ta còn gọi sao băng là sao rơi hay sao xẹt vì nó trong giống như một ngôi sao trên bầu trời rơi xuống. Có những sao băng lớn và sáng người ta gọi là quả cầu lửa (fireball).

Một sao băng xuất hiện khi một thiên thạch (meteoroid) từ ngoài không gian đi vào bầu khí quyển của trái đất. Ma sát với không khí đốt nóng thiên thạch đến nỗi nó nóng lên và tạo thành một vệt khí dài sáng đồng thời nung nóng chảy một phần hoặc toàn bộ thiên thạch. Các thiên thạch quay xung quanh mặt trời theo các quỹ đạo vận tốc rất khác nhau (nhanh nhất là 42km/s). Vận tốc của trái đất quay xung quanh mặt trời là 29km/s. Vì vậy, khi thiên thạch đâm vào bầu khí quyển trái đất, vận tốc cộng hưởng của nó lên khoảng 71km/s.

Có hàng triệu sao băng xuất hiện trong bầu khí quyển trong 1 ngày. Chúng có thể thấy được ở độ cao 65-120km. Sao băng chủ yếu được tạo ra bởi các thiên thạch có kích thước cỡ viên đá cuội hay hòn sỏi nên rất ít sao băng rơi xuống tận mặt đất do chúng bị đốt cháy hết trong bầu khí quyển. Chúng thường bị đốt cháy hết ở độ cao 50 – 95 km so với mực nước biển. Những thiên thạch lớn có thể đến được mặt đất, chúng tạo thành những hố trên mặt đất tùy thuộc vào kích thước của chúng.

MƯA SAO BĂNG

Các sao chổi trên hành trình của nó tiến lại gần Mặt Trời, nhiệt độ tăng làm vật chất của sao chổi bốc hơi và dưới áp suất của gió Mặt Trời, tạo nên các đuôi bụi, băng và khí. Các vật chất nhỏ gồm bụi và băng phát tán từ sao chổi vương vãi xung quanh quĩ đạo của nó.

Khi Trái Đất trong quĩ đạo quay quanh Mặt Trời của mình đi vào vùng bụi này sẽ xuất hiện các trận mưa sao băng. Những trận mưa sao băng mang tên những chòm sao mà theo vị trí quan sát trên trái đất ta thấy các sao băng xuất phát từ chòm sao đấy mà ra và có hàng tá trận mưa sao tái diễn hàng năm. Ví dụ trận mưa sao băng, mà có vẻ xuất phát từ chòm Song tử (Gemini) vào tháng 12 hàng năm, được gọi là Geminids có nghĩa là con cái của chòm Song tử. Trận mưa sao Perseids vào tháng 8 là một trong những trận mưa sao băng nổi tiếng nhất. Các sao mà có vẻ không thuộc về 1 trận mưa sao băng nào thì được gọi là Sporadics (những sao băng lẻ tẻ). Phần lớn chúng có lẻ cũng thuộc về một trận mưa sao nào đó cách đây lâu lắm rồi nhưng những trận mưa ấy ngày nay đã bị suy yếu đến nỗi người ta không thể nhận ra.

Sao băng - shootingstar2 / Thiên văn học Đà Nẵng

Các trận mưa sao băng lớn

MƯA SAO BĂNG PERSEIDS

Hàng năm vào khoảng thời gian từ ngày 17/07 đến ngày 24/08 và cực điểm thường vào khoảng ngày 12, 13/08, nếu thời tiết thuận lợi chúng ta có thể quan sát được một trong những trận mưa sao băng lớn nhất của năm-Mưa sao băng Perseids do sao chổi 109/Swift-tutle tạo ra.

Mưa sao băng Perseids là trận mưa sao băng nổi tiếng nhất vốn đã được người Trung Hoa cổ đại nghi nhận trong sách sử từ năm 36. Chúng ta có thể quan sát được đợt mưa sao băng này từ 17-7 đến 24-8 khi đám mây bụi cắt ngang quĩ đạo của Trái Đất. Vào thời gian mưa sao băng diễn ra cực điểm khoảng 12-8 mỗi năm, người ta có thể đếm được đến hơn 50 sao băng trong 1 giờ. Các thiên thạch nhỏ với vận tốc hơn 60km/s bốc cháy khi bay vào khí quyển của Trái Đất, để lại những vệt sáng dài trên bầu trời đó thật là những hình ảnh đẹp khó quên đối với người quan sát.

Từ năm 1865 người ta đã biết được nguồn gốc của trân mưa sao băng này, đó chính là đám mây bụi và những mảnh vỡ của sao chổi 109 P/ Swift-Tuttle trải dài trên quĩ đạo của nó quanh hệ Mặt Trời. Sao chổi 109 P/ Swift-Tuttle xuất hiện lần gần đây nhất vào năm 1862 và được đặt tên theo 2 người quan sát lần đầu tiên là Lewis Swift và Horace Tuttle. Đây là 1 sao chổi lớn có chu kỳ 120-130 năm. Quĩ đạo của nó khiến các nhà khoa học phải lo lắng vì khả năng va chạm với Trái Đất trong lần gặp gỡ tới vào năm 2126.

MƯA SAO BĂNG LEONIDS :

Mưa sao băng Leonids diễn ra vào tháng 11 hàng năm, với các sao băng chính là những mảnh vỡ và bụi từ sao chổi có tên là 55P/Tempel-Tuttle. Khi đi vào bên trong hệ Mặt Trời, phần đuôi của sao chổi do được cấu tạo bởi khí, bụi và băng nên bốc hơi, để lại một “vành đai” bụi và thiên thạch trên đường đi của nó. Quỹ đạo của sao chổi 55P/Tempel-Tuttle gặp quỹ đạo của Trái đất tại một điểm. Khi đi ngang qua giao điểm này của hai quỹ đạo, Trái đất sẽ gặp vành đai ấy nên các hạt bụi vũ trụ và thiên thạch từ sao chổi 55P/Tempel-Tuttle do bị tác động của sức hút của Trái đất sẽ rơi vào khí quyển như …mưa.

Leonids được gọi là vua trong 11 loại mưa sao băng chủ yếu thường đến với Trái Đất. Mười mưa sao băng kia là Quadrantids, Lyrids, Eta Aquarids, Southern Delta Aquarids, Alpha Capricornids, Southern Iota Aquarids, Northern Iota Aquarids, Perseids, Orionids và Geminids. Mỗi loại mưa sao băng xuất hiện vào những lúc khác nhau trong một năm, nhưng không phải lúc nào cũng có thể trong thấy rõ như Leonids.

Mưa sao băng Leonids xuất hiện vào khoảng các ngày từ 14-11 đến 20-11 mỗi năm. Ngày cao điểm thường rơi vào 17-11. Trận mưa sao băng được xem là lớn nhất xảy ra vào đêm 12 tháng 11 năm 1833.

Hiện nay mưa sao băng Leonids ngày càng yếu dần, cho đến khi sao chổi 55P/Tempel-Tuttle tạo ra vệt bụi mới theo chu kì 33 năm.

Sao băng - Leonid1833 / Thiên văn học Đà Nẵng
Ảnh: hình vẽ mưa sao băng leonids 1833 được sách báo miêu tả như quang cảnh của ngày tận thế khi bầu trời đêm xuất hiện dày đặc các quả cầu lửa (fireball).

MƯA SAO BĂNG GEMINIDS:

Mưa sao băng Geminids bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỉ 19 và cho đến nay nó là một trong những trận mưa sao băng lớn nhất của năm. Trong một thời gian dài nguồn gốc của mưa sao băng Geminids khá bí ẩn, các nhà thiên văn cố gắng kiếm tìm sao chổi đã gây ra trận mưa sao băng này. Nhưng sự việc chỉ được sáng tỏ vào năm 1983, khi NASA phát hiện ra vật thể 3200 Phaethon có lẽ chính là nguồn gốc gây ra mưa sao băng Geminids hàng năm từ 7/12 đến 17/12.

Nguồn gốc

Với vật thể 3200 Phaethon nguyên nhân gây ra sao băng Geminids, hiện nay nó không giống một ngôi sao chổi mà như là một tiểu hành tinh với cấu tạo bằng vật chất rắn hơn là băng và nước. Nhưng các nhà thiên văn tin rằng 3200 Phaeteon là nhân của một sao chổi xa xưa vốn đã bị gió mặt trời thổi bay hết lớp vỏ bên ngoài.

Một số lưu ý khi thức quan sát mưa sao băng:

Khi có thông tin về mưa sao băng, các bạn thường sẽ phải thức gần như đến sáng để xem, chính vì vậy, một số lời khuyên dành cho các bạn đam mê bầu trời để đảm bảo sức khỏe và có thể quan sát được tốt nhất.

– Quan trọng nhất là điều kiện thời tiết, trời phải quang mây và có thể thấy rõ các ngôi sao bình thường thì mới có thể thấy được sao băng bạn nhé! Nếu thời điểm hiện tại có nhiều mây, đừng vội thất vọng vì bầu trời mùa mưa rất thất thường. Ánh sáng của trăng hay ánh sáng đèn sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc chiêm ngưỡng các sao băng. Ở vùng quê ít bị ô nhiễm ánh sáng bạn có thể thấy được số lượng các sao băng hơn rất nhiều lần nếu quan sát ở thành phố.

-Chọn 1 địa điểm có tầm nhìn thoáng và tối để có thể quan sát được tốt hơn.

-Mang theo bản đồ sao hoặc laptop có chương trình mô phỏng bầu trời nếu có để xác định được vị trí của chòm sao và vùng trời mà mưa sao băng xuất phát tại đó và quan sát những vật thể khác.

-Không nên chăm chú vào chòm sao mà dường như trận mưa sao băng sẽ xuất phát từ đấy. Ví dụ, trận mưa sao băng geminids – các sao băng dường như xuất phát từ chòm sao này nhưng nếu chứ chăm chú vào chòm sao này thì thấy rất ít sao băng, phải nhìn về bao quát về phần bầu trời xung quanh chòm sao đấy thì sẽ thấy được nhiều sao băng hơn.

-Nếu được, mang nệm, chiếu, túi ngủ hoặc thứ gì có thể được để trải xuống nằm không để bị lạnh lưng và đặc biệt luôn mang theo mũ, áo ấm khi thức cả đêm quan sát để tránh nhiễm sương.

Phương Loan (HAAC)

Tài liệu tham khảo:
-IMO Meteor shower calendar 2008
-Trang web của Nasa
-Wiki VN
-Bài viết của các thành viên HAAC

Content Protection by DMCA.com