Nhật Hạ, một thành viên của câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết, những nhóm bạn trẻ yêu thiên văn và đam mê thú chơi này ở khắp nơi đang ráo riết chuẩn bị cho ngày hội thi tên lửa nước dự kiến diễn ra tại TP.HCM vào tháng 10 năm nay.
Một buổi thi tên lửa nước của học sinh trường quốc tế Ảnh: HAAC
Nhất Trí, một học sinh lớp 10 thổ lộ trên diễn đàn của trường THPT Phan Bội Châu (Phan Thiết), “Mình đã chờ đợi cuộc thi này từ rất lâu. Dù ở tận Phan Thiết nhưng nhất định mình sẽ vào TP.HCM tham dự hội thi”. Nhóm của Trí dự định đem vào TP.HCM ba giàn tên lửa, chiều cao của mỗi giàn khoảng 2m, có thể tách tầng và khi bắn có độ cao hơn 100m. Trong khi đó, các câu lạc bộ thiên văn – vật lý của các trường trung học phổ thông tại TP.HCM cũng đang bước vào cuộc đua chế tạo tên lửa phân tầng và hệ thống tự bung dù cho tên lửa. Huy, một thành viên của nhóm chế tạo tên lửa ở trường Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cho biết, nhóm đã phóng thử thành công tên lửa bay từ sân trường sang… toà nhà của Parkson. Huỳnh Ngọc Long, một thành viên tích cực cung cấp cách thức làm tên lửa nước của HAAC cho biết, “tuy đơn giản nhưng muốn làm một chiếc tên lửa nước thành công, không thể không nắm vững một số nguyên tắc và kiến thức vật lý phổ thông như cách tính thể tích nước và áp suất khí quyển…”
Những nhóm chơi tự phát từ các sinh viên, học sinh yêu khoa học thiên văn như câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP.HCM, câu lạc bộ thiên văn trẻ Việt Nam, câu lạc bộ thiên văn bách khoa (Đà Nẵng)… đã tạo nên các diễn đàn thu hút đông đảo những người trẻ góp phần quảng bá rộng rãi kiến thức khoa học.
Khơi dậy lòng say mê sáng tạo
Theo Nguyễn Anh Tuấn, chủ nhiệm HAAC, câu lạc bộ đang thực hiện một số “dự án” như: phổ biến cách chế tạo tên lửa nước cho học sinh các trường phổ thông; quảng bá những bộ phim khoa học phổ biến trên thế giới (nhóm chỉ dịch và làm phụ đề để cung cấp cho thành viên câu lạc bộ và những người yêu thích thiên văn học); tổ chức các hội thảo chuyên đề về thiên văn học… HAAC cũng đã phối hợp với một số trường phổ thông quốc tế thực hiện các buổi hướng dẫn cách chế tạo và vận hành tên lửa nước trong kỳ nghỉ hè này. Lần gần đây nhất, câu lạc bộ đã có buổi thực hành tên lửa nước cho các học sinh trường quốc tế Citysmart tại khuôn viên nhà thiếu nhi TP.HCM. Bà Nguyễn Thị Hương Thảo, hiệu trưởng trường, chia sẻ: “vũ trụ và thiên nhiên vô tận luôn luôn là những đề tài kích thích trí tưởng tượng của trẻ em. Mọi ngọn nguồn của sáng tạo khoa học phải bắt đầu từ đây”.
Điều đáng nói hơn, những cuộc chơi như vậy đã góp phần khơi dậy lòng say mê sáng tạo và khao khát khám phá ở học sinh. Bà T. Chiku thuộc cơ quan Hàng không và thăm dò vũ trụ Nhật Bản cho rằng: “Tự làm và phóng tên lửa nước không chỉ nhằm mục đích giải trí mà còn giúp học sinh hiểu thêm và tiếp cận với những kiến thức khoa học vũ trụ cơ bản cũng như lợi ích của chúng đối với sự phát triển của con người”.
Thú chơi đang lan ra cả nước
Cách đây ba năm, nhân hội thảo về giáo dục vũ trụ tại Việt Nam, tổ chức UNESCO, cơ quan Hàng không và thăm dò vũ trụ Nhật Bản đã phối hợp cùng với viện Khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức cuộc thi bắn tên lửa nước cho học sinh một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội, Huế và TP.HCM. Bị hấp dẫn bởi trò chơi khoa học này, một nhóm học sinh chuyên lý của trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong đã lập ra câu lạc bộ vật lý – thiên văn, và thông qua các diễn đàn mạng, phong trào tên lửa nước đã lan rộng ra nhiều trường trung học ở TP.HCM và các nơi như Cần Thơ, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Thuận, Lâm Đồng …
Tên lửa nước hoạt động dựa trên nguyên lý không khí nén tạo ra lực ép đối với nước trong chai, làm nước phụt ra ngoài qua van. Nước phụt ra ngoài tạo ra lực đẩy, làm tên lửa bắn vọt lên trời, có thể bay cao 100 – 200m. Tên lửa bay cao hay thấp tuỳ thuộc tỷ lệ thích hợp giữa lượng nước và lượng không khí nén bên trong.
Theo Vietastro
Bình luận