Ngay sát thời khắc “nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ”, diễn ra sáng 22/7, một thành viên Hội Thiên văn-Vũ trụ Việt Nam trăn trở thiên văn học là một ngành khoa học cơ bản, nhưng hiện tại ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

“Có thiết bị nhưng không khai thác hết”

Anh Nguyễn Đức Phường, một thành viên của Hội Thiên văn-Vũ trụ Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, Việt Nam có nhiều thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu thiên văn học nhưng không được khai thác hiệu quả, để lãng phí.

Thiên văn học VN: Gian nan những bước đầu - avatar / Thiên văn học Đà Nẵng
 
Ảnh minh họa
Anh Phường nhớ lại ngày 24/10/1995, khi hiện tượng nhật thực toàn phần ở Phan Thiết, các nhà khoa học quốc tế đã đến Việt Nam nghiên cứu hiện tượng này. Họ tự thiết kế kính thiên văn giao thoa vô tuyến và sau khi kết thúc chuyến quan sát ở Việt Nam đã tặng lại cho Hội Thiên văn-Vũ trụ Việt Nam. Kính thiên văn vô tuyến vẫn còn lưu giữ, tiếc là do không sử dụng nên bây giờ đã hỏng hóc nhiều.

Lần nhật thực này, Hội Thiên văn-Vũ trụ tổ chức quan sát tại đài thiên văn đặt tại Khoa Vật lý (Đại học Sư phạm Hà Nội) nhưng thiết bị quan sát là các kính thiên văn quang học loại nhỏ. Kính này nếu có “vật cản” như trời mây, âm u là không quan sát được Mặt trời. Trong trường hợp đó, nhiều nhà khoa học và người dân sẽ không được chứng kiến “sự kiện thế kỷ” này.

Trong khi đó, giới khoa học nhiều quốc gia đã hưởng ứng hiện tượng nhật thực này từ cách đây gần một năm. Anh Phường cho biết: “Các nước khác chuẩn bị rất tốt, thậm chí một số hội thiên văn ở các tỉnh của Trung Quốc chuẩn bị ngay từ năm trước”.

Các nước còn huy động cả những kính thiên văn quang học hiện đại để các chuyên gia có thể chụp ảnh, trong đó có cả các thiết bị tối tân để nghiên cứu mặt trời như kính thiên văn giao thoa vô tuyến. Họ tổ chức tập trung tại một địa điểm lớn, nơi đó các nhà khoa học và công chúng có thể giao lưu với nhau. Đây cũng là một cách để đem khoa học đến gần với công chúng hơn.

Ở Ấn Độ, các nhà khoa học và người dân còn tổ chức một chuyến bay dọc theo dải nhật thực toàn phần suốt mấy tiếng đồng hồ, ở độ cao trên 1.200m.

“Cần thiết phải có môn học thiên văn”

Nghiên cứu thiên văn đòi hỏi phải được trang bị những kỹ thuật hiện đại, tinh vi như các trạm thăm dò không gian, các phi thuyền vũ trụ, kính thiên văn không gian… Tuy nhiên hiện nay, ở Việt nNm hoạt động nghiên cứu này chủ yếu do Hội Thiên văn-Vũ trụ Việt Nam triển khai với những bước đi nhỏ.

Theo anh Nguyễn Đức Phường, Hội đang tập trung vào việc khai thác và viết các chương trình phần mềm để mô phỏng và giải quyết các bài toán thiên văn. Hướng này đã được triển khai vài năm trước và cũng đã thu được những kết quả nhất định. “Chúng tôi cũng đang cộng tác với các nhà khoa học nước ngoài và được cung cấp một số chương trình tính toán chuyên dụng. Việc khai thác các chương trình này là rất hứa hẹn và là mũi nhọn cho các nghiên cứu tương lai”.

Với sự giúp đỡ của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế, Việt Nam sẽ tiến hành một số quan trắc bầu trời và tham gia các dự án chung với cộng đồng thiên văn quốc tế. Đặc biệt, hưởng ứng Năm quốc tế về thiên văn 2009, Hội Thiên văn-Vũ trụ Việt Nam và các câu lạc bộ thiên văn trong nước đã tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu và phổ biến thiên văn trong cộng đồng.

Tâm nguyện của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu, Giám đốc điều hành đài thiên văn Paris, đối với nền thiên văn học nước nhà là “cần thiết phải có một môn học thiên văn”.

Giáo sư cho rằng: “Thiên văn là một khoa học cơ bản như Vật lý, Hóa học, Toán học, Sinh học,… Không chỉ có các nước phát triển với tiềm lực kinh tế mạnh mới đủ khả năng giảng dạy thiên văn ngay từ các cấp học phổ thông cơ sở. Có rất nhiều các quốc gia đang phát triển chưa phải mạnh về mọi mặt nhưng cũng đã nhận thấy cần thiết phải đưa thiên văn vào hệ thống giáo dục phổ thông”.

Chính vì thế, việc đào tạo cán bộ chuyên ngành, việc phổ biến giảng dạy thiên văn cùng sự quan tâm của quần chúng đối với thiên văn học, là bước đầu trong công trình xây dựng nền móng của ngành thiên văn Việt Nam.

Giáo sư cho rằng nên đưa thiên văn vào giảng dạy trong hệ thống các trường phổ thông, cao đẳng, đại học. Đây sẽ là nền móng ban đầu cho quá trình đào tạo bậc cao hơn, và là cơ sở để sau này chúng ta bắt tay vào tham gia ứng dụng các công nghệ vũ trụ./.

(Tin tức/Vietnam+)

Content Protection by DMCA.com