Theo nhận định của Viện Vật lý địa cầu, chiều 15/1, tuy Việt Nam nằm ngoài dải quan sát hình khuyên nhưng vẫn có thể quan sát được nhật thực một phần và sẽ thấy sao Kim nhờ nhật thực.

Đây sẽ là nhật thực hình khuyên thường niên dài nhất trong 1.000 năm tới.

Hiện tượng nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời. Nhật thực hình khuyên xảy ra hàng năm khi Trái Đất ở vị trí gần nhất so với Mặt Trời và Mặt Trăng ở vị trí xa nhất so với địa cầu. Vì thế mà Mặt Trăng không đủ lớn để che khuất toàn bộ Mặt Trời.

Đây là sự kiện đáng chú ý bởi nhiều hiệu ứng của nhật thực toàn phần cũng xảy ra trong nhật thực hình khuyên, chẳng hạn như sự suy giảm độ sáng của tia nắng mặt trời và những tác động đối với động vật.

Song nhật thực hình khuyên nguy hiểm hơn nhật thực toàn phần vì Mặt Trời không bị che khuất hoàn toàn. Một trong những cách an toàn nhất để ngắm nhật thực hình khuyên là đặt một gương nhỏ có đường kính dưới 2,5cm trên gờ cửa sổ. Gương sẽ phản chiếu hình ảnh mặt trời bị che khuất vào phòng.

Khu vực cực đại của nhật thực hình khuyên sẽ di chuyển gần nửa vòng trái đất. “Bóng của Mặt trăng” sẽ bắt đầu ở châu Phi và đi qua khu vực Ấn Độ Dương, nơi mà thời gian che lấp cực đại lên đến 11 phút 8 giây.

Sau đó, tâm nhật thực tiếp tục di chuyển vào châu Á qua các nước Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar và Trung Quốc.

VN có thể quan sát một phần nhật thực hình khuyên - avatar / Thiên văn học Đà Nẵng
(Ảnh minh họa: Internet)

Riêng Việt Nam sẽ quan sát được nhật thực một phần với độ bị che của Mặt Trời còn lớn hơn lần nhật thực ngày 22/7/2009 tại một số địa phương. Độ che phủ của mặt trời sẽ dao động trong khoảng từ hơn 35% ở phía Nam đến gần 80% ở phía Bắc.

Đặc biệt, ở tỉnh Lai Châu có thể quan sát được Mặt Trời bị che nhiều nhất đến 74,9%, nhật thực diễn ra vào lúc 14 giờ 11 phút, đạt cực đại vào lúc 15 giờ 46 phút và kết thúc vào 17 giờ 5 phút.

Tại Hà Nội, người dân ở Thủ đô có thể quan sát nhật thực với độ che lấp 67.3%, bắt đầu diễn ra vào lúc 14 giờ 16, cực đại đến 67,3% vào 15 giờ 48 phút và kết thúc vào 17 giờ 5 phút.

Khu vực miền Trung độ che khuất của mặt trời vào khoảng 40-60%. Tại Đà Nẵng, nhật thực chỉ có khoảng 49,4% cực đại vào lúc 15 giờ 44. Ở các tỉnh miền Nam độ che khuất của Mặt Trời bị giảm chỉ khoảng 30-40%. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhật thực diễn ra vào lúc 14 giờ 17 phút, đạt cực đại 38,1% vào 15 giờ 41 phút và kết thúc nhật thực vào 16 giờ 52./.

Theo VNplus

Content Protection by DMCA.com