Một trong những mục đích quan sát hiện tượng Sao Kim đi ngang qua Mặt Trời là để xác định khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời. Phương pháp này được áp dụng rộng rãi bởi các nhà thiên văn châu Âu cận đại. Năm 1631, Johannes Kepler đã dự đoán sai thời điểm đi qua Mặt Trời của Sao Kim nên các nhà thiên văn châu Âu đã quan sát không thành công. Nhà thiên văn người Anh Jeremiah Horrocks đã tinh chỉnh các tính toán của Kepler và dự đoán Sao Kim sẽ đi ngang qua Mặt Trời vào khoảng 3 giờ chiều ngày 24/11/1639. Ông đã hứng ảnh Mặt Trời qua kính viễn vọng lên một tấm màn để quan sát.
Horrocks đã dự đoán đúng và quan sát được hiện tượng thiên văn này. Tuy nhiên, thời gian quan sát rất ngắn do ảnh hưởng của mây. Cùng lúc đó, một người bạn của ông là William Crabtree cũng đã tiến hành quan sát tại một thành phố khác. Horrocks và Crabtree được xem là 2 người đầu tiên quan sát thành công hiện tượng Sao Kim đi ngang qua Mặt Trời bằng kính viễn vọng. Kết quả quan sát cho phép ước lượng kích thước Sao Kim cũng như khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời. Mặc dù theo tính toán của Horrocks, khoảng cách này chỉ vào khoảng 0.639 AU, kém hơn rất nhiều so với các số đo hiện đại, nhưng đó cũng là một bước tiến lớn nếu so sánh với những kết quả đã có từ trước.
Ảnh: Jeremiah Horrocks quan sát Sao Kim đi qua Mặt Trời
Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. November 23 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/11/11_23.htm
[2]Wikipedia, 11/2007. Transit of Venus, https://en.wikipedia.org/wiki/Transit_of_Venus
Trần Tuấn Tú
ttvnol.com
Bình luận