Bernhard Schmidt sinh ra tại đảo Naissaar, phía bắc thủ đô Tallinn của Estonia. Từ nhỏ, ông đã rất say mê tìm hiểu, thí nghiệm, mày mò chế tạo các thiết bị khoa học và quan sát thiên văn. Năm 15 tuổi, trong 1 lần nhồi thuốc súng, tai nạn đã xảy ra và Schmidt bị mất cánh tay phải. Năm 1895, ông chuyển đến sống tại Tallinn. Sau 1 thời gian làm thợ nhiếp ảnh và nhân viên thiết kế kỹ thuật, năm 1901, ông đến học tại trường đại học Kỹ thuật Chalmers, Thụy Điển. Chỉ 1 thời gian ngắn sau, Schmidt chuyển đến học tại Mittweida, Đức. Ngoài giờ học, Schmidt còn giành thời gian chế tạo các thiết bị quang học để bán cho những nhà thiên văn nghiệp dư.
Các sản phẩm của ông có chất lượng rất tốt và được những giáo sư hàng đầu tại những đài thiên văn khắp nước Đức đánh giá rất cao. Sau khi tốt nghiệp, Schmidt thành lập công ty chế tạo thiết bị quang học phục vụ cho các quan sát thiên văn. Trong thời gian từ 1904 – 1914, công việc kinh doanh của ông rất thuận lợi. Schmidt không chỉ chế tạo ra các gương cầu chính xác nhất thời bấy giờ mà còn có khả năng hiệu chỉnh, cải tiến những thiết bị đã được chế tạo bởi những hãng khác. Bằng những thiết bị tự chế tạo, Schmidt đã tiến hành chụp những bức ảnh rất «ấn tượng» về Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh.
Bernhard Woldemar Schmidt (30/03/1879 – 01/12/1935)
Thế chiến thứ nhất nổ ra, công việc của Schmidt bị gián đoạn. Ông đã bị bắt và bị quản thúc 1 thời gian. Sau khi được thả, Schmidt cố gắng thiết lập lại công việc nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Nước Đức vừa bại trận cần tiền để bồi thường chiến tranh, không thể chi trả cho các mục đích khoa học. Năm 1927, ông đến làm việc dài hạn tại đài thiên văn Hamburg. Trong những năm 1927, 1929, ông đã tham gia vào hai chuyến quan sát nhật thực do đài thiên văn tổ chức.
Năm 1930, Schmidt chế tạo thành công «camera phản xạ trường nhìn rộng» (wide-angle reflective camera). Đây được đánh giá là phát minh quan trọng nhất của Schmidt, một phát minh gây ra «cuộc cách mạng» trong lĩnh vực thiên văn học và lĩnh vực chế tạo các thiết bị quang học nửa đầu thế kỷ XX. Schmidt đã giải quyết triệt để các vấn đề về quang sai cầu, quầng và loạn ảnh. Dựa trên mô hình và giải pháp của Schmidt, các nhà khoa học đã có thể chế tạo ra những chiếc kính thiên văn trường nhìn rộng có khả năng chụp ảnh với thời gian phơi sáng rất ngắn.
Schmidt qua đời ở tuổi 56 vì bệnh viêm phổi. Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một crater trên Sao Hỏa.
Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. December 01 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/12/12_01.htm
[2]Wikipedia, 11/2007. Bernhard Schmidt, https://en.wikipedia.org/wiki/Bernhard_Schmidt
Trần Tuấn Tú
ttvnol.com
Bình luận