Grote Reber sinh ra tại thành phố Wheaton, bang Illinois, Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư vô tuyến học viện Kỹ thuật Illinois năm 1933, ông đã làm việc cho một số công ty tại thành phố Chicago. Khi được biết đến những phát hiện của Karl Guthe Jansky về bức xạ vô tuyến của Ngân Hà, Rober đã quyết định chuyển sang nghiên cứu lĩnh vực mới này. Ông nộp đơn xin việc cho phòng thí nghiệm Bell. Nhưng do lúc đó nước Mỹ đang trong giai đoạn đại suy thoái (the Great Depression), hơn nữa phát hiện của Jansky lúc đó cũng không được phòng thí nghiệm chú ý đến nên Rober đã không được tuyển dụng.
Grote Reber (22/12/1911 – 20/12/2002)
Reber đã quyết định tự xây dựng một đài thiên văn vô tuyến tại nhà riêng ở Wheaton. Đến năm 1937, đài thiên văn đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Sau khi gặp thất bại tại dải tần 3300 MHz và 900 MHz, ông đã thu được nguồn bức xạ vô tuyến của Ngân Hà tại dải sóng 160 MHz. Thành công của Rober đã khẳng định những phát hiện của Jansky. Rober tiếp tục công việc của mình bằng việc thiết lập một bản đồ «tần số sóng vô tuyến» của toàn bộ bầu trời. Năm 1941, ông hoàn thành công trình của mình. Trong 2 năm sau, Rober tiếp tục phát triển các kết quả thu được và công bố bản mở rộng vào năm 1943. Reber được coi là người khởi đầu cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ của thiên văn vô tuyến từ sau Thế Chiến thứ 2. Đài thiên văn vô tuyến do Reber tự xây dựng được công nhận là đài thiên văn vô tuyến đầu tiên trên thế giới.
Reber đã tư vấn việc xây dựng cũng như hiến tặng các thiết bị của mình cho đài thiên văn vô tuyến quốc gia Hoa Kỳ (NRAO). Ông cũng tham gia vào quá trình phục hồi lại đài quan sát của Jansky. Từ những năm 1950, ông bắt đầu chuyển sang nghiên cứu các sóng dài, lĩnh vực mà hồi đó chưa thu được nhiều sự quan tâm. Do bầu khí quyển hấp thụ rất mạnh các sóng dài nên Reber đã chuyển đến làm việc tại đảo Tasmania, nam Australia. Tại địa điểm trên, các sóng vô tuyến nhân tạo có cường độ rất nhỏ, cho phép thu được các sóng dài rất yếu đến từ vũ trụ. Ông sống ở Tsamania cho đến khi qua đời. Tro của ông được lưu giữ tại 24 đài thiên văn vô tuyến nổi tiếng trên khắp thế giới. Tên ông được đặt cho một tiểu hành tinh (asteroid 6886 Grote)
Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. December 22 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/12/12_22.htm
[2]Wikipedia, 11/2007. Grote Reber, https://en.wikipedia.org/wiki/Grote_Reber
Trần Tuấn Tú – TTVNOL
Bình luận