CẨM NANG KIẾN THỨC THIÊN VĂN

Chương II: Thiên hà

* Khái niệm và phần loại:

Thiên hà là một tập hợp rất lớn các sao liên kết với nhau bởi lực hấp dẫn và tạo thành một hệ thống quay xung quanh tâm của hệ.

Các thiên hà khá đa dạng, có chứa từ hàng chục triệu ngôi sao cho tới hàng ngàn tỉ ngôi sao, đường kính từ 1.500 đến 300.000 năm ánh sáng (n.a.s). Khu vực gần tâm của thiên hà có kích thước khoảng 1.000 n.a.s và mật độ sao lớn nhất, kích thước các ngôi sao cũng lớn nhất.

Thiên hà - 1 kmgdot / Thiên văn học Đà Nẵng

Thiên hà Andromeda

* Phân loại:

Căn cứ vào hình dạng của các thiên hà đã nghiên cứu, đầu những năm 20 của thế kỉ XX, nhà thiên văn học người Mĩ E.Hubble (1889-1953) đã lập ra bảng phân loại các thiên hà, gọi là “bảng phân loại Hubble”. Theo ông, có các nhóm thiên hà phân theo hình dạng:

Thiên hà - / Thiên văn học Đà Nẵng

Phân loại các Thiên hà dựa trên hình dạng

Thiên hà xoắn ốc (chiếm 60%), thiên hà elip (chiếm 15%), thiên hà dạng thấu kính (chiếm 20%) và thiên hà không định hình (chiếm 3%). Số lượng 2% các thiên hà còn lại, không có trong bảng phân loại của Hubble, gọi là các thiên hà “đặc biệt”. Đó là các thiên hà lùn.

* Thiên hà bức xạ. Các thiên hà tương tác:

Thiên hà bức xạ (thiên hà có nhân bức xạ) khác với các thiên hà thông thường ở chỗ chúng bức xạ phần lớn năng lượng từ vùng tâm rất nhỏ (có kích thước từ vài giờ đến vài tháng ánh sáng), ở các dải sóng ngoài vùng khả kiến, chủ yếu là dải sóng vô tuyến và tia X. Chúng chỉ chiếm khoảng dưới 5% tổng số các thiên hà.

Các thiên hà ở gần nhau (so với kích thước của chúng) có thể tương tác với nhau (va đập vào nhau, nhập làm một…). Trong số hơn 100 tỉ thiên hà (đã biết) trong Vũ trụ, chỉ có 2% tương tác với nhau.

* Quần Thiên hà và Siêu Quần Thiên hà:

Quần thiên hà là một tập hợp dày đặc gồm vài nghìn thiên hà liên kết với nhau bởi lực hấp dẫn. kích thước 5-60 triệu n.a.s, khối lượng cỡ vài triệu tỉ lần khối lượng Mặt Trời.

Siêu quần thiên hà tập hợp nhiều quần thiên hà. CCó kích thước khoảng 100-300 triệu n.a.s, khối lượng khoảng 10 triệu tỉ lần khối lượng Mặt Trời.

* Thiên hà của chúng ta – Ngân Hà:

Thiên hà - 3 jsnicl / Thiên văn học Đà Nẵng

Dải Ngân Hà nhìn từ Trái Đất

Có thể coi Thiên Hà (Ngân Hà) có dạng hình đĩa dẹt, trong đó có các tay xoắn. Thuộc nhóm các Thiên hà dạng xoắn ốc. Cấu tạo của Ngân Hà gồm:

– Đĩa Thiên Hà (đĩa sao) có đường kính khoảng 30 kpc (kpc: kiloparsec = 1000 parsec (pc), 1pc = 3,26 n.a.s), dày cỡ 1000 n.a.s. Đĩa khí có đường kính ít nhất 40-44kpc. Đĩa Thiên Hà chiếm tới 70% khối lượng của Thiên Hà (150 tỉ lần khối lượng Mặt Trời).

– Nhân Thiên Hà bao quanh tâm có mật độ sao dày đặc, có đường kính khoảng vài pc. Nhân là nguồn bức xạ năng lượng rất mạnh, nhất là sóng vô tuyến, tia hồng ngoại và tia gamma.

– Bầu Thiên Hà là vùng quanh nhân, do đĩa Thiên Hà phồng lên. Bầu có bán kính khoảng 1,5-3pc, khối lượng bằng 1/6 khối lượng đĩa. Bầu chủ yếu gồm các sao tương đối già (phát ra ánh sáng vàng và đỏ) so với các tay xoắn.

– Quầng Thiên Hà, bao trùm quanh đĩa, có hình cầu, đường kính 50.000-65.000 n.a.s. Quầng là nơi phân bố sao thưa thớt, gần như không có khí và bụi giữa các sao. Bao trùm quầng là một quần tối, có đường kính khoảng 200.000-400.000 n.a.s.

– Khí giữa các sao chiếm khoảng 5-10% khối lượng đĩa Thiên Hà, nhưng ở bầu chỉ chiếm dưới 1% khối lượng bầu.

– Thiên hà của chúng ta cũng có chuyển động quay. Ngân Hà quay 1 vòng khoảng 220 triệu năm và thường được gọi là năm Thiên hà.

Trương Thị Trà My – Nhóm Kiến Thức – DAC

Cẩm nang kiến thức thiên văn

Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 – Phần 4 – Phần 5 – Phần 6

Content Protection by DMCA.com