Subrahmanyan Chandrasekhar sinh ra ở Lahore trong thời gian Ấn Độ là thuộc địa của Anh (nay thành phố này thuộc Pakistan). Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng Presidency chuyên ngành vật lý, Chandrasekhar nhận được học bổng của chính phủ Ấn Độ tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại đại học Cambridge. Năm 1933, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và tiếp tục làm việc tại đại học Cambridge. Tháng 1 năm 1937, Chandrasekhar chuyển đến làm việc tại đại học Chicago. Trong thời gian thế chiến thứ II, ông tham gia nhóm nghiên cứu về đạn đạo.
Ảnh: Subrahmanyan Chandrasekhar (19/10/1910 – 21/08/1995)
Chandrasekhar đã có nhiều đóng góp quan trọng cho vật lý thiên văn thế kỷ XX. Ông có nhiều công trình và là tác giả của nhiều cuốn sách kinh điển về cấu tạo và quá trình phát triển của các ngôi sao; khảo sát các đặc điểm động lực học của những cụm sao, thiên hà; khảo sát sự bức xạ và truyền năng lượng; xây dựng mô hình toán cho các hố đen, v.v … Chandrasekhar là biên tập viên tạp trí Astrophysical trong gần 20 năm, ông là đồng tác giả của cuốn sách : “Newton’s Principia for the Common Reader” (Các nguyên lý của Newton dành cho người đọc phổ thông). Cuốn sách đã trình bày lại tác phẩm kinh điển của Sir Issac Newton: “Philosophiae Naturalis Principia Methamatica” (“Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên”) một cách dễ hiểu, sử dụng các công cụ toán học đơn giản.
Chandrasekhar đã tìm ra giới hạn trên về khối lượng để một ngôi sao có thể kết thúc cuộc đời dưới dạng một ngôi sao lùn trắng (tương đương với giới hạn dưới về khối lượng để một ngôi sao có thể kết thúc cuộc đời dưới dạng một vụ nổ sao supernova hoặc hố đen). Khối lượng này được gọi là “Giới hạn Chandrasekhar”, có giá trị vào khoảng 1.44 lần khối lượng Mặt Trời. Năm 1983, ông được trao giải thưởng Nobel vật lý. Tên ông được đặt cho một tiểu hành tinh (asteroid 1958 Chandra). Ngày 23/07/1999, NASA đã phóng thành công đài thiên văn tia X Chandra (Chandra X-ray Observatory) lên không gian. Đây là đài thiên văn không gian thứ 3 thuộc dự án “NASA’s Great Observatories” (1)
Ảnh: Đài thiên văn Chandra hoạt động ngoài không gian (ảnh minh họa)
Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. October 19 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/10/10_19.htm
[2]Wikipedia, 10/2007. Subrahmanyan Chandrasekhar, https://en.wikipedia.org/wiki/Subrahmanyan_Chandrasekhar
Ghi chú
(1) Hệ thống “NASA’s Great Space Observatories” bao gồm 4 kính thiên văn/đài thiên văn không gian : Hubble (quan sát chủ yếu tại bước sóng khả kiến), Compton (quan sát chủ yếu tại bước sóng tia gamma), Chandra (quan sát chủ yếu tại bước sóng tia X) và Spitzer (quan sát chủ yếu tại bước sóng hồng ngoại). Do một con quay hồi chuyển bị trục trặc, đài thiên văn Compton không thể hoạt động bình thường được nữa và được phá hủy trong bầu khí quyển Trái Đất vào tháng 4/2000. Những mảnh vỡ của đài thiên văn này rơi xuống Thái Bình Dương.
Hero_Zeratul
Box Thiên văn học – ttvnol.com
Bình luận