Là nơi chia sẻ đam mê về vũ trụ, không gian, thiên văn học, vật lý thiên văn… thời gian gần đây, các câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư được thành lập ngày càng nhiều, ở khắp các tỉnh thành, đã và đang thỏa mãn niềm đam mê khoa học của các bạn trẻ.

Mơ về những chùm sao - / Thiên văn học Đà Nẵng

Các thành viên CLB thiên văn Đà Nẵng bên 2 bộ kính thiên văn tự tạo – Ảnh: CLB thiên văn Đà Nẵng cung cấp

 Trên bãi biển Đà Nẵng một ngày đầy nắng, bầu trời trong xanh, gần cả trăm thanh niên đa phần tuổi từ 16 đến 30 hào hứng, say sưa với trò chơi bắn tên lửa nước. Đây là một trò chơi khá lạ đối với những bạn trẻ bình thường nhưng là trò chơi thú vị và quen thuộc của thành viên các câu lạc bộ (CLB) thiên văn nghiệp dư.

Mỗi mô hình tên lửa được thiết kế rất đặc biệt, đẹp mắt và sáng tạo. “Nguyên lý hoạt động của tên lửa nước rất đơn giản. Lấy một vỏ chai nước bằng nhựa tạo hình tên lửa và đổ khoảng 2/3 nước vào, sau đó ghép với một giàn phóng bằng ống nước có bộ phận cung cấp khí nén vào tên lửa. Dùng bơm tạo áp suất, đến khi đủ áp suất cần thiết thì mở van cho tên lửa bắn đi. Đơn giản vậy nhưng tên lửa nước là trò chơi đặc biệt hấp dẫn các bạn mê khoa học vật lý, thiên văn” – Nguyễn Đức Hạnh, thành viên CLB thiên văn nghiệp dư Quảng Ngãi cho biết.

Trong hơn 2 năm qua, hàng trăm bạn trẻ yêu thiên văn học tại Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã kết nối với nhau, cùng nghiên cứu, thảo luận, chia sẻ kiến thức, niềm đam mê thiên văn học thông qua các diễn đàn, mạng xã hội và ngày hội thiên văn nghiệp dư được tổ chức hằng năm.

Đến với các CLB thiên văn nghiệp dư, bạn trẻ không chỉ bị hấp dẫn bởi những trò chơi hướng đến khám phá vũ trụ, không gian như bắn tên lửa nước, thả trứng mô phỏng tàu đổ bộ, thiết kế, chế tạo kính thiên văn… mà còn được chia sẻ kinh nghiệm quan sát bầu trời, vị trí các chòm sao.

“Quan sát bầu trời đêm tháng 8 có thể xác định vị trí các chòm sao như Thần nông, Đại hùng tinh, Nhân mã, Tam giác mùa hè; nối 3 ngôi sao sáng nhất của các chòm sao Thiên ưng, Thiên nga và Thiên cầm… Có nhiều kiến thức khó tìm thấy và tiếp nhận từ sách vở mà phải qua trải nghiệm mới có được. Kết nối với nhau, thành viên các CLB thiên văn nghiệp dư sẽ có cơ hội chia sẻ cùng nhau những kiến thức bổ ích, lan tỏa những giá trị đích thực của niềm đam mê nghiên cứu vật lý, thiên văn…” – Đặng Tuấn Duy, thành viên CLB thiên văn TP.HCM giải thích.

Luôn đồng hành và khá sâu sát với hoạt động của các CLB thiên văn nghiệp dư trong cả nước, tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàng Anh (Trung tâm vệ tinh quốc gia) cho biết: “Đến với các CLB thiên văn như thế này, bạn trẻ dễ dàng gặp gỡ những người có chung sự quan tâm, thỏa mãn đam mê công nghệ, khám phá không gian, vũ trụ. Những hoạt động bề nổi như chế tạo kính viễn vọng, thiết kế tên lửa nước rất hấp dẫn và khơi gợi tò mò, khám phá khoa học, từ đó, các bạn nuôi dưỡng đam mê và đi dần đến con đường chuyên nghiệp”.

Giữa cái nóng của trưa hè miền Trung, lẫn trong cộng đồng những người trẻ yêu thiên văn là PGS-TS Guillaume Patanchon (ĐH Paris Diderot, Pháp), hiện là giảng viên chương trình đào tạo thiên văn, hàng không (Trường ĐH Khoa học – Công nghệ Hà Nội) đã giúp các bạn rất nhiều khi thực tế hóa những lý thuyết, những khái niệm của một lĩnh vực còn khá mới ở VN. “Dù học vị cao, nhưng anh ấy còn rất trẻ, ngoài 35 tuổi, nên anh ấy có cách rất riêng để truyền đạt những nguyên tắc, nguyên lý cơ bản về vật lý, lan tỏa giấc mơ thiên văn đến những người trẻ” – Thái Văn Lợi, thành viên CLB thiên văn nghiệp dư Đà Nẵng nói về người bạn đồng hành đặc biệt của mình.

“Kết nối với các CLB thiên văn nghiệp dư ở VN, tôi gặp nhiều bạn tuổi mới lớn nhưng đã thể hiện một niềm đam mê đặc biệt, một nền tảng kiến thức nhất định đối với vật lý, thiên văn học… Nếu có cơ hội, được đào tạo chuyên nghiệp, họ sẽ là nguồn nhân lực triển vọng” – TS Guillaume Patanchon khẳng định.

An Dy

Báo Thanh Niên

https://www.thanhnien.com.vn/the-gioi-tre/mo-ve-nhung-chum-sao-448468.html

Content Protection by DMCA.com