CẨM NANG KIẾN THỨC THIÊN VĂN
Chương III: Sao
* Khái niệm. Các đặc trưng cơ bản:
– Khái niệm: Ngôi sao là một quả cầu khí (chủ yếu là Hydro) dạng plasma nóng sáng, khối lượng lớn được giữ bởi lực hấp dẫn.
Mặt Trời, ngôi sao gần Trái Đất nhất, là nguồn năng lượng cho sự sống trên hành tinh của chúng ta.
– Các đặc trưng cơ bản:
+ Độ tuổi: Hầu hết ngôi sao có độ tuổi từ 1 tỷ năm đến 10 tỷ năm.
+ Thành phần hoá học: Các ngôi sao hình thành trong thiên hà có thành phần vào khoảng 71% hiđrô và 27% heli, được đo theo khối lượng.
+ Từ trường: Từ trường của một ngôi sao được tạo ra từ những vùng bên trong sao nơi xảy ra những sự đối lưu tuần hoàn. Chuyển động của các plasma đối lưu này có chức năng giống như một máy phát điện, tạo ra từ trường mở rộng ra bên ngoài ngôi sao.
+ Nhiệt độ: Nhiệt độ tại bề mặt của một sao được xác định bằng tốc độ sản sinh năng lượng tại lõi và bán kính của sao, và thông thường được ước lượng từ chỉ số màu của sao. Nhiệt độ tại vùng lõi của sao là khoảng vài triệu đến vài chục triệu độ.
+ Khối lượng: Các sao có khối lượng khá đa dạng. Từ vài phần (sao lùn) đến vài trăm lần khối lượng Mặt Trời.
* Phân loại sao.
Hiện nay có nhiều kiểu phân loại sao. Phân loại theo nhiệt độ bề mặt (Mặt Trời là một ngôi sao loại G với nhiệt độ bề mặt khoảng 5500-6000 độ). Phân loại theo trạng thái – Kích thước (Sao lùn, Sao trẻ, Sao khổng lồ đỏ, Sao notron…)
* Sự hình thành và tiến hóa:
Một ngôi sao được hình thành từ một đám mây khí (chủ yếu là khí Hydro) co cụm lại dưới tác dụng của lực hấp dẫn. Khi nhiệt độ tại tâm khối khí đạt khoảng vài triệu độ thì bắt đầu xảy ra phản ứng nhiệt hạch tổng hợp Hydro thành Heli và sản sinh năng lượng dưới sạng bức xạ và nhiệt. Khi đó một ngôi sao được hình thành.
Đa số các ngôi sao sống từ 1 đến 10 tỉ năm. Sau đó nguồn nhiên liệu cho phản ứng nhiệt hạch dần cạn kiệt. Các ngôi sao bắt đầu phình to trở thành sao khổng lồ đỏ sau đó kết thúc cuộc đời bằng một vụ nổ sao (siêu tân tinh – supernova) bắn lớp vỏ ra ngoài không gian. Phần lõi còn lại chứa chủ yếu các nguyên tố là sản phẩm cuối cùng của chuỗi phản ứng nhiệt hạch trở thành một thiên thể mà ta gọi là Sao Notron.
Một số trường hợp các sao có khối lượng rất lớn khi chết sẽ hình thành nên Hố đen.
Nguyễn Hoàng Hồng Hạnh – Nhóm Kiến Thức – DAC
Cẩm nang kiến thức thiên văn
Bình luận