Sao chổi xanh lá C/2022 E3 (ZTF)
Sao chổi C/2022 E3 (ZTF) được phát hiện bởi các nhà thiên văn học sử dụng kính khảo sát trường rộng vào tháng 3/2022

Mới đây, sao chổi C/2022 E3 (ZTF), với một tên gọi thân mật là “Sao chổi Xanh lá”, đã đến rất gần Mặt Trời sau hàng chục nghìn năm bay ở rìa ngoài của Hệ Mặt Trời. Sao chổi này được dự báo sẽ sáng nhất trong khoảng từ ngày 31/1 đến ngày 1/2 năm 2023. Khi ở khoảng cách gần trái Đất nhất, nó sẽ chỉ sáng hơn ngôi sao có mức sáng cấp 6 một ít (đọc thêm về Cấp sao biểu kiến tại đây). Tin tốt là “quả bóng vũ trụ” này sẽ không đâm sầm vào Trái Đất, vì khi đến gần chúng ta nhất, nó vẫn cách chúng ta đến 26 triệu dặm. Vậy nên các bạn cũng không cần phải lo lắng đâu nha!

Cấp độ 6 là mức sáng mờ nhạt nhất mà một thiên thể có thể được quan sát bằng mắt thường khi không cần dụng cụ hỗ trợ ở nơi trời quang, ít bị ô nhiễm ánh sáng. Một sao chổi với cấp độ như vậy trông sẽ không giống với những bức ảnh rực rỡ mà chúng ta thường thấy về sao chổi. Nó như một nguồn sáng yếu ớt, mờ ảo, hay đơn thuần là một vệt sáng trên nền trời. Dưới bầu trời thành phố, bạn sẽ cần đến ống nhòm hoặc kính thiên văn cỡ nhỏ để thật sự thấy được sao chổi này. Ngay cả khi cách xa ánh đèn đô thị, bạn cũng nên mang theo chúng, bởi vì ánh sáng của Mặt Trăng sẽ ở đó cùng lúc sao chổi sáng nhất đấy.

Bản đồ sao
Bản đồ vị trí Sao chổi C/2022 E3 (ZTF) ở chòm Kim Ngưu vào ngày 15/2/2023

CÓ GÌ ĐẶC BIỆT VỀ SAO CHỔI NÀY?

Đây là một sao chổi dài hạn, với chu kỳ quỹ đạo rất xa so với Hệ Mặt Trời, từ một nơi mà chúng ta chưa từng có bất cứ quan sát thực tiễn nào. Có rất nhiều sao chổi nằm ở vùng gọi là Đám mây Oort. Nó là một đám mây giả định do có sự tồn tại của các sao chổi như Sao chổi C/2022 E3 (ZTF). Xét trên thực tế, khoảng cách từ Đám mây Oort đến Mặt Trời xa gấp 2000 lần so với khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời. Do đó, tàu thăm dò Voyager 2 sẽ mất khoảng 300 năm để đến được rìa trong của Đám mây Oort, và có thể mất 30.000 năm để bay ra khỏi nó

Ranh giới các khoảng cách thiên thể
Hình ảnh mô tả mối quan hệ giữa Đám mây Oort và Voyager 2 với Hệ Mặt Trời bên trong

Lần gần nhất Sao chổi Xanh lá bay qua Trái Đất là từ kỷ băng hà cuối cùng cách đây 50,000 năm trước. Dự đoán cho thấy, sao chổi này sẽ không “ghé thăm” Hệ Mặt Trời trong vòng ít nhất 1 triệu năm tiếp theo, hoặc cũng có khả năng nó sẽ biết mất hoàn toàn khỏi Hệ Mặt Trời.

Sao chổi này có biệt danh là “Sao chổi Xanh lá” bởi vì khi đến gần Mặt Trời, nó nóng lên và giải phóng diatomic carbon có màu xanh lục.

SAO CHỔI NÀY ĐƯỢC ĐẶT TÊN NHƯ THẾ NÀO?

Mỗi phần trong tên của một sao chổi đều có mục đích của nó. Thông tin này giúp ta nhận biết loại sao chổi, nó được tìm thấy ở đâu, khi nào.

Sao chổi C/2022 E3 (ZTF) có thể được chia ra như sau:

  • C/ nghĩa là sao chổi này được phân loại như một sao chổi thoáng qua.
  • 2022 xác định năm sao chổi này được phát hiện.
  • E3 cho ta biết khoảng thời gian trong năm mà sao chổi này được phát hiện, với một chữ trong bảng chữ cái và một số chỉ thứ tự sao chổi khám phá được trong cùng thời điểm đó (A = nửa đầu tháng Một, B = nửa cuối tháng Một, C = nửa đầu tháng Hai, D = nửa cuối tháng Hai, v.v…, ngoại trừ chữ I và Z không bao giờ được sử dụng).
  • ZTF là viết tắt của Zwicky Transient Facility, nơi phát hiện ra sao chổi.

Tổng hợp và chia sẻ bởi Lưu Phương Thảo Vy – Ban Kỹ Thuật

Content Protection by DMCA.com