Hertzsprung sinh ra ở Copenhagen, thủ đô Đan Mạch. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành hóa học, ông đến làm việc tại St. Peterburg. Năm 1901, ông quay trở lại Đan Mạch và bắt đầu chuyển sang thiên văn học. Năm 1909, ông được nhà thiên văn Karl Schwarzchild mời đến làm việc tại Göttingen. Cuối năm đó, cả 2 người đều chuyển đến đài vật lý thiên văn Postdam. Từ năm 1919, ông làm giám đốc đài thiên văn Leiden, Hà Lan và đảm nhiệm chức vụ giám đốc từ năm 1937 cho đến khi nghỉ hưu năm 1946. Quay trở lại Đan Mạch, ông vẫn tiếp tục làm việc cho tận đến những năm cuối đời.
Ảnh: Ejnar Hertzsprung (08/10/1873 – 21/10/1967)
Trong giai đoạn từ năm 1911 đến 1913, cùng với nhà thiên văn học Hoa Kỳ Henry Norris Russell, Hertzsprung đã xây dựng và hoàn thiện biểu đồ biểu diễn sự phụ thuộc lẫn nhau của các yếu tố: cấp sao tuyệt đối, độ trưng, loại và nhiệt độ bề mặt của các ngôi sao. Biểu đồ này đóng vai trò quan trọng trong quá trình nghiên cứu sự tiến hóa của các ngôi sao và đã được đặt theo tên 2 tác giả.
Năm 1913, Hertzsprung đã dùng phương pháp thị sai đo được khoảng cách đến 1 số biến tinh Cepheid trong Ngân Hà. Các kết quả của Hertzsprung đã cho phép so sánh và hiệu chỉnh phương pháp xác định khoảng cách dựa vào biến tinh Cepheid do Herietta Swan Leavitt tìm ra (1). Ông đã dùng phương pháp này với các thông số của mình để xác định khoảng cách đến đám mây Magienlan nhỏ (2). Hertzsrpung đã xác định được chuyển động riêng, màu sắc và cấp của hàng nghìn ngôi sao trọng cụm sao Pleiades. Ông cũng đã khảo sát khoảng một ngàn hệ sao đôi quang học và phát hiện ra 2 tiểu hành tinh.
Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một tiểu hành tinh (asteroid 1693 Hertzsprung) và biểu đồ do ông cùng Russell xây dựng lên.
Ảnh: Biểu đồ Hertzsprung – Russell
Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. October 08 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/10/10_08.htm
[2]JST, 2006-02-25. The Bruce Medalists, Ejnar Hertzsprung, https://www.phys-astro.sonoma.edu/BruceMedalists/Hertzsprung/index.html
Ghi chú:
(1) Nhà thiên văn học Hoa Kỳ Henrietta Swan Leavitt đã phát hiện ra một số ngôi sao biến quang có độ trưng tỷ lệ thuận với độ dài chu kỳ. Sau hàng loạt những nghiên cứu, năm 1912, bà đã tìm ra mối liên hệ về độ trưng tuyệt đối và chu kỳ của một số ngôi sao biến quang. Các ngôi sao kiểu này được gọi là các sao biến quang Cepheid. Phát hiện của Leavitt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thiên văn học. Dựa vào việc quan sát chu kỳ của sao biến quang Cepheid, người ta có thể xác định độ trưng tuyệt đối của nó. Dựa trên mối tương quan giữa độ trưng biểu kiến (do quan sát) và độ trưng tuyệt đối (tính ra được), có thể xác định được rất chính xác khoảng cách từ Trái Đất đến ngôi sao
(2) Tham khảo thêm 1 số tài liệu khác, có vẻ như là Hertzsprung đã có những sai sót và khoảng cách ông thu được nhỏ hơn nhiều so với thực tế. Do đó, kết quả của Hertzsprung đã không sớm chấm dứt được cuộc tranh luận về quy mô Ngân Hà trong những năm đầu thế kỷ XX
Hero_Zeratul
Box Thiên văn học – ttvnol.com
Bình luận