Horace Welcome Babcock sinh ra ở Pasadena, California, Hoa Kỳ. Năm 1934, H.Babcock tốt nghiệp học viện Kỹ thuật California. Năm 1939, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại đại học California, Berkeley.

Từ năm 1939 đến năm 1941, H.Babcock tham gia nghiên cứu tại đài thiên văn Yerkes và đài thiên văn McDonald. Tháng 9/1941, ông gia nhập nhóm nghiên cứu phát triển radar tại học viện MIT. Năm 1944, ông tham gia dự án phát triển tên lửa học viện Kỹ thuật California. Thế chiến thứ 2 kết thúc, năm 1946, H.Babcock chuyển đến đài thiên văn Mt. Wilson (sau này đổi tên thành đài thiên văn Mt. Wilson và Palomar). Tại đây, ông đã tiến hành nhiều nghiên cứu cùng với cha mình (nhà thiên văn Harold Delos Babcock). Năm 1951, hai cha con ông đã phát minh ra từ ký Mặt Trời (solar magnetograph). Thiết bị đo này không chỉ cho phép ông thu được những kết quả rất chính xác về sự phân bố của từ trường trên Mặt Trời mà còn giúp phát hiện ra sự biến đổi từ trường của những ngôi sao khác trong vũ trụ. H.Babcock còn phát minh ra nhiều thiết bị, dụng cụ sử dụng trong thiên văn học hiện đại. Năm 1961, ông đã xây dựng lên mô hình giải thích sự xuất hiện các vết đen trên bề mặt Mặt Trời: Babcock model (*)

13/09/1912: Ngày sinh nhà thiên văn học Hoa Kỳ Horace Welcome Babcock - 2 hk54yw / Thiên văn học Đà Nẵng
Ảnh: Horace Welcome Babcock (13/09/1912 – 19/08/2003)

Từ năm 1964 đến năm 1978, ông đảm nhiệm chức vụ giám đốc đài thien văn Mt.Wilson và Palomar. Trong thời gian này, ông đã tham gia việc xây dựng đài thiên văn Las Campanas tại Chile.

Tiểu hành tinh thứ 3167 (asteroid 3167) đã được đặt tên là Babcock để vinh danh cha con ông.

Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. September 13 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/9/9_13.htm
[2]JST, 2006-02-25. The Bruce Medalists, Horace Welcome Babcock, https://www.phys-astro.sonoma.edu/BruceMedalists/BabcockHW/index.html

(*): Trong bài viết tương ứng với ngày 24/01 về tiểu sử nhà thiên văn Harold D. Babcock, dựa trên thông tin trong tài liệu «What is up 2007, 365 days of skywatching” của Tammy Plotner, tôi đã viết “Năm 1961, ông (tức Harold. D. Babcock) đã giải thích sự xuất hiện của các vết đen là bắt nguồn từ chuyển động vi sai và sự biến thiên từ trường của Mặt Trời” .

Tuy nhiên, dựa trên những tài liệu viết về Horace W. Babcock, đặc biệt là so sánh tiểu sử tóm tắt của hai cha con ông trên website của Khoa Vật lý và Thiên văn, đại học Somona (giới thiệu những nhà thiên văn được trao tặng huy chương Bruce), có thể khẳng định rằng tác giả Tammy Plotner đã có nhầm lẫn. Người đưa mô hình giải thích sự xuất hiện các vết đen Mặt Trời năm 1961 là Horace W. Babcock

Hero_Zeratul
Box Thiên văn học – ttvnol.com

Content Protection by DMCA.com