Harlow Shapley sinh ra trong 1 nông trại ở bang Missouri, miền trung Hoa Kỳ. Ông đã phải nghỉ học từ rất sớm và làm việc cho một tờ báo. Sau đó, ông tiếp tục theo học chương trình phổ thông và đã hoàn thành chương trình trung học (gồm 6 năm học) chỉ trong 2 năm. Năm 22 tuổi, Shapley đăng ký học chuyên ngành báo chí đại học Missouri. Tuy nhiên, năm đó đại học Missouri chưa chuẩn bị kịp nên đã phải hoãn việc giảng dạy chuyên ngành mới này. Shapley đã chuyển sang thiên văn học.

20/10/1972, Ngày mất nhà thiên văn học Hoa Kỳ Harlow Shapley - shapley / Thiên văn học Đà Nẵng
Ảnh: Harlow Shapley (02/11/1885 – 20/10/1972)

Sau khi tốt nghiệp đại học Missouri, Shapley tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại đại học Princeton. Ông là học trò của nhà thiên văn nổi tiếng Henry Norris Russel. Sau đó ông làm việc tại đài thiên văn Mount Wilson dưới sự chỉ đạo của George Ellery Hale. Từ năm 1921 đến năm 1952, ông đảm nhiệm chức vụ giám đốc đài thiên văn Harvard. Shapley là thành viên của nhiều hội đồng, tổ chức khoa học Hoa Kỳ và Thế giới. Ông là người “đưa chữ S (Science) vào tên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) của Liên hợp quốc.

Shapley đã sử dụng các sao biến quang Cephied để đo khoảng cách đến những cụm sao hình cầu. Ông đã phát hiện ra quy mô của Ngân Hà lớn hơn rất nhiều so với những tính toán trước đó, đồng thời Mặt Trời không nằm ở trung tâm Ngân Hà. Shapley đã đưa ra cấu trúc tổng quát khá chính xác của Ngân Hà (có dạng đĩa dẹt, phần tâm nằm ở hướng chòm sao Sagittarius, ..), tuy nhiên các số liệu về kích thước lại không đúng. Ông đã không tính đến chuyện ánh sáng từ các ngôi sao, cụm sao đã bị các đám khí và bụi hấp thụ một phần cho nên những số liệu về kích thước tính ra được đều lớn hơn thực tế. Ngày 26/04/1920, Shapley đã tham gia “Cuộc tranh cãi lớn” (Great Debate) với Heber D. Curtis về quy mô của vũ trụ. Shapley đã phản đối luận điểm Mặt Trời ở trung tâm Ngân Hà, đồng thời cho rằng các cụm sao hình cầu và những “tinh vân xoắn ốc” đều thuộc Ngân Hà (1). Sau khi Edwin Hubble chứng minh những “tinh vân xoắn ốc” thực sự là những hệ sao độc lập với Ngân Hà, Shapley đã tập trung nghiên cứu nhóm những thiên thể mới được phân loại lại này (các “thiên hà”). Năm 1932, cùng với Adelaide Ames, ông đã xuất bản danh mục khoảng 1249 thiên hà.

Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một tiểu hành tinh (asteroid 1123 Shapleya) và một nhóm thiên hà (Shapley Supercluster)

Tài liệu tham khảo:

[1]Today in Science History, 1999 – 2007. October 20 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/10/10_20.htm
[2]Wikipedia, 07/2007. Harlow Shapley, https://en.wikipedia.org/wiki/Harlow_Shapley
[3]JST, 2006-02-25. The Bruce Medalists, Harlow Shapley, https://www.phys-astro.sonoma.edu/BruceMedalists/Shapley/index.html

Ghi chú
(1) Trong “Cuộc tranh cãi lớn”, Shapley đã đúng khi khẳng định Mặt Trời không ở tâm ở Ngân Hà (một số tài liệu đã so sánh sự kiện này với việc Copernicus bác bỏ thuyết Địa Tâm). Tuy nhiên, do các số liệu về kích thước thu được lớn hơn thực tế nên Shapley đã sai khi kết luận những “tinh vân xoắn ốc” (spiral nebula, thực chất là các thiên hà xoắn ốc) cũng nằm trong Ngân Hà và do đó, chúng không phải là những hệ sao độc lập. Curtis đã đúng khi kết luận “tinh vân Andromeda” (chính xác là thiên hà Andromeda) là một hệ sao độc lập nằm ngoài Ngân Hà. Cuối năm 1924, Edwin Hubble đã chứng minh luận điểm trên của Curtis. Tuy nhiên, khoảng cách từ Trái Đất đến thiên hà Andromeda là vào khoảng 2.5 triệu năm ánh sáng, gấp 5 lần so với tính toán của Curtis.

Hero_Zeratul
Box Thiên văn học – ttvnol.com

Content Protection by DMCA.com