Hình ảnh hai thiên hà tương tác đang say sưa “khiêu vũ” nằm trong số những bức ảnh chụp vũ trụ đẹp nhất tuần qua theo bình chọn của tạp chí National Geographic.
Các dải ánh sáng uốn lượn phía trên thị trấn Yellowknife, miền bắc Canada trong một bức ảnh chụp cực quang mới được công bố. Nhiếp ảnh gia đã sử dụng kỹ thuật số để ráp nối nên một bức tranh toàn cảnh 360 độ về bầu trời tràn ngập cực quang, tạo thành hiệu ứng “quả bóng pha lê” này.
Những đám mây mù sương, hạ thấp tạo nên sức hấp dẫn cho các đỉnh núi phủ tuyết trắng ở Tiên Sơn, Trung Quốc trong một bức ảnh mới công bố do một phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS chụp. Bức ảnh đã ghi lại phần trung tâm của dãy núi, không quá xa khu vực biên giới giữa Trung Quốc, Kyrgyzstan và Kazakhstan. Một thung lũng sông băng cắt ngang, trông như một xa lộ xuyên qua dãy núi vốn được hình thành từ sự va chạm liên tục của các mảng kiến tạo Á-Âu và Ấn Độ.
Những mảng màu lộng lẫy tô điểm cho đảo Holbox và phá Yalahau trong một bức ảnh chụp rìa đông bắc bán đảo Yucatan, Mexico do vệ tinh đa mục đích Kompsat-2 của Hàn Quốc thực hiện. Bức ảnh đã kết hợp ánh sáng có thể nhìn thấy bằng mắt thường và cận hồng ngoại ở các bước sóng khác nhau để hiển thị những chi tiết tinh tế trong các thay đổi bề mặt địa lý.
Hai thiên hà tương tác NGC 6872 và IC 4970 dường như đang tạo dáng trong màn khiêu vũ đầy hấp dẫn. Bức ảnh được chụp từ Đài quan sát Gemini ở Hawaii.
Đến tháng 2/2011, kính viễn vọng không gian Kepler của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện 1.235 hành tinh có thể đang di chuyển vượt trước mặt các ngôi sao chủ của chúng. Các nhà khoa học đã minh họa những hành tinh này bằng các đốm đen.
Một đám mây khí hydro đã nhuộm màu đỏ hồng lên cụm sao NGC 371. Cụm sao NGC 371 nằm trong một thiên hà lùn gọi là Đám mây Magellanic nhỏ, một vệ tinh của dải Ngân hà của chúng ta. Các ngôi sao mới sinh gần đây trong cụm sao này được bao quanh bởi một lớp vỏ hydro tích điện còn sót lại từ sự ra đời của chúng và lớp khí phát sáng với sức nóng từ bức xạ mạnh từ các ngôi sao.
Bức ảnh chụp Vườn quốc gia Tassili n’Ajjer ở đông nam Algeria qua vệ tinh Landsat 7 của NASA đã trở thành một cú chớp về lịch sử địa chất của khu vực. Cát sa mạc (màu vàng) trám đầy những hồ nước hiện đã khô hạn hình thành trên các vỉa đá hoa cương cổ (màu đỏ), trong khi các mỏ muối (màu xanh nước biển) nổi lên giữa các sa thạch do gió tạo tác (màu nâu vàng nhạt).
Tàu thăm dò Solar Dynamics Observatory của NASA đã bay quanh quỹ đạo trái đất kể từ tháng 2/2010, quán sát mặt trời với một bộ dụng cụ được thiết kế để theo dõi sự tiến hóa hoạt động của mặt trời. Tuy nhiên, hai lần một năm, quỹ đạo của tàu vũ trụ này lại đưa nó vào một mùa “nhật thực”, khi trượt phía sau trái đất tới 72 phút một ngày. Trong những khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, con tàu chỉ nhìn thấy một phần mặt trời trong bóng râm của Trái đất. Nhưng không giống như hiện tượng nhật thực nhìn từ trái đất (trông có vẻ rõ ràng do sự thiếu không khí của mặt trăng), nhật thực đối với tàu thăm dò của NASA bị lọc qua bầu khí quyển của trái đất. Việc này tạo ra một cạnh không đồng đều đối với bóng râm phủ lên mặt trời như trong hình trên.
Màu cam sáng trong bức ảnh biểu thị cho dung nham nóng chảy từ miệng núi lửa Kilauea ở Hawaii. Bức ảnh này do vệ tinh Earth Observing-1 của NASA ghi lại.
Theo Vietnamnet
Bình luận