Hướng dẫn quan sát các chòm sao, các vật thể xa, các hành tinh và các sự kiện thiên văn học. Tonight’s Sky, các điểm nhấn của bầu trời đêm tháng mười một.

Bầu trời đêm tháng 11/2013 - 2013 11 / Thiên văn học Đà Nẵng

Các hành tinh buổi tối

Ngay sau khi Mặt Trời lặn, Sao Kim (Venus) xuất hiện để tỏa sáng như một ngọn hải đăng trên đường chân trời phía tây nam. Một chiếc kính viễn vọng sẽ giúp bạn quan sát tốt hơn.

Xuất hiện cuối buổi tối, Sao Mộc xuất hiện rực rỡ trên bầu trời phía đông. Hãy cùng dõi theo hành tinh này đang leo cao hơn vào các tối mùa thu.

Các chòm sao và các vật thể xa

Loài cá, cừu và một hình tam giác, tất cả đều có thể tìm thấy trên bầu trời đêm tháng mười một.

Chòm sao Song Ngư (Pisces), trong thần thoại cổ đại, là một cặp cá song sinh dính liền nhau. Chúng đại diện cho hai vị thần Hy Lạp đang chạy trốn lửa (quỷ Typhon).

Hãy tìm những vòng sao ở cao trên bầu trời phương nam.

Ngay phía đông Song Ngư là chòm sao Bạch Dương (Aries), chú cừu vàng của các vị thần Hy Lạp. Đây là một chòm sao mờ.

Song Ngư và Bạch Dương đều nằm trên đường hoàng đạo, là đường đi của Mặt Trời.

Chòm sao Tam Giác (Triangulum), một chòm sao có hình dáng đơn giản nhất, được nhận diện từ thời cổ đại. Hãy tìm nó ngay bên cạnh Bạch Dương và Song Ngư.

Thiên hà Tam Giác dễ thương nằm trong khu vực này. Nó thuộc cùng cụm thiên hà có chứa Dải Ngân Hà của chúng ta. Còn được biết đến với tên M33, thiên hà này cách chúng ta khoảng 3 triệu năm ánh sáng. Chúng ta có thể nhìn thấy nó trong đêm tối với ống nhòm.

Các hành tinh buổi sáng

Sao Hỏa (Mars) – hành tinh đỏ – tỏa sáng trên bầu trời phía đông khoảng 1 giờ trước bình minh. Những người tinh mắt có thể nhận ra những vùng sáng tối trên hành tinh này thông qua kính viễn vọng.

Sao Thủy (Mercury) xuất hiện trước khi Mặt Trời mọc trong tháng này. Nếu phía đông không bị che khuất, hãy tìm Sao Thủy nằm sát đường chân trời. Hành tinh này sẽ lên vị trí cao nhất và dễ quan sát nhất vào giữa tháng.

Trong những ngày cuối tháng, Sao Thổ (Saturn) sẽ đồng hành cùng Sao Kim ngay phía trên đường chân trời phía đông.

Hãy dùng kính viễn vọng để quan sát các hành tinh này.

Các sự kiện thiên văn đáng chú ý

Tháng mười một tự hào có trận mưa sao băng Leonid. Trận mưa sao băng này là kết quả của việc Trái Đất đi ngang quang dải bụi để lại bởi sao chổi Tempel-Tutle. Sao chổi này quay lại bên trong Hệ Mặt Trời sau mỗi 33 năm.

Hãy tìm các ngôi sao băng vào đêm 17, rạng sáng ngày 18 tháng mười một, khi Leonid đạt cực điểm. Trận mưa sao băng này có tần suất cực đại dự kiến là 40 sao băng 1 giờ.

Một nhật thực lai sẽ tạo nên vùng tối trên vùng giữa Thái Bình Dương và Trung Phi. Nhật thực lai có thể là nhật thực toàn phần hoặc nhật thực hình khuyên, tùy thuộc vào vị trí quan sát.

Bầu trời đêm luôn là một bữa tiệc thiên văn lý thú. Hãy khám phá điều kỳ diệu từ ngay sân sau nhà bạn.

Dịch bởi Hiền Thanh Phan
Nguồn: Hubblesite.org

Content Protection by DMCA.com