Tháng này, bạn có thể quan sát được chòm sao Nam Thập Tự nổi bật trên bầu trời, gồm nhiều ngôi sao sáng nằm ở hướng nam.

Ngôi sao màu xanh Acrux, hay Alpha Crucis, là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Crux, Nam Thập Tự, hay còn gọi là Chữ Thập Phương Nam. Đây là ngôi sao sáng thứ 13 trên bầu trời đêm. Bởi vì ngôi sao này nằm ở gần thiên cực nam, nên một số khu vực tại bắc bán cầu khó có thể nhìn thấy ngôi sao này.

Ngôi sao Acrux của chòm sao Nam Thập Tự - NamThapTu kwdjnt / Thiên văn học Đà Nẵng

Chòm sao Nam Thập Tự. Mô phỏng bởi Stellarium.

Tại Việt Nam, chúng ta chỉ thấy chòm sao này trong khoảng thời gian khá ngắn so với các chòm sao khác. Trong khi đa số các quốc gia tại nam bán cầu thì có thể quan sát nó trong suốt cả năm.

Làm thế nào để quan sát ngôi sao Acrux?

Đối với những khu vực ở phía nam đường vĩ tuyến 27 độ vĩ bắc, (ví dụ như Đà Nẵng khoảng 16 độ vĩ bắc), ngôi sao Acrux và chòm sao Nam Thập Tự sẽ lên vị trí cao nhất của nó vào khoảng cuối tháng 3 và đầu tháng 4 lúc nửa đêm.

Càng về phía nam, khoảng thời gian có thể nhìn thấy ngôi sao này càng tăng lên. Chẳng hạn như tại Australia, ngôi sao này có thể nhìn thấy vào mỗi đêm trong năm.

Khi bạn đang nhìn về phía nam, ngôi sao Acrux đánh dấu vị trí đáy của cây thánh giá – chòm sao Nam Thập Tự, tức là ngôi sao này nằm gần đường chân trời nhất. Với độ sáng biểu kiến là 0,77, Acrux là ngôi sao sáng nhất tại khu vực này. Cũng trong chòm sao Nam Thập Tự, ngôi sao Mimosa (hay Beta Crucis), với độ sáng biểu kiến là 1,25, là ngôi sao sáng thứ 19 trên bầu trời đêm.

Gần chòm sao Nam Thập Tự, hai ngôi sao sáng của chòm sao Nhân Mã Centaurus, hai ngôi sao Rigil Kent và Hadar được gọi là “con trỏ phía nam”. Bạn hãy vẽ đường thẳng từ ngôi sao Rigil Kent đến sao Hadar, vào kéo dài đoạn thẳng nối hai ngôi sao này 3 lần, bạn sẽ bắt gặp đỉnh của cây thánh giá này.

Chòm sao Nhân Mã Centaurus và Nam Thập Tự

Chòm sao Nhân Mã Centaurus và Nam Thập Tự. Mô phỏng bởi Stellarium.

Không giống như nhiều ngôi sao khác, được đặt tên theo tiếng Ả Rập, Latin hay Hy Lạp, ngôi sao Acrux chỉ đơn giản là sự kết hợp của chữ “A” (trong Alpha) và “Crux” là chòm sao Crux – Nam Thập Tự. Đây là cái tên được đặt ra bởi cậu bé Elijah Hinsdale Burritt tại một nông trại ở Connecticut đã vẽ bản đồ sao vào khoảng năm 1835.

Tuy không có thần thoại nào về ngôi sao Crux hay chòm sao Nam Thập Tự, nhưng chòm sao này được rất nhiều người biết đến, bởi vì các thủy thủ đã sớm di chuyển về phía Nam và đã nhìn thấy nó.

Trong khi đó, tại thiên cầu bắc, cũng có một hình chữ thập trên bầu trời. Đó chính là nhóm sao Bắc Thập Tự của chòm sao Thiên Nga. Mặc dù không có ngôi sao sáng như Acrux, nhưng nhóm sao Bắc Thập Tự lớn hơn và đẹp hơn chòm sao Nam Thập Tự. Tuy nhiên, có một sự thú vị là ngôi sao sáng nhất của Bắc Thập Tự, sao Deneb cũng có độ sáng tương đương với ngôi sao Mimosa của Nam Thập Tự. Cả hai ngôi sao này đều màu xanh, sáng thứ 19 (Mimosa) và 20 (Deneb) trên bầu trời đêm.

Bắc Thập Tự và Nam Thập Tự

Bắc Thập Tự và Nam Thập Tự. Mô phỏng bởi Stellarium.

Có rất nhiều người thích chòm sao Nam Thập Tự. Chúng ta có thể thấy hình ảnh chòm sao này như một biểu tượng trên lá cờ của một số quốc gia ở bán cầu nam.

Lá cờ một số quốc gia có chòm sao Nam Thập Tự

Image Credit: Wikimedia Commons

Mặc dù chúng ta nhìn thấy ngôi sao Acrux chỉ là một ngôi sao, nhưng khi nhìn quan kính thiên văn, ta sẽ thấy có hai ngôi sao đang quay quanh nhau.

Acrux gồm 2 ngôi sao quay quanh nhau

Hình ảnh tại đài thiên văn Starfield.

Ngôi sao Crux cách chúng ta khoảng 321 năm ánh sáng và thực tế, nó là Alpha-1 với độ sáng 1,33 và Alpha-2 với độ sáng là 1,73 và kết quả là ngôi sao Acrux với độ sáng biểu kiến là 0,77.

Hãy quan sát ngôi sao Acrux cũng như chòm sao Nam Thập Tự trong các buổi quan sát bầu trời mùa hè của CLB Thiên văn học Đà Nẵng, các bạn nhé!

Thái Lợi – DAC theo Earthsky.

Content Protection by DMCA.com