Năm 2011 đến với nhiều sự kiện thiên văn lý thú hy vọng sẽ mang lại cho chúng ta nhiều cảm hứng. Điểm đáng chú ý nhất trong năm nay là các trận mưa sao băng và nguyệt thực toàn phần vào cuối năm. Hãy cùng điểm qua các sự kiện thiên văn học đáng chú ý năm 2011 nhé.
04/01/2011: Nhật thực một phần. Nhật thực 1 phần sẽ quan sát được tại hầu hết các vùng Bắc Phi, Châu Âu và Châu Á. Việt Nam không quan sát được hiện tượng nhật thực lần này. Xem bản đồ Nhật thực một phần ngày 04/01/2011
20/03/2011: Xuân Phân tại Bắc Bán Cầu. Điểm xuân phân sẽ diễn ra vào lúc 23:31 UT. Đây là thời điểm mà thời gian ngày và đêm bằng nhau. Đây cũng là ngày đầu tiên của mùa xuân.
03/04/2011: Sao Thổ ở vị trí đối lập. Chúa tể của những chiếc vòng sẽ ở vị trí gần Trái Đất nhất. Đây là thời gian cực kỳ tốt để quan sát, ghi hình Sao Thổ và các vệ tinh của nó.
Đêm 21 rạng sáng 22/04/2011: Mưa sao băng Lyrids. Đây là một trận mưa sao băng trung bình, với tần suất khoảng 20 sao băng/1 giờ tại cực điểm. Các thiên thạch lao vào khí quyển sẽ tạo nên những vệt sáng rất nhanh gọi là sao băng hay sao đổi ngôi. Cực điểm Mưa sao băng Lyrids thường vào đêm 21, rạng sáng 22/04, nhưng những ngôi sao băng đã có thể nhìn thấy từ trước và sau ngày này, khoảng 16-25/04/2011. Hãy cùng đón chờ trận mưa sao băng này xuất hiện từ phía chòm Thiên Cầm (Lyra). Quan sát Mưa sao băng tốt nhất thường về hướng Đông sau nửa đêm.
Đêm 05, rạng sáng 06/05/2011: Mưa sao băng Eta Aquarids Trận mưa sao băng này có tần suất khoảng 10 sao băng/1 giờ tại cực điểm. Cực điểm của trận mưa sao băng này diễn ra vào đêm 05, rạng sáng 06/05, nhưng đã có thể quan sát được sao băng trong các đêm từ 04-07/05. Trận mưa sao băng này xuất phát từ chòm sao Bảo Bình (Aquarius). Quan sát Mưa sao băng tốt nhất thường về hướng Đông sau nửa đêm.
01/06/2011: Nhật thực một phần. Nhật thực một phần lần này quan sát được ở phần lớn Đông Á, Alaska, Bắc Canada và Greenland. Việt Nam không quan sát được lần nhật thực một phần này. Xem bản đồ nhật thực một phần
15/06/2011: Nguyệt thực toàn phần. Nguyệt thực toàn phần lần này có thể quan sát được tại phần lớn Nam Mỹ, Châu Phi, Châu Âu, Châu Á và Châu Úc.
21/06/2011: Hạ Chí ở Bắc Bán Cầu diễn ra lúc 17:16 UT. Đây là thời điểm có thời gian ban ngày dài nhất trong năm. Đây cũng là ngày đầu tiên của mùa hè.
01/07/2011: Nhật thực một phần. Nhật thực một phần lần này chỉ có thể quan sát được ở ngoài khơi bờ biển Nam Cực. Xem bản đồ nhật thực một phần.
Đêm 28, rạng sáng 29/07/2011: Mưa sao băng Southern Delta Aquarids. Trận mưa sao băng này có tần suất khoảng 20 sao băng/1 giờ tại cực điểm. Cực điểm của trận mưa sao băng này vào đêm 28, rạng sáng 29/07, nhưng những ngôi sao băng Southern Delta Aquarids đã có thể quan sát thấy vào các đêm từ 18/07-18/08. Trận Mưa sao băng này xuất phát từ phía chòm sao Bảo Bình (Aquarius). Quan sát mưa sao băng tốt nhất thường về hướng Đông sau nửa đêm.
Đêm 12, rạng sáng 13/08/2011: Cực điểm mưa sao băng Perseids. Đây là một trong những trận mưa sao băng tốt nhất để quan sát, với tần suất lên đến 60 sao băng/1 giờ tại cực điểm. Cực điểm mưa sao băng Perseids là đêm 12, rạng sáng 13/08, nhưng sao băng Perseids đã có thể nhìn thấy trên bầu trời vào các đêm từ 23/07 đến 22/08/2011. Mưa sao băng Perrseids xuất phát từ chòm sao Anh Tiên (Perseus). Quan sát tốt nhất về hướng Đông – Bắc sau nửa đêm.
22/08/2011: Sao Hải Vương ở vị trí đối lập. Hành tinh màu xanh này sẽ tiếp cận vị trí gần Trái Đất nhất. Đây là khoảng thời gian tốt nhất để quan sát và ghi hình hành tinh này, mặc dù nó chỉ xuất hiện là một chấm xanh trong phần lớn các kính thiên văn, ngoại trừ các kính thiên văn lớn.
23/09/2011: Thu phân tại Bắc Bán Cầu vào lúc 09:04 UT. Đây là lúc mà khoảng thời gian ban ngày và ban đêm bằng nhau. Đây cũng là ngày đầu tiên của mùa thu.
25/09/2011: Sao Thiên Vương ở vị trí đối lập. Hành tinh màu xanh – xanh lá này sẽ tiếp cận vị trí gần Trái Đất nhất. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát hành tinh này, mặc dù nó xuất hiện chỉ là một chấm nhỏ màu xanh – xanh lá trong phần lớn các kính thiên văn, trừ những kính thiên văn lớn.
Đêm 21, rạng sáng 22/10/2011: Cực điểm mưa sao băng Orionids. Đây là một trận mưa sao băng trung bình với tần suất khoảng 20 sao băng/1 giờ tại cực điểm. Cực điểm của trận mưa sao băng này được xác định vào đêm 21, rạng sáng 22/10, nhưng nó rất bất thường. Thời gian quan sát tốt mưa sao băng Orionids vào khoảng 20-24/10/2011, và một số sao băng đã có thể nhìn thấy trong các đêm từ 17-25/10/2011. Quan sát tốt nhất về hướng Đông sau nửa đêm.
29/10/2011: Sao Mộc ở vị trí đối lập. Hành tinh khổng lồ này sẽ tiếp cận vị trí gần Trái Đất nhất. Đây là thời gian tốt nhất để quan sát và ghi hình Sao mộc và các vệ tinh của nó.
Đêm 17, rạng sáng 18/11/2011: Cực điểm mưa sao băng Leonids. Đây là một trong những trận mưa sao băng tốt để quan sát, với tần suất lên đến 40 sao băng/1 giờ tại cực điểm. Leonids có kỳ cao điểm sau mỗi chu kỳ 33 năm, là thời điểm mà hàng trăm thiên thạch có thể nhìn thấy được mỗi giờ. Kỳ cao điểm gần nhất đã diễn ra vào năm 2001. Cực điểm của Leonids là vào đêm 21, rạng sáng 22, nhưng những ngôi sao băng Leonids đã có thể nhìn tháy vào các đêm từ 13-20/11/2011. Quan sát tốt nhất về hướng chòm Sư Tử (Leo) sau nửa đêm.
25/11/2011: Nhật thực một phần. Nhật thực một phần lần này chỉ xuất hiện ở Nam Cực, một phần Châu Phi và Tasmania. Việt Nam không quan sát được lần nhật thực này. Xem bản đồ nhật thực một phần ngày 25/11/2011.
10/12/2011: Nguyệt thực toàn phần. Nguyệt thực sẽ xuất hiện tại phần lớn Châu Âu, Đông Phi, Châu Á, Châu Úc, Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Việt Nam sẽ quan sát được lần nguyệt thực toàn phần này. Xem Bản đồ Nguyệt thực toàn phần ngày 10/12/2011.
Ảnh chụp Nguyệt thực ngày 17/08/2008. Credit: Duyb7 – PAC
Đêm 13, rạng sáng 14/12/2011: Cực điểm mưa sao băng Geminids. Đây là một trong những trận mưa sao băng lớn nhất năm với tần suất lên đến 60 sao băng/1 giờ với nhiều màu sắc tại cực điểm. Cực điểm của Geminids là đêm 13, rạng sáng 14/12/2011, nhưng một số sao băng Geminids đã có thể nhìn thấy vào các đêm từ 6-19/12/2011. Mưa sao băng Geminids xuất phát từ chòm sao Song Tử (Gemini). Quan sát tốt nhất thường về hướng Đông sau nửa đêm.
21/12/2011: Đông chí tại Bắc Bán Cầu lúc 05:30 UT. Mặt Trời sẽ ở điểm thấp nhất của nó trên bầu trời, và đây là thời điểm có khoảng thời gian ban ngày ngắn nhất năm. Đây cũng là ngày đầu tiên của mùa Đông.
Các sự kiện thiên văn đáng chú ý của năm 2011 đã được cập nhật vào Lịch Thiên văn học trên hệ thống trang tin.
Phan Thanh Hiền (Theo SeaSky.org)
Bình luận